Quyên và giấc mơ đã qua

08:29:00 23/06/2015
PN - “Đã qua thật rồi một giấc mơ. Khổ đau nát tan cũng đã qua rồi… Anh cũng bình yên nhé…”. Đó là những câu hát xúc động được ca sĩ Trần Thu Hà thể hiện trong phim Quyên.

Quyên (kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng) là một trong những bộ phim được mong chờ trong năm 2015 của điện ảnh Việt Nam. Năm năm sau Cánh đồng bất tận, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình tiếp tục mang đến một bộ phim có kịch bản dựa trên tác phẩm văn học quen thuộc với bạn đọc. Tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng đoạt giải nhì cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2006-2009. Đó là câu chuyện về một cô gái Hà Nội xinh đẹp theo chồng vượt biên từ Nga sang Đức vào thời điểm hỗn mang ở Đông Âu, khi bức tường Berlin sụp đổ. Chặng đường dài bôn ba nơi xứ người của Quyên có đủ máu, nước mắt, sự đắng cay, ê chề, tình yêu thương, lòng thù hận…

Không như Cánh đồng bất tận, ở Quyên, Nguyễn Phan Quang Bình không đi hết nội dung gốc ngồn ngộn chi tiết mà chọn cách chắt lọc và biến đổi ở nửa sau câu chuyện. Tuy vậy, cả tiểu thuyết và phim đều chung tiếng nói, đó là mở ra khung cửa sổ nhìn vào cuộc đời, thế giới tâm hồn và ước mơ của người phụ nữ, được khắc họa qua quãng đời chìm nổi của Quyên. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ khái quát bằng hai từ “Việt tính”, tức phẩm chất thủy chung, sức chịu đựng bền bỉ, tinh thần vươn lên, sống vì lẽ yêu thương và sự tử tế của cô gái tên Quyên, ngay cả khi sống, hoặc chỉ tồn tại, dù ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào. Từ truyện đến phim, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã thành công khi chia sẻ điều đó.

Phim Quyên được quay ở Đức và TP.Đà Lạt

Diễn xuất của cô gái lần đầu đóng phim Vũ Ngọc Anh (top 5 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012) mang đến cả khen và chê, nhưng câu chuyện cuộc đời của Quyên thì dễ dàng được chia sẻ, đồng cảm. Nửa sau bộ phim có nhiều biến cố kịch tính rất “xi nê” xoay quanh Quyên và các nhân vật: Hùng (tay thủ lĩnh giang hồ, chuyên bảo kê các khu buôn bán của cộng đồng người Việt và đưa người vượt biên) hay Dũng (người chồng gia trưởng)…, còn nửa đầu phim có tiết tấu chậm hơn nhưng lại gợi cảm và giàu ngôn ngữ điện ảnh. Hoàn cảnh éo le của Quyên - khi bị nhốt trong ngôi nhà gỗ, chịu đựng sự cưỡng bức của Hùng, trong bối cảnh mùa đông hoang lạnh, khắc nghiệt ở vùng núi biên giới nước Đức tuyết rơi trắng trời - thực sự mang đến trải nghiệm điện ảnh có giá trị. Đó cũng là nửa phim Quyên không hề cất tiếng, mọi cảm xúc, nỗi đắng cay và mong ngóng gặp lại chồng được thể hiện qua ánh mắt, hành động. Sự giam hãm không xóa được hy vọng trong Quyên và sự câm nín ở cô vô tình khơi dậy tính người, bản năng yêu thương ở Hùng, người đàn ông nhiều ẩn ức. Hùng chính là vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp điện ảnh tính đến thời điểm hiện tại của diễn viên Trần Bảo Sơn.

Tiếp tục chọn hướng đi sâu vào thân phận con người, sau Cánh đồng bất tận, Vũ khúc con cò, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã chia sẻ với khán giả những lát cắt sinh động về đời sống của cộng đồng người Việt ở Đông Âu mà đến hôm nay, những sự kiện, con người trải qua thời kỳ đó vẫn còn để lại nhiều dấu ấn. Qua Quyên, cuộc sống của người xa xứ hiện lên đầy khốc liệt, cực nhọc, không chỉ màu hồng.

Điều thấm thía nhất mà Quyên thể hiện, đó là sự trở về. Qua bao gập ghềnh đường xa, con người càng nhận ra mình cần trở về với những giá trị quen thuộc và tốt đẹp. Đó không phải vật chất, uy quyền, mà là tính người, tình người, với tâm hồn không chai sạn. Cùng sự trở về trong lòng mỗi người là sự trở về với nơi và với người mình thuộc về sau bao cuộc mưu sinh.

BÙI DŨNG


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1