Tượng đài trong “bảo tàng chữ viết”

01:52:00 12/08/2015
Chỉ ra đời chậm hơn một chút so với 70 năm thành lập ngành, song có thể nói, dòng văn học viết về lực lượng Công an nhân dân (CAND), phản ánh chân thực và sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ nền an ninh trật tự của đất nước, đã nhanh chóng khẳng định dấu ấn sáng tạo riêng, gây ấn tượng trong lòng bạn đọc và giới cầm bút cả nước.

70 năm với biết bao chiến công chống thù trong, giặc ngoài, biết bao hy sinh, cống hiến, lực lượng CAND đã góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ và xây dựng đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, đó là đề tài hấp dẫn của văn học nghệ thuật nói chung, văn học viết về lực lượng CAND nói riêng.

Sau ngày 19-8-1945 chỉ khoảng 15 tháng, ngày 1-11-1946, tờ báo Công an mới của Nha Công an Trung ương phát hành số đầu tiên. Đồng chí Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương mạnh dạn “chiêu hiền đãi sĩ” mời những nhà văn, nhà báo tên tuổi trong chế độ cũ về cùng làm báo Công an mới, đó là các nhà văn Phạm Cao Củng (1913-2012), Hoàng Công Khanh (1922-2010), các nhà báo Tân Lang, Kỳ Phát, Đại Thanh, Lê Chi… Báo Công an mới vừa chào đời đã xuất hiện truyện của nhà văn Phạm Cao Củng, nhà văn Hoàng Công Khanh. Cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng còn trứng nước đã bừng sáng chiến công xuất sắc phá vụ án phố Ôn Như Hầu, đập tan âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ (12-7-1946). Đó là sự kiện điển hình, tính cách điển hình, hoàn cảnh điển hình, giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa bóng tối và ánh sáng, nhưng văn học còn nợ những sáng tạo về hình tượng người chiến sĩ công an mới cũng như cuộc chiến đấu dũng cảm, đầy mưu trí của họ cho đến tận năm 1960, khi nhà văn Lê Tri Kỷ - con chim đầu đàn của các nhà văn Công an bắt đầu viết truyện ký “Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu”.

