Nhớ ai rau sắng....

09:54:00 15/03/2015
Đầu thế kỷ XX, nhà văn Pháp Marcel Proust làm một cuộc cách mạng tiểu thuyết. Không dùng sự việc bên ngoài làm nền mà phân tích tâm lý bên trong là chủ yếu, ông xuất phát từ nội tâm, một cảm giác, một ấn tượng, một hồi ức dĩ vãng, sống lại, tái tạo thời gian đã qua, ranh giới thời gian bị xóa mờ trong dòng chảy của ý thức: “Đi tìm thời gian đã mất” là bộ tiểu thuyết nổi tiếng của ông. Một thí dụ điển hình của hồi ức ấy là khi tác giả đưa lên môi chiếc bánh ngọt madeleine đã chấm vào nước trà, thì một mùi vị xa xưa thời nhỏ lại hiện lên cùng cả một mảng đời đã chìm vào vô thức.

Chúng ta chắc ai cũng có lần hưởng cảm giác ấy. Bản thân tôi có lần húp thìa canh rau sắng thì bỗng có cảm giác đúng mùi vị ấy như hồi bé, sống lại giây phút đúng mùi vị canh rau sắng mẹ tôi nấy với giò giã. Và lóe lên cùng mùi vị rau sắng rất nhiều chi tiết của một quãng đời thơ ấu hầu như đã quên hẳn. Canh rau sắng nấu với thịt nạc hay với giò giã chắc cũng đắt tiền hơn các loại canh khác, cho nên mẹ tôi ít nấu. Đặc biệt là ăn rau sắng suông không thịt vẫn có vị thơm ngọt, đó là loại rau quý phái, trên các loại bình dân như rau muống, rau dền, rau cải...

Nói đến rau sắng là nghĩ ngay đến Chùa Hương, và nhớ đến hai câu thơ của Tản Đà:

Nước non muôn dặm đường trường

Hỡi ai "rau sắng Chùa Hương" nhớ cùng.

Xin nhắc lại câu chuyện Tản Đà và rau sắng Chùa Hương đã được truyền tụng nhiều. Nhà thơ có làm bài ca dao:

Muốn ăn rau sắng chùa Hương

Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa

Người đi, ta ở lại nhà

Cái dưa thời khú, cái cà thời thâm. (1922)

Một nữ độc giả không quen biết (nghe đâu là nữ sĩ Song Khê) gửi qua bưu điện đến cho ông gói rau sắng với bài thơ:

Kính dâng rau sắng Chùa Hương

Đỡ ai tiền tốn, con đường đỡ xa

Không đi thì gửi lại nhà

Thay cho dưa khú cùng là cà thâm

Tản Đà trong bài thơ cảm ơn, viết:

... Đường xa rau vẫn còn xanh

Tấm lòng thơm thảo, bát canh ngọt ngào.

Tôi cố tình nhắc lại một câu chuyện nhiều người biết, có thể một số thanh niên chưa biết, để nhắc lại một nét sống văn hóa tao nhã một thời.

Rau sắng mọc trên núi đá vôi. Đưa đi nơi khác, dù là núi đất, dù là vườn ruộng ngay trong vùng Chùa Hương, vẫn không đạt chất lượng như mong muốn. Hoa của cây rau mọc thành bông trên thân, thường gọi là râu rồng, lấm tấm như hoa ngâu, nấu canh ăn còn ngọt hơn lá non. Cây sắng trĩu lá vào mùa đông, lại nảy lộc và ra râu rồng vào mùa xuân. Lá non và lá bánh tẻ thái nhỏ hoặc vò để nấu canh. Lá non bán kèm râu rồng càng có giá. Lá sắng hái mỗi tháng một lần cho đến tháng 6. Cành non và quả đem giã nhỏ cũng nấu canh được. Rau sắng cũng có loại mọc ở rừng Trường Sơn. Rau sắng tên khoa học là Phyllanthus elegansl. Nó có nhiều chất bổ, cung cấp vitamin, muối khoáng, tỷ lệ protit gấp đôi rau muống (cũng đã được liệt vào hạng nhiều chất bổ) và các loại cô ve như đậu đũa, đậu ván. Do hàm lượng protein cao nên nấu canh ngọt như có mì chính (glutamat). Trong 100g rau sắng có 6,2% protit, 5,5% gluxit, 2,2% xenluloxa, nhiều chất axit amin cần thiết cho con người.

Rau sắng cùng họ với rau ngót. Ngót mọc nhiều nơi ở trong nước, có thể mọc hoang hay trồng quanh bờ rào. Cây nhỏ, cao tới 1,5-2m. Bộ phận được sử dụng là lá, hái tươi để dùng ngay, để nấu canh hay làm thuốc (thường hái lá ở những cây trẻ 2 tuổi trở lên làm thuốc). Lá rau ngót dùng để chữa sót nhau và đánh tưa lưỡi trẻ sơ sinh. Ở Huế, rau ngót gọi là bồ ngót hay bù ngót, nấu với tôm khô, tôm tươi hay cá trầu.

Hữu Ngọc

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1