Nhìn lại những dấu ấn lịch sử trong nước và thế giới ngày 30/4

06:30:00 30/04/2015
Cách đây tròn 40 năm, ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện.

Đây là sự kiện lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là sự kiện trọng đại của lịch sử thế giới.

Xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập

Cùng với sự kiện đại thắng mùa Xuân 1975, các ngày 30/4 của các năm trước và sau đó cũng ghi dấu ấn nhiều sự kiện hay nhân vật lịch sử ở trong nước cũng như thế giới.

Chúng ta cũng nhìn lại một số dấu ấn của ngày 30/4

Dấu ấn sự kiện lịch sử và nhân vật trong nước ngày 30-4

- Ngày 30-4-1949: nhân Ngày Quốc tế Lao động (1-5), Bác viết thư chào mừng với đầu đề “Nhiệm vụ chính trong giai đoạn mới”.

Trong thư có đoạn: “Ở các nước, ngày này là ngày riêng của lao động, kiểm điểm lực lượng của mình, để đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp. Ở nước ta, bất kỳ già, trẻ, trai, gái, sĩ, nông, công, thương, binh, toàn dân đều phải đoàn kết thành một khối, toàn dân đều ra sức lao động, nhằm một mục đích: giết giặc cứu nước. Ngày 1-5 là ngày lễ của toàn thể đồng bào ta...”.

- Ngày 30-4-1952: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử ông Nguyễn Lương Bằng làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam ở Liên Xô.

- Ngày 30-4-1964: Bác Hồ nói chuyện tại Đại hội Liên hoan Phụ nữ “năm tốt”.

Bác khẳng định: “Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”. Phân tích những nội dung của “năm tốt”, Bác nhấn mạnh: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”.

Về nội dung “gia đình”, Bác đưa ra quan niệm: “Gia là nhà, đình là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no, yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, là không tốt. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ những người cùng lao động trong một nhà máy, một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như là anh em trong một gia đình. Ta có câu hát:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước thì thương nhau cùng”.

- Ngày 30-4-1975: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Cách đây 40 năm, lúc 5 giờ 30 phút sáng ngày 30-4-1975, quân ta mở đợt tiến công cuối cùng, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm dinh Độc Lập.

Đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt nhất nhưng cũng vẻ vang nhất trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

- Ngày 30-4-2002: Khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu

Được xây dựng trên quốc lộ 60, cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Đây là cầu dây văng đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và xây dựng.

Cầu có tổng chiều dài 8.331 m, trong đó phần cầu chính dài 2.878m.

Đây là dự án được đầu tư theo phương thức BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao), có vốn đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng.

Cầu được khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 19-1-2009.

Cầu Rạch Miễu được xây dựng giúp tỉnh Bến Tre không còn là tỉnh cù lao, giao thông cách trở, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.


- Ngày 30-4-2004: Khánh thành Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ



Công trình được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 29 năm giải phóng miền Nam và chào mừng 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Tượng đài được khởi công đúc, ngày 10-10-2003. Đến cuối tháng 2-2004 việc đúc tượng hoàn thành.

Đây là tượng đài lớn nhất nước ta với chiều cao 12,6m, dài 10 m và rộng 8 m, do nhà điêu khắc Nguyễn Hải (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) thiết kế. Tượng đài này được đúc bằng đồng nguyên chất có tổng trọng lượng là 220 tấn.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên bệ cao 3,6m trên đỉnh đồi D1 tại trung tâm Điện Biên, có độ cao 100 m so với mặt bằng Mường Thanh.

- Ngày 30-4-2006: Hợp long cầu Bãi Cháy tại Hạ Long

Cầu Bãi Cháy bắc qua eo biển Cửa Lục (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã chính thức hợp long sau gần 3 năm khởi công xây dựng.

Cây cầu này có tổng vốn đầu tư là 2.142 tỷ đồng, là cây cầu dây văng bê tông dự ứng lực 1 mặt phẳng đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, có chiều dài 903 m, rộng 25,3 m (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ), tĩnh không thông thuyền 50 m.

Ngày 2-12-2006, Cầu Bãi Cháy được khánh thành và đưa vào sử dụng, góp phần đảm bảo giao thông thuận tiện, thông thương hành hóa, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, vùng tam giác kinh tế phía Bắc nói chung và góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp cho vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên của thế giới.

- Ngày 30-4-1911: Ngày sinh của Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há

Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há, tên thật là Trương Phùng Hảo, quê ở Tiền Giang. Bà là cây đại thụ của sân khấu cải lương Việt Nam.

Khi mới 13 tuổi, bà đã diễn vai diễn đầu tiên - vai Giả Thị trong vở “Hoàng Phi Hổ Quy Châu” của soạn giả Nguyễn Công Mạnh.

Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há đã diễn hầu hết các đề tài cổ kim, đông tây, với rất nhiều vở diễn trên sân khấu cải lương - một sân khấu tổng hợp gồm có: thơ, ca, múa, nhạc và họa.

