Truyện tranh Việt: Khó về mức độ 'nóng' và bạo lực Lan tràn truyện ngôn tình Trung Quốc
Ngay chính đất nước này thử hỏi một trăm người bao nhiêu % trả lời “tôi đọc sách”. Tất nhiên sách giáo khoa phải đọc qua, sách học thêm ít lần cũng phải đả động đến nhưng do số đông muốn học hay do bị bắt buộc?
Công nghệ phát triển khiến ai ai cũng có thể ngồi một nơi mà mở rộng tầm nhìn nhưng điều đó tốt hay xấu? Bạn có thể tìm kiếm trên google những điều bạn muốn tìm hiểu, muốn tìm kiến thức cũng đầy rẫy trên các trang web. Rất tuyệt vời!
Và đằng sau điều tuyệt vời ấy là những thông tin lặp đi lặp lại, đôi khi trái chiều nhau. Điều đó khiến người đọc bối rối khi chúng không có sự chọn lọc và cùng 1 câu hỏi nhưng lại khác nhau hoàn toàn về mặt nội dung. Đừng hỏi tại sao nhiều người trẻ hành xử 1 cách thô bạo hay có những định kiến lệch lạc vì họ đọc những điều không đúng, không nên đọc hoặc cố hữu chăng họ bị ảo tưởng vì những gì đã đọc trên mạng.
Không thể đổ lỗi hết tại CNTT được, cốt lõi vẫn là nội dung của các tác phẩm được in thành sách. Hãy nghĩ kĩ nhé!Từ thời kháng chiến các tác phẩm viết ra để cổ vũ tinh thần kháng chiến, bài thơ bài văn nào cũng mang đậm ý nghĩ sâu sắc, ca từ nào cũng mang giọng điệu hùng tráng.
Rồi những giai đoạn tiếp theo khi đất nước bắt đầu đi lên cái “tôi” của các tác giả được bộc lộ nhiều hơn, tâm lý, cảm xúc được chú ý nhiều hơn, những tập sách như “hoa dọc chiến hào”- Xuân Quỳnh, “Thơ thơ”- Xuân Diệu..v..v..những tác phẩm ấy không đi vào lòng người hay sao? Còn ở thời bình này? Các tác phẩm chủ yếu xoay quanh cuộc sống hàng ngày, cái “tôi” càng đậm nét hơn, các bài thơ cũng làm theo thể thơ tự do nhiều hơn.
Câu thơ có thể hay nhưng không đọng lại nhiều cho người đọc, câu văn có thể hay nhưng đôi khi dài dòng làm người đọc phát ngán, chẳng hiểu gì! Nội dung chẳng còn được chú trọng như ngày xưa nữa, nhiều tác phẩm chỉ mang tính chất “thị trường” chẳng có gì để ngẫm nghĩ.
Xu hướng hiện nay của giới trẻ là thích đọc những cuốn sách về cuộc sống, tâm hồn hay những mẩu truyện ngắn rút ra triết lí hoặc như những cuốn tiểu thuyết dày cộm gắn mác truyện ngôn tình. Nhìn chung có thể thấy chúng đều mang xu hướng tình cảm, cuộc sống, những điều tốt đẹp mà ngay cả ngoài đời nó điều không thể. Vấn đề là chúng mang lại những khía cạnh tâm lý tình cảm khác nhau và đôi khi là ảo tưởng cho người đọc.
Chúng ta đã quen thuộc với chuyện anh chàng nhà giàu cảm nắng cô gái nhà nghèo, cô gái bị ung thư, những câu chuyện sướt mướt trên phim Hàn và một trong số chúng được chuyển thể từ các tiểu thuyết ấy. Tôi không nói các tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngôn tình của các nước không hay, nó có cái hay nên mới thu hút được người đọc vậy sau đó bạn rút ra được gì từ chúng? Có những câu chuyện ngắn rút ra triết lí sống đi vào lòng các bạn trẻ nhưng cứ mỗi quyển sách được in ra thì có đến 2,3 câu chuyện trùng lặp nhau, tài nguyên triết lí nghèo nàn như vậy sao?
Giới trẻ Việt Nam hiện chẳng mấy ai còn mặn mà với các tác phẩm trong nước nữa, hầu hết đọc của nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan...đa số đều thấy các tác phẩm nước ngoài điểm đúng tâm lý người đọc và chúng không quá dài dòng...còn các tác phẩm Việt Nam thì sao?
Có khá nhiều cái tên được nổi lên như Lê Minh Khuê, Nguyễn Bình Phương, hay như cái tên Gào rất được các bạn trẻ đón nhận. Ngoài ra cái tên Nguyễn Nhật Ánh lại càng được nhiều người biết đến.nhưng con số này vẫn chẳng thể nào bì lại được với những tác phẩm của các nước khác. Giới trẻ sính hàng ngoại chăng?
Có nhiều bạn trẻ đam mê đọc sách nhưng do không biết chọn vô tình đọc được 1 quyển sách về tâm hồn nhưng lại lặp đi lặp 1 câu chuyện quá nhiều rồi cũng chán. Sách tràn lan trên thị trường quá nhiều nhưng tác giả sáng tác vội vàng nhà xuất bản cũng vội vàng phát hành, người đọc cũng vội vàng lướt qua rồi cũng chẳng đọng lại gì sau những lần đọc ấy.
Sách vẫn là con đường dẫn tới tri thức nhưng tôi thấy nó chẳng còn là con đường sáng lạn và dễ dàng như trước nữa. Sách phát hành hiện nay chỉ giống như theo xu hướng, nhu cầu giải trí của người đọc mà chẳng có nội dung gì đáng suy nghĩ.
Cái xu hướng giúp họ hái ra tiền nhưng khiến chính mình mất đi lương tâm của người viết, vô hình chung những người viết lách chân chính họ sống vì nghệ thuật, đam mê cũng phải chịu luôn tiếng xấu vì một vài con sâu độc.
Sách vẫn hay chỉ là người sử dụng nó biết tìm và chọn lọc, biết được cốt lõi nội dung nó có gì suy ngẫm hay không. Sách không xấu chỉ là người sử dụng nó vào mục đích gì, muốn nó đưa đến giá trị gì cho người đọc. Tôi nghĩ bạn đọc quá nhiều sách nước ngoài rồi cũng chán hãy cứ thử đổi khẩu vị đi, bạn sẽ thấy sách người Việt viết thích hợp nhất cho người Việt đọc.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Diệu My
|