1. Bên thềm sự kiện này, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng nói đầy triết lý rằng: “Mỗi dân tộc cần mỗi dân tộc, mỗi con người cần mỗi con người”. Theo tinh thần đó, Hội nghị quảng bá văn học chính là bức tranh tổng thể về thành tựu, giá trị, bản sắc độc đáo của văn học Việt Nam được truyền tải sâu rộng đến bạn bè quốc tế, thông qua các diễn đàn trao đổi mà tâm điểm là hội thảo văn xuôi với chủ đề Văn học Việt Nam hội nhập và phát triển”.
Nhà văn, dịch giả người Nga Igor Britov nhận định, văn học Việt Nam được khá nhiều bạn đọc nước Nga biết đến nhưng chủ yếu vẫn là thế hệ độc giả lớn tuổi (thời kỳ Xô Viết). Vậy còn độc giả đương đại có quan tâm văn học Việt Nam không? Câu trả lời là có, cho dù đã từng có khoảng thời gian công tác dịch thuật, truyền tải văn học Việt tại Nga bị gián đoạn. Bởi vậy cần phải quảng bá văn hóa Việt Nam một cách có định hướng và tổng thể. Năm 2012, chương trình quảng bá văn học Nga - Việt ở hai nước do cựu Tổng thống Nga Medvedev đề xướng được đưa vào thực hiện. “Đối với tôi, tiểu thuyết của các tác giả Việt Nam sánh ngang với những tác giả uy tín nước ngoài, thậm chí nếu xét riêng các yếu tố về cốt truyện, tình tiết, đặc biệt là văn hóa lịch sử còn có phần đặc sắc hơn. Tôi rất thích tiểu thuyết “Đảo hoang” của nhà văn Tô Hoài. Hy vọng cuốn sách sẽ tái bản ở Nga trong năm 2015”, dịch giả Igor Britov bày tỏ.
Các nhà văn, nhà thơ Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm.
2. Hai kỳ hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam trước đây có sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã góp phần mở thêm kênh giao lưu, cơ hội giới thiệu văn học Việt Nam đến với quốc tế. Các tác phẩm như: “Nhật ký trong tù’’ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thơ Hồ Xuân Hương, tiểu thuyết “Số đỏ’’ của Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, thơ của Nguyễn Quang Thiều, tác phẩm của Tô Hoài, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà… thông qua hoạt động ngoại giao của Hội Nhà văn Việt Nam hoặc các kênh cá nhân đã đến với các nhà xuất bản, bạn đọc nước ngoài. Tuy nhiên so với hàng nghìn tác phẩm nước ngoài được dịch và bày bán ở trong nước thì không nhiều người biết hay kể ra được tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch và giới thiệu đến bạn bè quốc tế, việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn hạn chế.
Để góp phần đưa văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, trong năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã cho ra mắt Trung tâm Dịch thuật văn học. Đây cũng là cơ sở cho việc lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu để dịch thuật, xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, giúp nhân dân thế giới hiểu hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Mới đây, Trung tâm này đã có những hoạt động đầu tiên để quảng bá văn học Việt, thông qua việc ấn hành tuyển tập thơ mang tiêu đề “Khát vọng hòa bình” bằng ba ngôn ngữ Việt - Nhật - Anh. Tuyển thơ gồm 100 bài thơ của các thế hệ trong 10 thế kỷ nói về các cuộc kháng chiến giành độc lập của người Việt Nam trong lịch sử.
Hội nghị quy tụ hơn 150 nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
3. Tại hội nghị quảng bá văn học Việt Nam năm nay, có sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà thơ hiện đang giữ chức vị quan trọng trên văn đàn quốc tế, như: Nhà thơ Fernando Rendon - Giám đốc Liên hoan thơ quốc tế Medellin, Tổng giám đốc điều phối viên phong trào thơ ca quốc tế (Colombia); Nhà văn Oleg Bavykin - Chủ tịch Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Nga. Bên cạnh đó có những nước lần đầu tiên có dịch giả đến tham dự như Brazil, Nam Phi. Đại diện của Cuba sau nhiều năm vắng mặt cũng đã trở lại Việt Nam.
Nhà văn Mohamed Salmawy - Tổng Thư ký Hội Nhà văn Á - Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai cập phát biểu tại buổi lễ khai mạc: “Chúng ta có mặt ở đây là để truyền đi thông điệp hòa bình. Hội nghị quảng bá này là một sự kiện quan trọng không chỉ của nền văn học Việt Nam mà còn đặc biệt có ý nghĩa đối với lịch sử phát triển của văn học thế giới. Thông qua các tác phẩm văn học, Việt Nam đã cho chúng tôi nhiều bài học quan trọng trong lịch sử đấu tranh bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Các bạn có một nền văn hóa vĩ đại. Đất nước và con người Việt Nam luôn trong trái tim tôi và hàng triệu người yêu chuộng hòa bình trên thế giới”.
Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 2-3 đến ngày 7-3-2015 tại Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Tiếp đó, các nhà văn, nhà thơ quốc tế sẽ tham dự Ngày thơ Việt Nam 2015 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào đúng Rằm tháng Giêng năm Ất Mùi.
|