Bà đã góp phần đào tạo nên những nghệ sĩ tài danh như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Kim Tử Long, Thanh Thanh Tâm…

Bà mất ngày 5-7-2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Ngày 30-4-2006: Ngày mất của nhà văn Vũ Bão.

Nhà văn Vũ Bão tên thật là Phạm Thế Hệ, sinh ngày 4-9-1931, tại Cẩm Phả, Quảng Ninh. Quê gốc của ông ở An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông là tác giả của khoảng 30 tiểu thuyết, tập truyện ngắn, bút ký văn học… với các bút danh: Vũ Văn Bảo, Tạ Văn Dung, Hồ Huỳnh, nhưng chủ yếu là bút danh Vũ Bão.

Tên tuổi Vũ Bão còn gắn liền với cuốn tiểu thuyết mang tên “Sắp cưới” viết về cải cách ruộng đất. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết in dấu nhiều kỷ niệm cuộc đời ông. Cuốn tiểu thuyết ra đời từ năm 1957, được làng văn đón nhận nồng nhiệt, nhưng lại bị xem là “có vấn đề” và bị chỉ trích. Mãi đến năm 1988, sau hơn 30 năm, “đứa con tinh thần” này của ông mới được Nhà xuất bản Phụ nữ tái bản lần thứ nhất với số lượng lớn 15.000 bản.

Sau khi Nhà xuất bản Phụ nữ tái bản cuốn tiểu thuyết này, sách của ông ra nhiều. Tên sách cứ tuần tự ra đời theo bảng chữ cái, từ A đến Z. Và tính đến nay, nhà văn Vũ Bão đã sở hữu hàng chục đầu sách.

Ông đã đoạt nhiều giải thưởng như: Giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tập truyện ngắn “Em đường em, anh đường anh”; Giải thưởng sáng tác 5 năm 1980-1985 của Hội Nhà văn Hà Nội cho tiểu thuyết “Thời gian không đợi”; Giải thưởng của tuần báo Văn nghệ cho tập truyện ngắn “Người vãi linh hồn”; Giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội cho các truyện ngắn: “Lý sự người đời”, “Người không có tên trong từ điển”./.


Dấu ấn sự kiện lịch sử - nhân vật của thế giới ngày 30-4

- Ngày 30-4-1945: Adolf Hitler và vợ Eva Braun tự sát trong một boongke ở Berlin .

- Ngày 30-4-1948: Ngày thành lập Tổ chức các nước châu Mỹ.

Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) được thành lập tại Hội nghị liên Mỹ lần thứ 9 ở Bogota (Colombia), thay thế Liên hiệp quốc tế các nước châu Mỹ ra đời cuối thế kỷ XIX. Với trụ sở đặt tại Washington, Mỹ, khi thành lập OAS mang tính chất một liên minh chính trị - quân sự nhằm buộc các nước Mỹ Latinh phụ thuộc vào Mỹ. Đối với các tranh chấp ở Tây bán cầu, OAS đặt ưu tiên thẩm quyền giải quyết cho tổ chức này hơn là thẩm quyền của Liên hợp quốc. Chính điều này đã hợp pháp hóa những cuộc xâm lược trong khu vực và khai trừ Cuba ra khỏi tổ chức (năm 1962). Từ giữa thập kỉ 70 thế kỉ XX, các nước Mỹ Latinh có xu hướng theo đường lối chính trị độc lập. Các nghị định thư bổ sung Hiến chương của tổ chức này đã được ký khiến sự khống chế của Washington bị suy yếu. Đến nay, OAS có 35 nước thành viên.

- Ngày 30-4-1955: Tìm ra nguyên tố thứ 101 trong bảng phân loại tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

Các nhà khoa học của Trường đại học tổng hợp California, Berkeley, Mỹ là Albert Ghiorso, Bernard Harvey, Gregory Choppin, Stanley Thompson và Glenn Seaborg tìm ra nguyên tố thứ 101 và đặt tên cho nó là Medelevium (Md) để tưởng nhớ người đã có công phát minh ra bảng phân loại tuần hoàn Mendeleyev.

Nhóm này đã tạo ra Md258(chu kỳ bán rã 87 phút) khi họ bắn phá hạt nhân Es253 bằng các hạt an-pha (hạt nhân hê-li) trong máy cyclotron 60 in. Nguyên tố 101 này là nguyên tố siêu urani thứ 9 được tổng hợp. 17 nguyên tử đầu tiên của nó đã được tạo và phân tích bằng phương pháp tách-hấp thu ion. Trong quá trình này, Md có phản ứng rất giống Thulium, một dạng đồng đẳng tự nhiên của nó. Hiện chỉ một lượng rất ít Md được tạo ra.

- Ngày 30-4-1991: Lốc xoáy ở Bangladesh làm 125.000 người thiệt mạng.

