Thông cáo từ Viện Hàn lâm Thụy Điển ghi nhận Patrick Modiano là người có biệt tài viết hồi tưởng, trong đó ông khéo léo gợi lại những số phận “khó nắm bắt nhất” về con người và bộc lộ được khung hình dĩ vãng của nước Pháp Đức Quốc xã chiếm đóng.
Khi NXB Antoine Gallimard gọi điện thoại cho ông để chúc mừng, Patrick Modiano rất hạnh phúc song đã đáp lại bằng một vẻ khiêm nhường cố hữu của mình rằng ông cảm thấy vinh dự này là “lạ lùng”.
Các tác phẩm của Patrick Modiano đã được dịch ra 36 thứ tiếng, trong đó có tiếng Thụy Điển, do NXB Elisabeth Grate ấn hành. Và từ 45 năm nay, ông đã trở thành một gương mặt dễ mến của văn học Pháp nhưng là một nhà văn luôn dè dặt đánh giá về thành công của mình.
Người tạo bối cảnh
Theo Modiano, sự thật về con người và những câu chuyện về họ chỉ tồn tại trong quá khứ và đó một quá khứ vẫn còn lẩn khuất khi chủ nhân của nó vẫn đang cố tìm cách lục lạo lại. Chúng ta vẫn đang còn đứng ở bờ bên này của dòng sông hoài niệm và thời gian bỗng chốc phụt ra từ đâu đấy trong sâu thẳm, như làn khói xe phụt ra từ ống xả vậy.
Vì thế từ rất sớm, những tác phẩm của Patrick Modiano đã giúp ông trở thành một khuôn mặt nổi trội trong nền văn học Pháp, ông tản bộ những bước loanh quanh trên khắp ngõ ngách Paris, trong những buổi hoàng hôn nhuốm màu bàng bạc. Ông dõi theo những cuộc tìm về một cách vội vàng, lãng đãng và ông chính là những gương mặt, những nhân vật người đầy số phận mà độc giả có thể nhận ra rõ nét qua từng quyển sách khác nhau. Tác giả Patrick Modiano nhìn nhận rằng những chất liệu được ông sử dụng để vẽ ra được hình hài của những “thực thể người” kia chỉ có giá trị sau khi chúng “đã bốc hơi vào trong trí tưởng tượng”. Và nhất là những câu văn phải đẹp và thanh thoát.
Sách của Modiano được bày trang trọng trên kệ của một hiệu sách sau khi công bố giải Nobel của ông.
Bên cạnh đó và cốt yếu là làm sao phải nhào nặn ra được những “con người của công chúng”, tức đó là những con người mà ngay lập tức phải có khả năng đánh thức được tình cảm yêu mến từ người đọc. Với Patrick Modiano, đó là những nhân vật với những câu nói lửng khửng, ngập ngừng, với những đoạn thoại đầy những “Lạ thật!”, “Khỉ thật!” và những dấu chấm lửng (…) làm giọng nói kéo dài ra một quãng xa trong không gian câu chuyện. Quyển sách mới nhất của ông, Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier (Để con đừng đi lạc trong khu phố), dày 160 trang, vẫn mạnh mẽ từ những chủ đề mà ông đặc biệt ưa thích, đã ra mắt độc giả ngày 2-10 vừa qua và gặt hái được thành công lớn ngay cả trước khi ông được giải Nobel. Quyển tiểu thuyết bắt đầu chỉ bằng một câu ngắn gọn: “Gần như không có gì cả [chấm câu]”, khi chuông điện thoại đổ vang trong căn phòng trống. “Gần như không có gì cả” là điển hình của một cách viết “câu” theo phong cách “nhả chữ rời rạc như những mảnh ghép hình”, là sở trường của nhà văn Patrick Modiano.
Một văn sĩ dễ gần
NXB của ông nghĩ rằng “sẽ phải đợi đến 30 năm nữa mới có được thêm một người Pháp nhận giải Nobel sau Le Clézio”. Ai nấy cũng ít nhiều phỏng đoán rằng lần này giải Nobel “chắc sẽ vinh danh những quyển sách nào nhào nặn được những câu chuyện nóng hổi của thời đại, chắt lọc được những sự kiện nổi cộm của thời hiện tại. Nhưng rồi giải Nobel đã chọn ra một tác phẩm thân tình, ấm cúng, sâu lắng và đầy bí ẩn”.
Tác phẩm của Patrick Modiano như là một trò chơi dò tìm địa chỉ một cách có chủ đích. Một bài phê bình trên báo L’Express đã liệt kê ra ít nhất có năm nhân vật, từ năm quyển tiểu thuyết khác nhau, trú ngụ tại năm địa chỉ khác nhau nhưng lại có chung một số điện thoại: Auteuil 15-28. Bởi nhà văn đã tập trung vào trong toàn bộ tác phẩm của mình hình ảnh một thủ đô Paris thời chiến tranh Thế giới thứ hai, ông đã lột tả được những sự kiện bi thảm đang đè nặng lên số phận của những nhân vật rất đỗi bình thường đó.
