Hai diễn viên Ngọc Anh và Trần Bảo Sơn trong phim Quyên - Ảnh: BHD |
Hai diễn viên Ngọc Anh và Trần Bảo Sơn trong phim Quyên - Ảnh: BHD |
Cuốn tiểu thuyết có thể hơi vụng về về cấu trúc và không nhiều tính văn chương, nhưng những trải nghiệm của nhà văn và những người đồng hương trên đất khách trong một giai đoạn biến động của nước Đức (bức tường Berlin sụp đổ) khiến nó trở nên sống động và ngồn ngộn chất liệu, một vỉa quặng quý hiếm để tái sinh nó dưới một hình thức nghệ thuật khác - điện ảnh.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, sau Cánh đồng bất tận, một lần nữa có con mắt tinh đời khi mua bản quyền chuyển thể cuốn tiểu thuyết từ rất sớm. Anh cũng đi đi về về nước Đức trong suốt bốn năm để tìm thêm những chất liệu của đời sống cho bộ phim.
Đầu tư kinh phí lớn, dàn dựng công phu, chọn một cách làm phim không giống ai và khá mạo hiểm, Quyên là một dự án điện ảnh tử tế và lý tưởng của một đạo diễn, một người làm phim giữa thời buổi điện ảnh Việt đang có xu hướng quay lại thời ăn xổi, đánh nhanh thắng nhanh.
Nhưng thông điệp của bộ phim sẽ chỉ là những xác chữ hoặc xác hình và nằm trên bề mặt của câu chuyện nếu cảm xúc tự thân của nó không đủ mạnh để truyền tới khán giả.
Với Quyên cũng vậy, nếu điểm mạnh của bộ phim là hình ảnh thì điểm yếu của nó là cảm xúc. Nửa đầu bộ phim, những hình ảnh tiếp nối cứ trôi đi mà không kịp neo đậu vào cảm xúc của khán giả. Cách dựng phim vội vã khiến mạch phim thiếu kết dính giữa các cảnh và đôi lúc phá vỡ đường dây cảm xúc giữa các nhân vật.
Nữ diễn viên mới, Ngọc Anh, rất tiếc không làm được điều mà Ninh Dương Lan Ngọc đã làm được trong Cánh đồng bất tận. Khuôn mặt cô đông cứng và gần như cả phim chỉ có một trạng thái cảm xúc.
Tệ hơn nữa là khi cô thoại, lối nhả chữ như được bật ra từ một diễn viên đang cố học thoại chứ không phải từ nội tâm của nhân vật khiến Quyên- linh hồn của bộ phim - trở nên mờ nhạt.
Trần Bảo Sơn cho thấy một nỗ lực thoát vai khi vào vai một tay anh chị, Hiếu Nguyễn tỏ ra có duyên với những vai phụ - đàn em trung tín và David Trần cũng không tệ với vai một tay chồng hơi đớn hèn nhưng khó đoán.
Bộ ba này làm cho nửa sau bộ phim thoát được sự rời rạc và dàn trải của nửa đầu. Sự sáng tạo về mặt kịch bản so với tiểu thuyết giúp bộ phim khai thác thêm được chất hành động, tội phạm và một cái kết khá bất ngờ.
Đây có lẽ là điểm sáng lớn nhất có thể giúp bộ phim lôi kéo được khán giả của ngày hôm nay, những người hầu như không có khái niệm gì về một thời vất vả mưu sinh của người Việt trên xứ người, một cái thời tưởng rất gần mà lại rất xa.
Có những điểm trừ đáng tiếc nhưng với 22 tỉ đồng sản xuất, Quyên cũng đem đến cho khán giả những khuôn hình đáng giá, từ những cảnh tuyết như thật dù chỉ quay ở Đà Lạt đến khung cảnh đẹp lộng lẫy của thời điểm cuối thu đầu đông ở Berlin.
Hiếm có đoàn phim Việt nào dám “chịu chơi” đến thế nên các cảnh mưu sinh của người Việt ở Berlin đỡ bị giả đến nực cười như nhiều phim Việt khác tìm cách đánh lừa khán giả khi có cảnh quay nhân vật ở nước ngoài.
Là một trong những khán giả có mặt tại buổi Quyên ra mắt khán giả trong nước tối 18-6, luật sư Trương Trọng Nghĩa chia sẻ: “Tôi đồng cảm với nội dung phim bởi tôi là người từng sống ở châu Âu thời kỳ đó, một thời kỳ khó khăn khi người Việt tìm cách nhập cư trái phép vào các nước châu Âu. Làn sóng vượt biên này hầu như vì lý do kinh tế nhưng để lại dấu ấn sâu trong đời sống tinh thần, tình cảm của những con người ở thời kỳ đó.
Họ là những người mưu sinh để mong cuộc sống tốt đẹp hơn, họ nhập cư thông qua những băng nhóm bất hợp pháp mang tính chất tội phạm nên thường thì cái giá phải trả rất lớn. Thời kỳ ấy đã qua, một thế hệ khác đã ổn định, con cái họ lớn lên học hành. Nhưng Quyên cũng cho thấy có một bộ phận người Việt khác dù đã trả giá nhưng không thích nghi được, họ sẽ chọn con đường trở về.
Thông điệp nhân văn mà tôi cảm nhận được qua Quyên là việc ra đi chỉ là miễn cưỡng và con người VN lúc nào cũng hướng về quê nhà. Xem Quyên để thấy dưới góc độ xã hội thì đừng bao giờ để lặp lại những thời kỳ tương tự, một thời kỳ bất bình thường không nên có. Quyên là một bộ phim đã nói lên được những điều đó, phản ánh được điều đó và như vậy nó thành công khi cho thấy cùng lúc những bi kịch, sự nghiệt ngã ác độc của con người nhưng cũng cho thấy cả những mặt tích cực tốt đẹp của con người nữa...”. (CÁT KHUÊ)
|
LÂM LÊ