Đáng mừng là thời gian sau đó, có thể khẳng định, những chiến công xuất sắc của lực lượng CAND đã được nhiều tác phẩm văn học vinh danh. Tháng 6-2015, NXB CAND chủ trì tham mưu Bộ Công an phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam xét tặng và tôn vinh 18 nhà văn tên tuổi có những tác phẩm văn học xuất sắc vì sự nghiệp an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Đó là chưa kể hàng trăm nhà văn trên mọi miền Tổ quốc đã dành tình cảm, đồng hành cùng lực lượng công an suốt 70 năm qua, sáng tạo nên những tác phẩm giá trị, phản ánh cuộc sống ngày càng chân thực, khắc họa rõ nét hình ảnh ngoan cường anh dũng của các chiến sĩ công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Có thể kể đến những tác phẩm mê hoặc bạn đọc một thời, như: “Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên”, “Đêm yên tĩnh” (Hữu Mai); “Bên kia cổng trời”, “Fulro tập đoàn tội phạm” (Ngôn Vĩnh); “Tiếng nổ trên chiến hạm A-mi-ô Đanh-vin” (Văn Phan); “Câu lạc bộ chính khách”, “Không thiện không ác” (Lê Tri Kỷ); “San cha chải”, “Một mảnh trăng rừng” (Ma Văn Kháng); “X30 phá lưới” (Đặng Thanh), “Đại tướng Mai Chí Thọ”, “Phạm Xuân Ẩn- tên người như cuộc đời” (Nguyễn Thị Ngọc Hải); “Người Bình Xuyên” (Nguyên Hùng); “SBC xung trận” (Phùng Thiên Tân); “Sao Đen” (Triệu Huấn); “Kẻ ám sát cánh đồng”, ”Vầng nguyệt quế cô đơn” (Nguyễn Quang Thiều); “Đèn kéo quân”, “Dấu chân trinh sát” (Lương Sỹ Cầm); “Tháp chuông ráng đỏ” (Mai Thanh Hải); “Yêu tinh” (Hồ Phương); “Vòng xoáy” (Hữu Ước); “Người không mang họ” (Xuân Đức); “Trinh sát Hà Nội” (Tôn Ái Nhân); “Mùa hạ khó quên” (Nguyễn Thành Phong); “Lời tự thuật của Trung tá Z” (Mai Vũ)… Nhờ tài năng, lao động không mệt mỏi của họ, hành trang văn học công an nhân dân và hình tượng người công an cách mạng đã ngày một đầy đặn giàu sức lay động, góp phần động viên toàn lực lượng CAND chiến đấu hy sinh, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Thật khó quên hình ảnh trinh sát công an Trần Tấn Nghĩa nghĩa hiệp, dũng cảm, một mình vào tận hang ổ địch, bắt nhóm phản động tự xưng “Tổng Tư lệnh” phỉ Vàng Chúng Dình (1960) ở Hà Giang trong tiểu thuyết tư liệu “Bên kia cổng trời” của nhà văn Ngôn Vĩnh. Thật khó quên hình ảnh nữ Anh hùng Nguyễn Thị Lợi (tổ điệp báo A13) mang khối thuốc nổ đi thuyền ra biển Sầm Sơn, Thanh Hóa đánh đắm Thông báo hạm A-mi-ô Đanh-vin của Pháp ngày 27-9-1950 (Thông báo hạm lớn nhất của Pháp ở Đông Dương), tiêu diệt 200 sĩ quan, thủy thủ và binh lính Pháp, làm nức lòng cả nước trong hai bộ tiểu thuyết “Câu lạc bộ chính khách” (Lê Tri Kỷ) và “Tiếng nổ trên chiến hạm A-mi-ô Đanh-vin” (Văn Phan)… Còn đó hình ảnh nữ chiến sĩ tình báo của nhà văn Nguyễn Quang Thiều thầm lặng lập công ẩn mình trong vỏ bọc một kẻ phản bội trong tiểu thuyết “Vầng nguyệt quế cô đơn”. Nhớ Thiếu tướng, GS, TSKH Nguyễn Đình Ngọc, nhà tình báo chiến lược nổi tiếng của lực lượng CAND, nguyên mẫu trong tiểu thuyết tư liệu “Đơn tuyến” của nhà văn Phạm Quang Đẩu. Cuộc đời hoạt động đơn tuyến của ông gắn liền giai đoạn lịch sử chia cắt của đất nước, từ năm 1954 khi ông vờ di cư theo Chúa vào nam cho đến năm 1975. Để có những tin tức tình báo giá trị, ông phải phấn đấu trở thành một nhà khoa học có uy tín, bỏ cả vợ con ở Pháp về nước đóng vai “giáo sư lập dị” trong vùng tạm chiếm Sài Gòn đến mức nhiễm thành cá tính. Còn đó những cán bộ, chiến sĩ công an mưu trí, thông minh, dũng cảm, vào tận hang ổ biệt kích, gián điệp bắt gọn, phá tan tổ chức phản động do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu, với âm mưu khủng bố, lật đổ nhà nước ta những năm 1980 thế kỷ trước trong tác phẩm “Đêm yên tĩnh” của Hữu Mai. Và địa danh Hòn Đá Bạc (Cà Mau) trở thành tượng đài chiến thắng của an ninh Việt Nam với những hình tượng tuyệt đẹp về người chiến sĩ công an không phai mờ trong tâm trí người đọc…

Khó để kể hết những tác phẩm có giá trị viết về lực lượng CAND, những áng văn chương tiềm ẩn sức mạnh to lớn, khích lệ toàn lực lượng chiến đấu hy sinh, phấn đấu, cống hiến “gác cho dân yên vui, thức cho dân ngủ ngon” (Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn), mà còn hấp dẫn người đọc, nối gần khoảng cách thân thiện, tin yêu giữa người chiến sĩ công an với người dân. Giá trị thẩm mỹ từ sức mạnh con chữ, từ hình tượng người chiến sĩ công an vừa dũng cảm và nhân văn, vừa gần gũi và chân thật đã lan tỏa, trở thành động lực thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc phát triển rộng khắp.