Lối hành văn tao nhã, sáng sủa đã giúp Patrick Modiano được xem là một tác giả dễ gần và được công chúng cũng như giới văn học nghệ thuật đánh giá cao. Sách của ông nói nhiều về sự kiếm tìm, tìm kiếm những con người đã biến mất đâu đây, tìm kiếm những kẻ trốn chạy. Nhân vật của ông là những con người đã khuất dạng, những kẻ không giấy tờ tùy thân, những kẻ bị tước đoạt nhân thân: Họ lang thang vô định và vẫn đang mải miết đi tìm lại cội nguồn của mình. Họ trăn trở và giằng xé khi đang đứng giữa hai thế giới: ánh sáng và bóng tối, cuộc đời thật và mộng tưởng về cuộc đời. Sách của Modiano cũng vẽ ra được những khung cảnh phố phường, đường đi lối lại của Paris bằng những chi tiết tỉ mỉ nhất.
Văn của ông là nhạc
Độc giả yêu mến những gì qua từng trang sách của Patrick Modiano? Đó chính là âm điệu, đó chính là một không gian khó có thể xác định được rõ ràng, bởi vì đó chính là không gian riêng của tác giả. Chúng ta bắt đầu đọc và chúng ta bắt đầu bị cuốn hút. Ngay từ những dòng viết đầu tiên, độc giả đã thấy xuất hiện ra một cuộc đời và nhiều cuộc đời, rồi một cảnh trí và nảy lên những dấu chấm hỏi trong đầu. Chúng ta đang bị lôi kéo vào một câu chuyện mà người kể cứ lừng khừng, cứ lưỡng lự, qua những ký ức khi thì chính xác khi thì mơ hồ. Văn của ông là nhạc, đôi khi bị gièm pha nhưng đó mới chính là Modiano. Độc giả cũng yêu mến cái cách mà ông miêu tả nên những thân phận phồng rộp, u uẩn, cách mà ông đắm mình trong những không gian u hoài của quá khứ, cách mà ông dẫn dắt chúng ta qua những ngõ phố lạ, huơ hoắc nhưng luôn gợi lại hồi ức.
Và cuối cùng, nhà văn Patrick Modiano đã có thể tiếp nối nữ văn sĩ chuyên viết truyện ngắn người Canada là Alice Munro, được trao giải Nobel năm ngoái. Ông sẽ được nhận giải thưởng 8 triệu couron (khoảng 878.000 euro) tại Stockholm vào ngày 10-12. Song nhà văn đã phát biểu trong cuộc họp báo tại NXB Gallimard ngày 9-10 rằng ông dành tặng giải thưởng này cho cháu ngoại mình.
. Nhiều người, và đôi khi cả chính ông nữa, nhận thấy một điều là các quyển sách mà ông viết ra đều giống nhau. Nhưng không đúng vậy: Mỗi một quyển sách khác nhau đã mang đến cho độc giả những điều mới mẻ khác nhau.
+ Nhà văn Patrick Modiano: Khi tôi bắt buộc phải đọc lại bản thảo để sửa lỗi, tâm trạng tôi thật kỳ lạ: Tôi cảm thấy mình đã vô tình lặp đi lặp lại những chi tiết giống nhau của nhiều quyển sách trước. Nhưng mỗi một lần viết mới là một lần nữa tôi có thêm được một trải nghiệm mới, một điều gì đó khác trước. Tôi cảm nhận được sự vận động.
. Theo kiểu xoắn ốc, thưa ông?
+ Vâng, đúng vậy, vận động xoáy chứ không phải là vận động dội ngược. Chính xác là như vậy.
. Lẽ ra ông đã thích trở thành nhà thơ hơn thì phải?
+ Tôi đã làm thơ vào khoảng 12-13 tuổi nhưng đó chỉ là cách ráp nhịp cho câu chữ chứ chưa hẳn là một thiên hướng nghệ thuật. Có lẽ tôi không có khả năng tập trung vào thơ ca và vào bản chất của thơ ca. Có nhiều chi tiết khó có thể diễn ra được bằng thơ ca. Cho đến thế kỷ 19, tiểu thuyết được xem là một thể hình thức diễn đạt pha tạp nhưng với tính chất đó của tiểu thuyết, tôi cảm thấy mình thoải mái hơn khi sáng tác.
. Ông cũng đã có thể viết truyện trinh thám?
+ Viết truyện trinh thám chắc là dễ hơn thì phải. Nhưng tôi không viết tiểu thuyết trinh thám là vì tôi không có tài cho thể loại đó. Chính vì thế các tác phẩm của tôi nằm giữa thơ ca và trinh thám.
(Theo Libération)
|
TƯỜNG NGUYỄN (Theo Le Monde, Le Figaro, Libération và francetvinfo.fr)
|