Vu Chính và những lần 'làm loạn' tiểu thuyết Kim Dung

18:33:00 02/02/2015
Vu Chính được xem là “biên kịch vàng xứ Trung”, nhưng cũng rất nổi tiếng bởi những màn cải biên gây tranh cãi và đạo nhái trắng trợn.

Vu Chính (tên thật là Từ Chính) sinh ngày 28/2/1978 tại một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp trung học, anh một thân một mình khăn gói lên Thượng Hải theo đuổi nghề biên kịch. Tuy nhiên ít ai biết rằng Vu Chính chưa hề được đào tạo chính thức, tất cả những gì anh học được đều từ băng ghế "sinh viên dự thính" tại Học viện hí kịch Thượng Hải.

Tháng 8/1998, Hãng TVB (Hồng Kông) thành lập chi nhánh ở Thượng Hải, Vu Chính được nhận vào với vai trò “biên kịch tập sự”. Cảm thấy không tìm được tiếng nói chung với các đồng nghiệp đến từ xứ Cảng thơm, tháng 11/1999, anh quyết định ra đi, đầu quân về hãng phim của đạo diễn Lý Tuệ Dân, chính thức trở thành một biên kịch chuyên nghiệp.

Tháng 7/2003, Vu Chính chuyển sang làm biên kịch cho công ty Giải trí quốc tế (Đài Loan). Cùng năm, chàng trai 7X âm thầm thành lập công ty riêng mang tên mình. Chỉ 2 năm sau, cái tên Vu Chính đã bắt đầu công cuộc "làm mưa làm gió" trên thị trường phim truyền hình.

Dù không được đào tạo chính thống nhưng với sự thông minh hơn người và vốn kiến thức tích lũy nhờ thói quen đọc sách từ thuở nhỏ, những kịch bản Vu Chính viết đều được sử dụng và tạo sức hút với khán giả. Trước khi mang danh đạo nhái và cải biên nhiều tác phẩm có tiếng, Vu Chính đã cho ra đời nhiều bộ phim hay như Kinh Kha truyền kỳ (2004), Tôi yêu sư tử Hà Đông (2006), Đại Thanh hậu cung (2006), Tân Sở Lưu Hương truyền kỳ (2007), Yên Chi Tuyết (2008).

2010 là một năm trọng đại, đánh dấu thành công và danh tiếng của Vu Chính khi một loạt tác phẩm do anh sản xuất kiêm biên kịch đều đạt tiếng vang lớn, nổi bật như Mỹ nhân tâm kế, Đại a hoàn, Mẹ chồng nàng dâu, Quốc sắc thiên hương… Đặc biệt trong năm 2011, bộ phim Cung tỏa tâm ngọc của anh đoạt giải Biên kịch xuất sắc nhất tại LHP truyền hình châu Á lần thứ 16.

Nhưng sau khi Cung tỏa tâm ngọc phát sóng, nhiều khán giả đã nhận ra nét tương đồng giữa bộ phim này và tác phẩm Bộ bộ kinh tâm của nữ văn sĩ Đồng Hoa. Cả hai đều nói về một cô gái ở thời hiện đại vô tình quay về thời Khang Hy trong quá khứ và vướng vào cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các vị A Ca. Chỉ khác là trong Cung tỏa tâm ngọc, nữ chính Tình Xuyên đem lòng yêu Bát A Ca chứ không phải Tứ A Ca như Nhược Hy trong Bộ bộ kinh tâm.

Mỹ nhân thiên hạ (2011) cũng có thời gian dậy sóng khi bị tố đạo nhái Vượt ngục. Thứ nhất, trong Vượt ngục, Michael Scofield xăm bản đồ lên lưng, tìm cách bị bắt vào tù để giải cứu anh trai bị kết án tử hình. Tương tự, Hạ Lan Tâm Nhi (Lý Tiểu Lộ) mang theo một bức tượng Quan Âm có giấu bản đồ bí mật, nhập cung để cứu Vương hoàng hậu.