Sau chiến tranh, một lớp nhà văn trẻ trưởng thành với nội lực và tài năng có thể tiếp cận, khám phá hiện thực mới, phức tạp và đa chiều. Có thể kể những tác phẩm ghi dấu ấn mạnh, như tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà” (Bùi Anh Tấn), “ Đất nóng” và tập truyện ngắn “Đối mặt” (Nguyễn Hồng Thái), truyện ngắn của Khổng Minh Dụ, tủ sách tư liệu chiến tranh của Đặng Vương Hưng, truyện ký của Trần Thanh Hà, truyện ký của Bạch Lê Vân Nguyên, “Hoa bay” của chiến sĩ công an trẻ Chu Thanh Hương, “Chuyện đời tự kể” của Lê Ngọc Nam… Đặc biệt, những năm sau này, với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, nhiều nhà văn tên tuổi ngoài lực lượng công an đã thâm nhập thực tế công tác, chiến đấu của lực lượng công an để sáng tạo tác phẩm. Có thể kể đến các gương mặt như: Nguyễn Khải, Hồ Phương, Hữu Mai, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Sáng, Lê Lựu, Nguyễn Trần Thiết, Dương Duy Ngữ, Chu Lai, Nguyễn Thị Hồng, Văn Chính, Võ Thị Xuân Hà, Sương Nguyệt Minh, Trầm Hương, Nguyễn Đình Tú, Phan Đình Minh, Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp… và nhiều nhà văn khác mà không thể kể hết niềm say mê và tác phẩm của họ.

Từ năm 1996 đến nay, Bộ Công an đã phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hai cuộc thi sáng tác văn học viết về lực lượng CAND mang tên “Cây Bút vàng” (1996-1998 và 2000-2002) trong đó nhà văn Ma Văn Kháng đoạt giải đặc biệt, giải cao nhất; các nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Hồng Thái, Sương Nguyệt Minh đoạt giải nhất. Từ năm 1999 đến nay, Bộ Công an tiếp tục phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam mở ba cuộc vận động sáng tác văn học đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, với hàng trăm tác phẩm có giá trị của các nhà văn trong và ngoài lực lượng công an. Hiện lên qua những dòng văn mải miết ấy là hình tượng đẹp về người chiến sĩ công an trên mọi miền Tổ quốc. Tiểu thuyết đoạt giải Nhất gồm “Đơn tuyến” của Phạm Quang Đẩu, “Bão ngầm” của Đào Trung Hiếu (2015) mới đây nhất, đã thêm một lần dựng “tượng đài” người chiến sĩ Công an trong lòng dân…

Trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp và khó lường, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước ngày càng nặng nề. Trong cuộc đấu tranh ấy, dòng văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” sẽ tiếp tục là “mỏ vàng nguyên liệu”, chờ đợi những mùa vàng sáng tạo; là chỗ dựa tinh thần vững chắc để mỗi chiến sĩ CAND học hỏi, tiếp nhận vươn lên, là “bức tường thành vô hình” ngăn chặn mầm mống tội phạm, và là cầu nối thân thiện của người dân với công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.


“Nhà văn tạo ra được cái còng và nhà tù vô hình để gột rửa và xiềng xích cái xấu, cái ác ngay trong tâm hồn bằng chính ma lực văn chương của mình…”.

Nhà văn Tôn Ái Nhân
Viết về đề tài bảo vệ an ninh trật tự với tôi luôn có sức hấp dẫn, vì trong cuộc sống và chiến đấu của người chiến sĩ công an có đầy những hoàn cảnh éo le, những kịch tính trong môi trường xã hội luôn biến động, cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác làm cho những tính cách, những suy nghĩ sâu sắc thường bộc lộ rõ nét.

Nhà văn Văn Phan
Nhà văn NGUYỄN HỒNG THÁI

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1