The Girl On The Train (Cô gái trên tàu) của tác giả Paula Hawkins (người Anh) hiện đứng đầu danh sách sách bán chạy của New York Times. Hawkins kể, cô đã viết The Girl on the Train trong trạng thái tâm lý hoảng loạn.
Cuốn sách được viết trong hoàn cảnh quẫn bách
“Cuốn sách này như lượt đổ xúc xắc cuối cùng của tôi trong tư cách một nhà văn” – Hawkins nói. Đây là sách đầu tiên Hawkins viết với bút danh giống với tên thật, nhưng đã là cuốn thứ năm của nữ tác giả, và cảm xúc đó cũng thấm đẫm tác phẩm. Các cuốn sách trước đó, Hawkins được đặt hàng viết theo phong cách lãng mạn, nhưng cô cảm thấy đó không phải là mình.
Cuốn đầu tiên cô viết khá vui vẻ, nhưng đến cuốn thứ tư, văn của Hawkins ngày càng tăm tối hơn. “Cuốn sách đó có vô số những điều khủng khiếp và kết thúc bi thảm theo nhiều cách khác nhau” – Hawkins nói – “Và không ai thèm mua nó”.
Vì vậy, nữ nhà văn trở nên hoang mang về sự nghiệp của mình. Cô không có người đồng hành bên cạnh và phải trang trải cuộc sống một mình ở London. Cô nghĩ: “Chúa ơi, mình sẽ phải bán nhà hoặc tìm một công việc mới”.
Cuốn sách The Girl on the Train và tác giả Paula Hawkins.
The Girl On The Train được sáng tác trong hoàn cảnh không hề thuận lợi như vậy, nhưng Hawkins thực sự chú tâm vào tác phẩm. Cô hoàn thành nó trong 6 tháng trong khi không làm công việc nào khác. Để sống, nhà văn phải vay tiền từ cha. Cô cảm thấy thật tồi tệ bởi vẫn phải "ăn bám" cha, lúc đã trưởng thành.
Nhưng giờ đây, với thành công của cuốn sách, Hawkins đã có đủ khả năng đền đáp cha mình.
“Người kế nhiệm” nhưng thành công hơn cả Gone Girl
The Girl On The Train thành công chóng mặt sau khi ra mắt vào tháng 1 năm nay. Sách được xếp thể loại noir (sách đen), được ví với Gone Girl (Cô gái mất tích) , cuốn sách nổi tiếng nhất năm qua thuộc dòng này, cả về doanh số lẫn nội dung.
Trên thực tế, doanh số của The Girl On The Train đã vượt Gone Girl, với 120.000 bản sách bìa cứng, và doanh số sách in cùng sách điện tử bên ngoài biên giới nước Anh là 2 triệu.
Thị trường Mỹ là nơi sách thành công rực rỡ, đứng thứ nhất bảng xếp hạng sách bìa cứng của New York Times trong 13 tuần và đã được hãng DreamWorks mua bản quyền làm phim.
Nhân vật chính của sách là Rachel, cô gái đi làm bằng tàu mỗi buổi sáng. Hàng ngày, cô nhìn qua ô cửa sổ của con tàu và quan sát một cặp vợ chồng ngoại ô đang dùng bữa sáng. Cô bắt đầu cảm thấy như cô quen biết họ. Cô đặt tên cho họ là “Jess và Jason”. Cuộc sống của họ, như cô thấy, là hoàn hảo, không giống như cuộc đời của chính cô.
Nhưng sau đó, một chuyện gây sốc xảy ra đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của Rachel. Không thể giữ nó cho riêng mình, cô cung cấp thông tin cho cảnh sát. Những gì xảy ra sau đó khiến cuộc sống của mọi nhân vật đều bị ảnh hưởng.
The Girl On The Train mang không khí bí ẩn, kinh dị đầy cuốn hút, từng làm nên thành công của những tiểu thuyết cùng phong cách như Gone Girl, The Silent Wife hoặc Before I Go To Sleep . Nhưng theo Guardian, dù cùng kể về những phụ nữ không hạnh phúc, không đáng tin cậy, thậm chí xấu xa, The Girl On The Train vẫn xuất sắc hơn Gone Girl.
Cả hai cuốn sách đều gây cảm giác chết chóc, các chi tiết giết người tương tự nhau, khiến người đọc thấy như thể mặt đất đang chuyển dịch dưới chân họ. Và cả hai nhân vật chính kiêm người dẫn truyện đều không đáng tin, có những mối quan hệ mập mờ.
Với tác phẩm này, Hawkins gia nhập một nhóm ngày càng đông các nhà văn nữ mong muốn trở thành Gillian Flynn (tác giả Gone Girl ) tiếp theo. Nhưng thành công quá lớn của cuốn sách khiến chính tác giả choáng váng. Liên tiếp các cuộc ra mắt sách, phỏng vấn và chụp ảnh đến với cô. Bản thân Hawkins không phải người hướng ngoại, nhưng các hoạt động đó không kém thú vị như cô tưởng. Trái lại, cô thấy hạnh phúc.
Hai tác giả của Gone Girl và The Girl On The Train đều gọi nhân vật nữ chính của mình là “cô gái”. Nhân vật Amy của Gone Girl hay Rachel The Girl On The Train đều ở tầm tuổi 30. Tuổi đó người ta ít khi được gọi là “cô gái”, mà là “người phụ nữ”. Nhưng các tác giả có lý do để làm thế.
Theo nhà văn Paula Hawkins, nguyên nhân do: “Tôi luôn gọi những người phụ nữ khác là cô gái. Tôi cũng nghĩ về bản thân mình như một cô gái, dù đang ở độ tuổi 40”.
|
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa