Văn học Việt Nam: Bao giờ hết thời mạnh ai nấy làm?

07:00:00 26/04/2015
Hàng loạt hoạt động liên quan tới việc đưa văn học Việt Nam ra biển lớn thời gian qua cho thấy nỗ lực của các tổ chức xã hội và cá nhân. Tuy nhiên, với số lượng bản dịch lèo tèo, mạnh ai nấy làm khiến không ít người băn khoăn, vậy thì tương lai của văn học Việt Nam trên bản đồ văn học thế giới khi nào được định hình?

Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3 vừa diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 3-2015, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý về công tác này cho rằng, cần thiết phải có một chiến lược quảng bá văn học Việt Nam ra với thế giới. Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, thông qua một hợp đồng trực tiếp, tập thơ "Bầu trời không mái che” của nhà thơ Mai Văn Phấn (Hải Phòng) đã được dịch sang tiếng Anh.

Sau tiểu thuyết "Hồn bướm mơ tiên”, Quỹ hỗ trợ và quảng bá văn học Việt Nam - Nga thuộc Hội Nhà văn Việt Nam chuẩn bị cho ra đời bản dịch tập truyện ngắn văn học Việt Nam và tập thơ đương đại sang tiếng Nga. Năm 2012, kết hợp với nhà xuất bản Riveneuve, TS. Đoàn Cầm Thi bước đầu tập hợp và giới thiệu đến cộng đồng Pháp ngữ "Tủ sách Văn học đương đại Việt Nam”, đến nay đã giới thiệu các tác giả như: Nguyễn Bình Phương, Phong Điệp, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Khiêm, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam, Thuận, với một êkíp dịch giả gồm: Emmanuel Poisson, Nguyễn Phương Ngọc, Danh Thành Đỗ-Hurinville, Đoàn Cầm Thi, Yves Bouillé, Catherine Guy. Đây là một dự án nhằm giới thiệu văn học Việt đến với cộng đồng Pháp ngữ.

Tại cuộc tọa đàm với chủ đề "Tiểu thuyết Việt Nam trước toàn cầu hóa” vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS. TS Đoàn Cầm Thi - giảng viên Học viện Văn minh và Ngôn ngữ Đông Phương Paris nhìn nhận: Trước nhu cầu quảng bá, trước toàn cầu hóa, tầm quan trọng của dịch thuật giúp chúng ta quảng bá văn học Việt ra nước ngoài. Và những ngôn ngữ lớn như tiếng Anh, tiếng Pháp chính là cầu nối, trung gian để kết nối văn học Việt Nam với các nền văn học khác. Khi dịch văn học Việt ra một ngôn ngữ nào đấy là mang lại cho nó một cuộc sống mới trong một nền văn hóa mới.

Đáp lại, sự giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài sẽ có ảnh hưởng lâu dài tới sự tiếp nhận và sáng tạo ngay tại Việt Nam. Khi mà các tác giả Việt Nam, độc giả Việt Nam biết được tác phẩm của mình được đón nhận như thế nào trên thế giới. Đọc bất cứ một tác phẩm nào của Việt Nam, mỗi nước sẽ tiếp nhận khác nhau, cái sự tiếp nhận, cạnh tranh, cọ sát sẽ làm cho cuộc sống văn chương tại Việt Nam sôi nổi hơn.

Đánh giá về cách đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài đang làm hiện nay, theo TS. Đoàn Cầm Thi, việc quảng bá sẽ giúp cho văn học Việt mở cửa. Nhưng phải tính theo chiều dài. Hiện nay, chúng ta làm việc khá lẻ tẻ. "Khi nào mà chúng ta làm việc này hệ thống hơn thì tôi nghĩ chắc chắn chúng ta sẽ nhận được hồi âm tích cực. Điều đó còn giúp cho chúng ta có một cái nhìn mới về những sáng tác của chúng ta”, TS. Đoàn Cầm Thi khẳng định.



Cuốn tiểu thuyết được dịch sang tiếng Pháp

Bàn về toàn cầu hóa trong văn học, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên trường Đại học Ngoại thương cho rằng: Toàn cầu hóa về lĩnh vực văn hóa là dỡ bỏ biên giới về mặt văn hóa, để những giá trị văn hóa, cụ thể những tác phẩm văn học của một quốc gia sẽ đi sang một quốc gia khác. Nhiều ý kiến cho rằng tiểu thuyết của chúng ta vì không có truyền thống nên có lẽ chúng ta ít đọc, vì cách viết vẫn cứ "là đà, là đà”. Độc giả vẫn chờ một bộ sách như "Tam Quốc Chí”, hay "Chiến tranh và Hòa bình, hoặc "Tấn trò đời”....

Nói về toàn cầu hóa trong văn học, cũng rất cần lưu ý tới cá tính văn học của mỗi nước. Như đọc văn Pháp người ta thấy rõ tính triết lý, nhà văn Mỹ viết tiểu thuyết rất thực tế nên bán rất chạy.... Vậy thì văn học Việt Nam có cá tính như thế nào?

Theo TS. Đoàn Cầm Thi, với Việt Nam, văn học giữ một vai trò rất quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam gửi gắm trong văn học rất nhiều thứ như triết học, nghệ thuật, cách nhìn cuộc sống, sự thể hiện con người, quan điểm, mối quan hệ với thời đại với những người xung quanh. Tất cả những thứ đó được đề cập trong văn học, và văn học chiếm một vị trí vô cùng lớn với người Việt Nam so với các hình thức nghệ thuật khác... Có lẽ cách lý giải của TS. Đoàn Cầm Thi vẫn chưa thỏa mãn được phần nhiều độc giả.

Trở lại vấn đề quảng bá văn học Việt Nam. Ở trong nước, có thể nói số tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu ra thế giới còn quá khiêm tốn, mặc dù chúng ta đã có hẳn Trung tâm dịch thuật và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Rồi chúng ta từng 3 lần tổ chức quảng bá văn học Việt mang tầm quốc tế.

Những nỗ lực ban đầu của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc phối hợp với các trung tâm dịch thuật văn học nước ngoài như: Trung tâm William Joiner (Mỹ) từ những năm 1990, giao lưu, hợp tác và trao giải thưởng văn học khu vực Đông Nam Á, nối lại quan hệ với Hội Nhà văn Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây quả thực rất đáng ghi nhận. Nhưng theo dịch giả Hoàng Thúy Toàn thì chúng ta vẫn đang thiếu một chiến lược bài bản cho việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1