Chuyện có nhân vật là Viễn, chàng thanh niên trẻ tốt nghiệp đại học hạng ưu, được đề nghị giữ lại trường làm giảng viên. Mọi thứ có vẻ rất thuận lợi, suôn sẻ khi bốn năm sau, Viễn nhận bằng tiến sĩ trong niềm vui của gia đình, bạn bè. Không một ai biết nỗi ám ảnh lớn lao in hằn vào óc Viễn bởi những thứ rập khuôn, máy móc, những thứ bắt buộc phải tuân theo trong chương trình giảng dạy. Như một sự tình cờ, hay sắp đặt có chủ ý, Muôn- một headhunter (thợ săn đầu người) xuất hiện đúng lúc Viễn đang cảm thấy chông chênh, mở ra cho anh một cơ hội vàng với chức danh trưởng phòng tổng hợp ở một viện nghiên cứu khoa học. Cuối cùng, Viễn đồng ý để bước vào một thế giới khác...
Nhưng thế giới ở viện khoa học không như Viễn mơ. Nó sặc mùi đạo đức giả giữa những anh tiến sĩ giấy. Từ viện trưởng đến nhân viên, sống một lối sống trơ ì, rỗng tuếch. Cay đắng hơn khi anh biết sự thật mình được nhận về là do "sếp bà" đi xem bói, thầy bảo phải là người mệnh Mộc, điều kiện abc như Viễn ở cạnh thì viện trưởng mới hứng được lộc trời, mới làm nên nghiệp lớn. Anh giống như một quân cờ, không làm chủ được cuộc đời mình, luôn bị kẻ khác "săn" để lấp vào chỗ trống cho phù hợp với lối sống mê tín, lười lao động, trọng vọng chức quyền.
Trước nay, Tô Hải Vân vẫn được biết và nhắc đến với tư cách một nhà văn bởi nhiều cái khác: một nhà chuyên môn trong ngành khoa học, một giảng viên kinh tế bậc đại học nhưng bén duyên với văn chương khi mới 27 tuổi; rồi bẵng đi hơn mười năm mới trở lại, mà trở lại rất khỏe, rất mới với Phép màu của mèo con(truyện, 2006), Bỗng nhiên có một ngày (tập truyện, 2007), Bán sách và bán giày(tập truyện ngắn, 2012)... Dễ nhận thấy qua các tập truyện này, đối tượng tác giả Tô Hải Vân hướng đến là tầng lớp tri thức "quăng chỗ nào thì quăng". Trong một xã hội vô cảm, nhân cách và lối sống đang bị mài mòn, họ giống như những cá thể cô đơn, luôn ao ước tuổi thanh niên đầy hoài bão, ước vọng. Giống như Viễn - một nhà khoa học trẻ trong Người thứ haihay chính là kẻ uể oải lên chuyến tàu rầm rập chạy bằng nút điều khiển từ xa, chỉ mong mình sơ khai, không phải một anh giáo, cũng không phải một nghiên cứu viên, không tiến sĩ, không trưởng phòng, không là gì hết...
Bên cạnh đó, Tô Hải Vân cũng rất thành công khi xây dựng hai tuyến nhân vật song song. Hệ thống nhân vật trong Người thứ hai cùng đồng hiện, đưa ra những triết lý về cuộc sống, nhân sinh. Trước tiên là Viễn và Muôn. Từ chỗ không quen biết đến việc kết giao rồi thân thiết, chia sẻ buồn vui. Suy cho cùng, Viễn hay Muôn, hay một ai đó nữa làm công chức, đều là kẻ "hai số phận", một nửa nghiêm chỉnh sáng đi tối về với loạt công việc đúng quy trình, nửa còn lại lặng lẽ đi tìm con người thứ hai của mình thậm chí trong tưởng tượng, trong khát vọng. Sau đó, là Viễn và anh chàng không - hiện -hữu trên chuyến tàu tốc hành, ngay từ đầu truyện, người đọc đã có thể lờ mờ đoán ra họ chính là bản thể của nhau. Có điều gì đó mờ ảo trong lối viết, song khát vọng được ngồi đúng chỗ ghi trên vé tàu, ngồi đúng chỗ với những gì mình đã học là thực, rất thực.
Có lẽ Tô Hải Vân là người làm khoa học nên khi viết về phẩm cách của những con người này ông miêu tả rất sâu, rất kỹ, lách vào cả những góc khuất ít kẻ dám khơi ra, chạm vào. Không chỉ phê bình về một bộ phận những người làm khoa học hôm nay chỉ biết sao chép, rập khuôn, không biết tìm tòi sáng tạo, ông còn lên tiếng về một xã hội mà kẻ có chức có quyền yếu bóng vía, không dung nạp những người dám "đi xa ngoài giáo trình chuẩn", để trên giảng đường có những "tiến sĩ đọc", "tiến sĩ ru"... Đan cài trong tiểu thuyết của mình, ông cũng chỉ ra một xã hội ưa hình thức, chuộng bằng cấp khi mà giờ đây bảo vệ giáo sư, tiến sĩ như một cuộc "trình diễn" khi nấu một món ăn: "...đầu tiên phải mở ga. Ông chủ tịch hội đồng chấm luận án đứng lên mở đầu. Sau đó đưa ra các nguyên liệu nấu nướng. Nghiên cứu sinh trình bày ba mươi phút. Thái, xào, nấu, nướng. Hai ông phản biện lần lượt nếm món ăn..." (tr.74). Nhưng chí ít, người làm nghiên cứu như trên còn chuẩn bị, trình bày hơn là người xã hội đến tri thức cũng ươn như cá, người ta dễ dàng mua bán, trao đổi "nhỏ thì bằng điều dưỡng viên, nhỡ thì tiến sĩ thạc sĩ, to thì giáo sư viện sĩ" (tr.156). Giống như một nhu cầu trong xã hội, khi mà văn bằng, danh thiếp là thứ làm sang cho mình thì người bán và người mua ngày một tỷ lệ thuận với nhau. Tô Hải Vân viết văn như nói một câu chuyện đời, không gấp gáp, không vồ vập, đôi ba chỗ nhấn nhá, thi thoảng rất hóm khiến câu chuyện thú vị, nhân văn hơn.
Nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng, với Người thứ hai, lối viết của Tô Hải Vân là lối viết của người trẻ: trẻ trong cách nghĩ, trẻ trong tìm tòi về hình thức. Nhưng tôi lại cho rằng, Tô Hải Vân đã làm được điều đó từ trước, kể từ quãng tập truyện Bán sách và bán giày. Văn chương của Tô Hải Vân là văn chương của tiếng nói sâu xa bên trong con người, như K trong Đi tìm cà-vạt tím, như G trong Một ngày rất lạ, như Viễn trong Người thứ hai... Tất cả họ, dù có bị cuốn vào xã hội đầy ắp thói hư tật xấu hôm nay, thì vẫn còn những điểm tốt lấp lánh hiện lên, níu giữ con người với cuộc đời này. Trên chuyến tàu của Người thứ hai, thêm một lần nữa, Tô Hải Vân đã khẳng định sức trẻ, sự bền bỉ của một tiến sĩ kinh tế trên con đường văn chương.