Viết về chiến tranh đâu chỉ có súng đạn

14:51:00 20/12/2014

KTĐT - Có vẻ như diễn đàn quanh dấu hỏi "viết về chiến tranh như thế nào?" bấy lâu nay trong giới văn chương lại được xới lên khi tiểu thuyết đầu tay "Miền hoang" của nhà văn "lính" Sương Nguyệt Minh chào đời đúng vào dịp 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đề tài mà nhiều người nói rằng "không phải là lựa chọn mà là định mệnh đối với các nhà văn Việt Nam" này quả là vẫn hối thúc và là một thách thức với các cây bút.
Lần mò trong sự hối thúc
Không chỉ nhà văn Văn Giá, Nguyễn Văn Thọ, mà cả Sương Nguyệt Minh, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Sỹ Sáu… đều thừa nhận, các tác phẩm viết về chiến tranh hiện nay không còn được độc giả mặn mà. Ngại trước những cuốn sách dày kín đặc chữ, hay tại chiến tranh đã chìm sâu vào ký ức người Việt Nam, hay là vì các tác phẩm viết về chiến tranh không đủ sức cuốn hút người đọc?

Một cảnh trong phim “Mùi cỏ cháy”.
Có thể nói là càng ngày truyện viết về chiến tranh càng ít đến được tay độc giả, số tác phẩm đề tài này xuất bản trong một năm đếm trên đầu ngón tay, thậm chí trong đó đã bao gồm cả các tác phẩm được tái bản. Ngay cả con đường để tác phẩm đến được với bạn đọc cũng long đong. Ví như tiểu thuyết "Mùa xa nhà" của Nguyễn Thành Nhân viết về cuộc chiến tại chiến trường Campuchia có 3 lần được xuất bản thì 2 lần bị thu hồi. Mãi đến đầu năm 2014, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, cuốn sách mới được chấp nhận nhờ sự mạnh dạn của NXB Trẻ. Là bởi như Phó Tổng Biên tập NXB Trẻ Nguyễn Sỹ Sáu chia sẻ: "Viết về chiến trường Campuchia không đơn giản". Vì thế mà nhiều người cảm thấy văn học viết về chiến tranh đang rất mờ nhạt.
Vậy nhưng chiến tranh vẫn cứ là một đề tài mà người cầm bút ấp ủ, nói như nhà văn, nhà phê bình trẻ Mai Anh Tuấn: "Viết về chiến tranh không phải là lựa chọn mà là định mệnh với các nhà văn Việt Nam". Anh cho rằng, năm 2014 này đánh dấu sự lên ngôi của tiểu thuyết. Mà trong 10 cuốn anh đã đọc thì có 4 cuốn viết về chiến tranh: "Xác phàm" (Nguyễn Đình Tú), "Cơ bản là buồn" (Nguyễn Ngọc Thuần), "Mình và họ" (Nguyễn Bình Phương), và mới nhất là "Miền hoang". Đó không phải là một phép thống kê, song cũng đủ để nhìn thấy vị trí của đề tài chiến tranh trong tâm khảm và ước mong của người cầm bút.
Với trường hợp của Sương Nguyệt Minh cũng vậy, dù đã thành danh với truyện ngắn, đã được xếp vào hàng "lão làng" trong giới viết văn đương đại, song cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn này cũng chọn đề tài chiến tranh. Sương Nguyệt Minh tâm sự thật: "Ước ao lớn nhất của tôi là viết được một cuốn tiểu thuyết, thế nên với "Miền hoang" có thể nói là tôi chắp cánh bay vào mơ". Vậy là chiến tranh vẫn cứ hối thúc người cầm bút khiến họ như đang một mình dò đường để viết và đưa tác phẩm đến với công chúng.
Không cứ phải là người chứng kiến
Ai cũng thừa nhận, viết về chiến tranh càng ngày càng khó. Bởi "Thời xa vắng" (Lê Lựu), "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh)… đã như những cây cổ thụ trong rừng văn; bởi những người cầm bút đi qua lửa đạn ngày càng vắng bóng, còn các cây viết thế hệ sau lại không biết để cảm nhận được hết những nỗi niềm thời chiến. Nhiều người còn cho rằng, viết về chiến tranh theo lối cổ điển xưa nay không còn phù hợp với nhịp sống sôi động và gấp gáp thời hiện đại.
"Miền hoang" tạo ra được một diễn đàn cùng lời khẳng định về sự thành công của Sương Nguyệt Minh vì nhiều yếu tố. Như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: "Đây là cuốn tiểu thuyết rất công phu, tâm huyết. Bởi Sơn (tên thật của tác giả) đã từng là lính chiến thực thụ trên chiến trường K, đó là một phần đời của nhà văn tại chiến trường Campuchia". Hơn thế, Sương Nguyệt Minh viết về chiến tranh không phải bằng chiến trận mà bằng hồi ức quê hương; đã tận dụng triệt để "ngón nghề" viết truyện ngắn trong tiểu thuyết và đã đưa vào đó thủ pháp "tiểu thuyết tư liệu" (lời đề từ như những tin báo chí ở đầu mỗi chương) để bớt lời kể lể nhưng vẫn làm người đọc hình dung được bối cảnh câu chuyện - một yếu tố được cho là "hợp thời". Chính từ đây mà giới văn chương đương đại càng quả quyết, viết về chiến tranh không phải chỉ có súng đạn.
Phạm Sỹ Sáu khẳng định: "Cuộc chiến phải được đề cập lại, bằng cách này hay cách khác, không phải để lên án hay phân giải đúng - sai, mà để ghi lại dấu ấn văn hóa, lịch sử của một giai đoạn đã đi qua".
Ở góc độ của những người viết trẻ, Mai Anh Tuấn lại "mê" viết về chiến tranh theo lối hư cấu. Anh cho rằng: "Nhà văn viết về chiến tranh không cứ phải là người chứng kiến, người trong cuộc. Quan trọng là người viết nhìn về chiến tranh với thái độ như thế nào". Quả là khi đưa cái nhìn rộng ra những tác phẩm viết về chiến tranh trên thế giới mới thấy, suy tư của một trí thức rất quan trọng, không chỉ tác động đến bản thân người viết mà còn rất gần gũi với nhiều người khác.
Văn chương luôn tạo ra những luồng dư luận khác nhau, song nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói đúng: "Người đi qua chiến tranh sẽ mất đi, nhưng những người viết về cuộc chiến vẫn còn tiếp tục". Quan trọng là nhìn và viết về chiến tranh như thế nào, và viết về chiến tranh không phải chỉ có súng đạn.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1