Thi Đại học: Điểm cộng và những so bì

14:24:00 14/08/2015
(Xi nhan) - Dù không biết, những tị nạnh, so bì có thể tác động thay đổi chính sách hay không, nhưng nó thực sự đang gây ra sự chia rẽ giữa những người trẻ.

Mùa xét tuyển ĐH đang vào cao điểm. Một bạn trẻ viết một loạt những poster, chuyển tải thông điệp phản đối chính sách cộng điểm thi đại học. Theo lập luận viết trên các poster này, thì việc cộng điểm ưu tiên cho các đối tượng chính sách tạo ra sự bất công. Điểm chênh lệch giữa thí sinh được cộng điểm và không được cộng điểm có thể lên tới 3,5 điểm. Trong khi chỉ 0,25 điểm là có thể quyết định việc đỗ - trượt, thì 3,5 điểm cộng ấy là quá lớn. Một loạt các thông điệp, các từ ngữ rất mạnh, có tính so sánh rất cao được đưa ra, nhắm vào các trường hợp cộng điểm do con em thương binh liệt sĩ, con em dân tộc thiểu số, thí sinh đến từ khu vực nông thôn và miền núi.

Chốt lại, bạn trẻ khẳng định: Đây (kỳ thi Đại học) không phải là một cuộc thi, mà là một lễ hội tri ân, một event ban phát ân huệ số lượng lớn. Chỉ trong vòng 1 ngày, những poster mang thông điệp của bạn trẻ ấy lan truyền khắp nơi, gây ra những tranh cãi rất mạnh mẽ giữa 2 bên ủng hộ và không ủng hộ chính sách cộng điểm.

Những so bì của bạn trẻ trên mạng xã hội (Ảnh minh họa)

Khi mới vào đại học, quả thật, tôi khá thất vọng với câu chuyện đầu vào. Một phần ba (học đến hết năm thứ 2 tôi mới biết con số đó thực ra là 1/2) bạn đồng khóa là "con ông cháu cha". Lớp tôi có anh bạn dân tộc H'mong, được cộng điểm thi đã đành, cậu ấy được miễn giảm học phí suốt 4 năm học, thỉnh thoảng có những ưu đãi khác. Cậu bạn ấy tự trọng rất cao, thường nhắc đi nhắc lại rằng điểm thi gốc của cậu đã đủ đỗ rồi, điểm cộng không đóng vai trò quyết định. Cậu học rất nỗ lực, chăm chỉ viết báo, làm thơ, tham gia các hoạt động công ích. Hết 4 năm học, cậu về lại tỉnh nhà công tác, đến giờ khẳng định mình hoàn toàn nhờ thực lực.

Vậy đấy, tôi cho rằng đó cũng là câu chuyện chung của nhiều sinh viên trong diện được cộng điểm ưu tiên khi thi đại học. Những con em nông dân, những thân nhân liệt sĩ, những đại diện của đồng bào thiểu số vượt núi đi học suốt 12 năm và thêm 4 năm tằn tiện trong những phòng ký túc xá chật chội. Họ có lòng tự trọng và ý chí vươn lên rất cao, tôi thấy phục họ nhiều, chưa bao giờ ganh tị.

Một trong những mục tiêu quan trọng của đất nước ta là phổ cập giáo dục. Mục tiêu xóa mù đã hoàn thành từ năm 2000, và mục tiêu phổ cập tiểu học nếu hoàn thành trong năm 2015 này, thì chúng ta hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ. Đừng nghĩ đó là điều đơn giản, theo thống kê của Liên Hợp Quốc thì cho đến nay chỉ có 1/3 các quốc gia trên thế giới làm được điều này mà thôi. Trong khi ở các đô thị, trung tâm kinh tế, những nơi có điều kiện sống và tiếp nhận thông tin cao, thanh niên có thể dễ dàng tìm kiếm các học bổng quốc tế. Thì ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, các cơ hội ấy thấp hơn nhiều. Đó chẳng phải là những "điểm cộng" không chia đều hay sao?

