Tái bản sách viết về danh y Việt của nhà văn Pháp

20:12:00 21/03/2015
(CATP) Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa - Văn nghệ vừa tái bản cuốn tiểu thuyết Lãn Ông của nhà văn người Pháp Yveline Féray. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ hai của nữ văn sĩ này lấy cảm hứng từ đề tài lịch sử Việt Nam. Cuốn sách khắc họa độc đáo và sinh động về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác (1720-1791), nhà đại danh y, cũng là nhà tư tưởng, nhà văn lỗi lạc của dân tộc ta vào nửa cuối thế kỷ 18. Nhà văn Yveline Féray sinh ra và lớn lên ở Painpol và Saint-Malo (Pháp). Với sự giúp đỡ của Nhà xuất bản Pháp Gulliard, bà đã làm một cuộc hành trình du khảo ở Việt Nam trong hai năm 1982-1983. Bà là một trong số ít nhà văn châu Âu đã tiếp thu và thâm nhập sâu sắc vào rất nhiều khía cạnh của văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, theo dịch giả Lê Trọng Sâm, bà cũng là một cây bút cự phách chuyên viết về Việt Nam và châu Á, nhất là qua một loạt truyện lần lượt ra đời ở Pháp.



Lựa chọn lịch sử làm đề tài sáng tác, lại không phải lịch sử của dân tộc mình là điều không hề đơn giản, nhưng có lẽ chính khó khăn, thách thức ấy đã tạo động lực cho tác giả trong việc tìm tòi, sáng tạo để đạt đến một phong cách thể hiện mới lạ và độc đáo, vừa đảm bảo tính chân thực lịch sử vừa phát huy được tính hư cấu nghệ thuật của thể loại tiểu thuyết lịch sử. Để vẽ được chân dung Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhà văn Yveline Féray đã nghiên cứu bản dịch Thượng kinh ký sự, Hoàng Lê Nhất thống chí, và tất cả những gì liên quan, để một lần nữa khiến độc giả Việt Nam kinh ngạc trước sự cộng cảm kỳ lạ của một phụ nữ Pháp đã sống cách thời đại của Lãn Ông cả mấy trăm năm. Như chính lời Yveline Féray bộc bạch: “Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử xoay quanh chủ đề trung tâm quyền lực và y học qua hình tượng một vị danh y bị một trong hai phe nhóm đối địch có quyền lực là bà Chánh cung và thế tử kế nghiệp muốn giữ ông làm con tin, buộc phải đem mạng sống của chính mình và cả gia đình ra bảo đảm cho thành công của việc chữa bệnh”, có thể nói, qua tiểu thuyết Lãn Ông, Yveline Féray đã giải quyết mối quan hệ nói trên một cách rất hài hòa, tinh tế và thấu đáo. Bối cảnh nền của tác phẩm vẫn là các sự kiện, biến cố, nhân vật được ghi chép trong chính sử, nhưng cộng thêm yếu tố hư cấu nghệ thuật khéo léo và chừng mực, tất cả đều trở nên vô cùng sắc nét và sinh động.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1