Trong văn có sử - làm sao cho khỏi quá đà?

07:15:00 21/04/2015
ANTĐ - “Trong văn có sử: Sự giao thoa của tư duy về quá khứ” là cuộc tọa đàm diễn ra vào chiều qua, 20-4, do NXB Trẻ tổ chức, với sự tham dự của TS Trần Trọng Dương cùng 2 nhà văn Trần Chiến và Nguyễn Ngọc Tiến - hai tác giả của tiểu thuyết lịch sử ăn khách trong thời gian gần đây là “Cậu Ấm” và “Me Tư Hồng”. Lâu lắm rồi mới lại có một cuộc tranh luận về chuyện “văn sử bất phân”.

ANTĐ - “Trong văn có sử: Sự giao thoa của tư duy về quá khứ” là cuộc tọa đàm diễn ra vào chiều qua, 20-4, do NXB Trẻ tổ chức, với sự tham dự của TS Trần Trọng Dương cùng 2 nhà văn Trần Chiến và Nguyễn Ngọc Tiến - hai tác giả của tiểu thuyết lịch sử ăn khách trong thời gian gần đây là “Cậu Ấm” và “Me Tư Hồng”. Lâu lắm rồi mới lại có một cuộc tranh luận về chuyện “văn sử bất phân”.

Viết hay sẽ bị… kiện

Thời gian gần đây, nhiều cổ sử được in lại, giấy nhẹ, trình bày nhỏ gọn và bắt mắt, quan trọng nhất là với cách thiết kế sách như vậy dễ dàng để bạn đọc có thể tiếp cận, những cuốn sách lịch sử đang hút khách hiện nay như: Hoàng Lê nhất thống chí, Hồ sơ về lục châu học, Xứ đàng trong… đặc biệt là các địa mục chủ quyền biển đảo như: Việt Nam quốc hiệu cương vực, Hoàng Sa, Trường Sa, Địa lý Biển Đông Hoàng Sa, Trường Sa...

Rất nhiều tác phẩm liên quan đến lịch sử được xuất bản trong thời gian gần đây


Tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm) cho rằng, việc in lại và giới thiệu tới bạn đọc là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu trẻ tuổi này cũng đưa ra ý kiến, ngoài việc dịch thô nên kèm theo bước công bố từ điển về sử liệu và người đọc nên cẩn thận nếu không sẽ bị “bẫy”. Ví dụ như, ngay cả cuốn chính sử tin cậy hàng đầu là “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng được chép bởi nhiều nguồn, tham khảo huyền tích, huyền thoại. Mà những huyền thoại này có là sự thật hay không thì còn… chưa biết. Thường các tác giả thời trung đại bám chặt các sự kiện lịch sử, tiêu biểu trong giai đoạn này có tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia Văn Phái.

Cái “bẫy” mà “văn sử triết bất phân” đưa ra là những chi tiết do tác giả hư cấu. Ví dụ như chi tiết, Lê Chiêu Thống mở cửa đón Tôn Sĩ Nghị vào thành Thăng Long ăn tiệc. Chính vì điều này mà suốt mấy trăm năm qua, Lê Chiêu Thống bị ghép tội bán nước, “cõng rắn cắn gà nhà”. Dưới góc nhìn soi chiếu nhiều tài liệu trong và ngoài nước, mới đây sử gia Nguyễn Duy Chính đưa ra bằng chứng thuyết phục cho thấy, khi Tôn Sĩ Nghị vào thì Thăng Long hoàn toàn bị bỏ trống, khi đó, Lê Chiêu Thống còn đang lưu lạc ở Hải Dương.

Nền văn học của chúng ta đã có một thời gian dài nỗ lực thoát ra khỏi sử, tuy nhiên chuyện văn dựa vào sử vẫn cứ nhùng nhằng cho đến tận hôm nay. Rất nhiều nhà văn thời hiện đại, khi viết tiểu thuyết lịch sử, hoặc là chọn giải pháp an toàn (thì nhạt) hoặc hư cấu (thì hay nhưng thế nào cũng bị “ném đá”). Có nhà văn khi lấy nguyên mẫu là một nhân vật lịch sử, nhưng khi sách vừa lên kệ đã bị cả dòng họ kéo đến kiện vì tội bôi đen anh hùng dân tộc và xúc phạm vĩ nhân. Chính cái sự hư cấu trở thành nguyên nhân cho các cuộc tranh cãi.

Học sinh ngán sử, lỗi hệ thống?

Văn học là thứ kích thích trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Song sau bao nhiêu năm, trí tưởng tượng cùng ngòi bút của nhà văn ít có cơ hội để bay, có bao nhiêu thứ nặng như chì níu chân, nên thường dẫu có bay được cũng chỉ là là mặt đất. Cũng chính vì lý do đó mà thế hệ trẻ không thích đọc lịch sử? Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan đặt vấn đề. Tiến sĩ Trần Trọng Dương thẳng thắn, ta xây dựng chế độ giáo dục kiểu “đóng gạch”. 1.000 đứa trẻ đều được đào tạo theo mô hình cứng nhắc, như thế có nghĩa, chỉ tạo ra được những cỗ máy chứ không tạo ra con người với tư duy phản biện.

Dẫn chứng cho việc sử không phải lúc nào cũng đúng và chỉ khi có tư duy phản biện mới có thể yêu sử, Tiến sĩ Trần Trọng Dương đưa ví dụ. Chi tiết sử viết, Đinh Bộ Lĩnh vốn là con của rái cá (theo Lĩnh Nam chích quái) thường cùng chúng bạn chăn trâu, tập trận cờ lau…Thực chất, bố của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Công Trứ, thuộc tướng của Ngô Quyền, Tổng trấn Hoan Châu, tương đương chức Chủ tịch tỉnh bây giờ. Vì thế, khi dịch sách, dịch giả phải là người có chuyên môn và phải tra những nguồn tư liệu gốc chứ không phải chép lại từ những bản dịch.
Cũng đồng quan điểm về “tư duy phản biện”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, quyết định dẫn đến việc ông viết tiểu thuyết tư liệu “Me Tư Hồng” đó là các tài liệu, nghị định, công báo và hồi ký của người Pháp để lại.

Còn riêng chuyện về bà Tư Hồng, một người phụ nữ dám đứng ra thành lập công ty, vượt mặt cả người Pháp lúc bấy giờ… được viết bởi những tác giả trong nước thì đều lệch lạc cùng với cái nhìn phiến diện, chủ quan. Gần đây, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khi viết về nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly cũng đã có cái nhìn công bằng hơn về một gương mặt cải cách cùng tư tưởng hiện đại. Cố nhà văn Hòa Vang xây dựng góc nhìn hài hước khi viết lại chuyện Tấm Cám qua truyện ngắn “Bụt mệt”, rằng cô Tấm cậy có Bụt giúp thì liên tục khóc để Bụt động lòng giúp đỡ. Khóc nhiều quá nước mắt thành sông thành hồ và bản thân ông Bụt thì mệt bở hơi tai vì sự õng ẹo của Tấm.

Ai cũng biết, tiểu thuyết lịch sử dẫn dắt mạch cấu trúc còn sử thì bám vào chi tiết, vì thế để cho văn học lịch sử phát triển toàn diện rất cần sự đột phá. Tuy nhiên, đột phá thế nào, hư cấu đến đâu cho khỏi… quá đà thì lại phải bàn. Định lượng một thứ không thể cân đong đo đếm là điều vô cùng khó. Còn nếu trong quá trình hư cấu mà nêm nếm quá tay thì thế nào cũng mắc tội…”phạm thượng”!

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1