Đúng, nhiều quốc gia trên thế giới không có chính sách cộng điểm ưu tiên khi thi đại học như ở Việt Nam. Nhưng thứ nhất, phần đa các quốc gia đã bỏ kỳ thi đại học lẫn tốt nghiệp trung học phổ thông từ lâu. Họ đánh giá năng lực đầu vào theo cả quá trình học tập của học sinh, thậm chí đến từng học kỳ, từng học phần. Thứ hai, thay vì cộng điểm, họ cung cấp rất nhiều học bổng. Gần như bất kỳ sinh viên nào cố gắng một chút đều có thể giành học bổng, từ bớt giảm một phần học phí, đến miễn phí toàn phần và còn được chu cấp sinh hoạt phí. Những học bổng này có phần rất lớn được dành cho sinh viên quốc tế.

Ở Australia, sinh viên Việt Nam xếp thứ 2 trên tổng số 56 quốc gia giành được học bổng. Và không chỉ thế, du học sinh Việt Nam giành rất nhiều học bổng ở Mỹ, Anh, Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… những nước có chính sách ưu tiên khuyến học cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta nghĩ sao nếu những thanh niên ở các quốc gia ấy cũng so bì với chính sách khuyến học mà chính phủ họ dành cho sinh viên các nước có điều kiện thấp hơn, trong đó có Việt Nam?

Trở lại với câu chuyện so những poster phản đối chính sách cộng điểm đang gây tranh cãi trên các diễn đàn và mạng xã hội. Chưa thể biết liệu nó có đẩy câu chuyện đi xa hơn, như là tác động đến thay đổi chính sách này chẳng hạn. Chỉ có một điều rất rõ, những tấm poster đang gây ra sự chia rẽ giữa những người trẻ. Dù muốn dù không, lằn ranh khác biệt giữa giới trẻ ở nông thôn và thành thị, vùng sâu vùng xa và trung tâm kinh tế sầm uất, là có thật, là một vấn đề xã hội cần giải quyết. Đã từng có những làn sóng công kích lẫn nhau châm ngòi từ vài cá nhân thiển cận bày tỏ lời lẽ không hay phân biệt vùng miền, điều kiện sống.

Và bây giờ, e rằng đây là làn sóng công kích đáng sợ nhất: So bì về phúc lợi. Hơn 1 thế kỷ trước, khi nước Việt còn chìm trong lầm than mông muội, người dân một cổ ba tròng, Phan Châu Trinh đã khởi xướng phong trào duy tân, với khẩu hiệu: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Hơn 1 thế kỷ sau, dân trí đã nâng lên rất nhiều, dân sinh cũng đã thay đổi tích cực, nhưng dân khí vẫn là vấn đề thời đại. Người Việt thừa lòng tự tôn nhưng thiếu ý chí tự cường, thừa tri thức nhưng thiếu đức tri nhân, thừa khát khao chinh phục nhưng lại thiếu tầm nhìn. Vì thế, “chấn dân khí” chắc chắn vẫn là công cuộc còn đang tiếp nối.

Chính sách cộng điểm thi đại học, có thể đến một lúc nào đó sẽ thay đổi. Nhưng bây giờ, với điều kiện chung của quốc gia, nó chính là những “học bổng quốc nội” để xóa nhòa ranh giới vùng miền. Những thanh niên Việt Nam của thời đại mới, chí hướng cần phải hướng tới điều xa rộng hơn, những cuộc đua khó khăn thực sự của một thế hệ công dân toàn cầu, chứ không phải so bì với nhau từng centimet ngay trên những vạch đích rất gần, rất đơn giản, như là một kỳ tuyển sinh đại học. Đó không phải những điểm cộng, đó là điểm trừ.

1 nữ 10 nam khỏa thân trong nhà nghỉ: Hãy nghĩ mà xem!
Tôi tự hỏi những người đàn ông trong các tấm ảnh này chả phải ở Tây, Tàu đâu cả mà ở ngay giữa cộng đồng chúng ta, ngày ngày khoác tấm áo mang hai chữ “nhân nghĩa”.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1