- Ngày 30-4-2001: Khách du lịch đầu tiên lên trạm vũ trụ quốc tế (ISS) . Thương gia người Mỹ Dennis Tito, vị khách du lịch đầu tiên đã bước vào Trạm ISS, mở ra một trang mới trên con đường chinh phục khoảng không vũ trụ bao la.

Thương gia người Mỹ Dennis Tito trở về từ trạm vũ trụ ISS

Để thực hiện ước mơ từ hơn 30 năm trước khi được đi du lịch trên Trạm ISS, ông Tito đã phải trải qua một quá trình tập luyện đầy khó khăn, phức tạp và bền bỉ và phải chi trả gần 20 triệu USD cho chi phí của một chuyến du lịch chưa từng có này. Ban đầu, ông Tito định du lịch trên trạm “Hòa bình” của Nga nhưng vì trạm này đã ngừng hoạt động và rơi xuống đại dương theo đúng kế hoạch đã định (vào ngày 23-3-2001), nên chuyến du lịch của ông được chuyển sang trạm ISS này. Ông Tito đã du lịch trên Trạm ISS một tuần, sau đó trở về Trái đất bằng thiết bị hạ cánh của Nga.

- Ngày 30-4-2003: Libya nhận trách nhiệm về vụ đánh bom một chuyến bay của Hãng Hàng không Pan Am trên bầu trời Lockerbie (Scotland) hồi năm 1998 làm 259 người trên máy bay và 11 người trên mặt đất thiệt mạng.

- Ngày 30-4-2004: EU tiến hành đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử 47 năm của EU khi kết nạp 10 nước thành viên mới là: Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Cyprus và Malta; đưa dân số của EU lên 450 triệu người.

- Ngày 30-4-1777: Ngày sinh nhà toán học nổi tiếng người Đức Carl Friedrich Gauss.

Gauss (1799-1855) sinh tại Brunswick, Đức. Ông từng theo học tại Đại học tổng hợp Gottingen, Hanover và có bằng Tiến sĩ Toán học với luận án về lý thuyết phương trình. Ông được coi là một trong những nhà toán học vĩ đại nhất thế giới với những đóng góp trong lĩnh vực lý thuyết số, hình học, lý thuyết xác suất, lý thuyết hàm số, thiên văn học, điện từ học... Những nghiên cứu của ông trong lĩnh vực toán học đã góp phần tạo nên nền tảng của Đại số lý thuyết và lý thuyết số. Tên ông được đặt tên cho đơn vị đo cường độ từ trường – Gauss.

Năm 1807, ông được phong hàm Giáo sư toán học và được bổ nhiệm làm Giám đốc Đài quan sát thiên văn Gottingen. Ông đã giữ chức vụ này liên tục 48 năm cho đến khi ông mất ngày 23-2-1855 tại Gottingen, Hanover, Đức.

- Ngày 30-4-1916: Ngày sinh “cha đẻ của lý thuyết thông tin" Claude Shannon.

Shannon (1916-2001) sinh tại Michigan, Mỹ. Shannon được biết đến không chỉ là nhà toán học, mà còn là một kỹ sư điện tử và nhà mật mã học có nhiều đóng góp cho ngành phân tích mật mã trong Chiến tranh thế giới thứ hai và sau đó là những đóng góp cơ bản cho việc giải mật mã.

Năm 1937, ông được giới khoa học chú ý khi đưa ra lý thuyết thiết kế máy tính số và mạch số thông qua bản luận án của mình. Trong đó, ông đã chứng minh rằng ứng dụng điện tử của đại số Boole có thể xây dựng và giải quyết bất kì quan hệ số hay logic nào. Năm 1948, ông lại càng được thế giới biết đến với việc xây dựng lý thuyết thông tin.

Ông mất ngày 24-2-2001, tại Massachusetts, Mỹ.

- Ngày 30-4-1946: Ngày sinh Quốc vương Thụy Điển Carl XVI Gustaf.

- Ngày 30-4-1954: Ngày sinh nữ đạo diễn điện ảnh nổi tiếng người New Zealand Jane Campion.

Campion sinh tại Waikanae. Bà tốt nghiệp đại học Victoria ở Wellington, New Zealand và Trường Nghệ thuật Sydney ở Australia. Năm 1986, bộ phim Peel do bà đạo diễn đoạt giải Cành cọ Vàng tại liên hoan phim Cannes, Pháp. Những bộ phim tiếp theo sau đó, như: Sweetie (1989), An Angel at My Table (1990) đã khẳng định tài năng đạo diễn xuất sắc của bà và nhất là bộ phim The Piano (1993) đã mang lại cho bà giải Oscar năm 1993.

Jane Campion còn là nhà viết kịch bản phim nổi tiếng với những đề tài về phụ nữ.

- Ngày 30-4-2000: Poul Hartling (1914-2000) , cựu Thủ tướng Đan Mạch, Cao ủy của LHQ về người tị nạn năm 1978, người đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1981, qua đời.

Nguồn: TTXVN, AP, Reuters


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1