Thứ hai, các tuyến nhân vật phụ xung quanh Hạ Lan Tâm Nhi cũng có sự trùng hợp đáng kinh ngạc với trường hợp của Michael. Cả hai cùng có một người bạn chung ý định chạy trốn, cùng thử thách sự chân thực của người đó. Về sau, kế hoạch của cả hai cũng đều bị một kẻ tâm thần biết được và hại chết người thân của một nhân vật khác. Chính Vu Chính cũng thừa nhận mình đã “tham khảo” một vài chi tiết của Vượt ngục.

“Tình cờ” làm sao, cả Cung tỏa châu liêm (2012) và Hậu cung Chân Hoàn truyện đều nói về cuộc đời của Hy Quý phi – mẫu thân vua Càn Long sau này. Cư dân mạng chỉ ra những điểm tương đồng của hai tác phẩm. Một số chi tiết liên quan đến nhân vật cũng “na ná” như Liên Nhi và Chân Hoàn đều có 2 cô bạn thân khi mới nhập cung, rồi một trong 2 cô phản bội lại nhân vật chính. Liên Nhi cũng có “tay trong” tại Thái y viện và “kết bè phái” với một thái giám giống như Chân Hoàn.

Nhưng đó chưa là gì khi Vu Chính đạo lại chính tác phẩm của mình. Năm 2013, khi Mỹ nhân của hoàng đế mới phát sóng được mấy tập đầu, rất nhiều người đã cảm thấy vô cùng ngạc nhiên vì sự giống nhau của nó với Mai khôi giang hồ từng được trình chiếu vào năm 2009. Về nội dung, cả hai đều nói về nhân vật nữ có tính cách trái ngược nhau nhưng là chị em tốt. Thế nhưng chỉ vì cùng đem lòng yêu một người đàn ông mà trở mặt thành thù.

Nữ chính là người sinh ra trong gia đình quyền quý nhưng không thích gò bó bởi những luật lệ và muốn được sống cuộc đời mà mình mong ước. Còn nữ thứ vì từ nhỏ đã chịu nhiều ức hiếp, thế nên trong lòng luôn chứa nhiều tham vọng dù bên ngoài rất đỗi dịu dàng. Nam chính trong phim cũng là trang hảo hán, ngoài lạnh trong nóng và sau cùng đều từ bỏ tất cả chỉ vì mỹ nhân. Không chỉ có nhân vật chính mà đến ngay cả các nhân vật phụ trong cả hai phim cũng là bản sao của nhau. Nhưng thứ khiến mọi người phải kinh ngạc nhất chính là lời thoại trong cả hai phim cũng giống nhau y xì đúc, cùng lắm chỉ thêm bớt vài từ. Và tất nhiên điều lý thú nhất vẫn là việc cả hai tác phẩm này đều là "đứa con tinh thần" của Vu Chính.

Đỉnh điểm của việc đạo nhái là bộ phim Cung tỏa liên thành (2014), biên kịch Vu Chính đã sao chép cốt truyện Mai hoa lạc của nữ văn sĩ Quỳnh Dao. Trắng trợn hơn, Vu Chính còn bao biện rằng cốt truyện như của Mai hoa lạc cũng đã từng xuất hiện trong nhiều bộ phim khác. Không những thế, biên kịch 7X còn tự nhận mình là một fan hâm mộ của Quỳnh Dao và không bao giờ có ý định chọc giận bà.

Quỳnh Dao chỉ ra những điểm bị Vu Chính vay mượn. Xuất thân, mối quan hệ, tình tiết xoay quanh các nhân vật từ chính đến phụ của Cung tỏa liên thành gần như giống hoàn toàn với Mai hoa lạc, hầu như chỉ được đổi tên. Quỳnh Dao cũng chỉ ra rằng, tác phẩm của Vu Chính được thêm vào nhiều tình tiết nhằm phân tán sự chú ý của khán giả, nhưng việc sao chép để xây dựng nhân vật chính là quá rõ ràng. Những người đọc tác phẩm, xem phim của bà đều dễ dàng nhận ra điều đó.

Ngày 25/12/2014, Tòa án nhân dân Bắc Kinh đã tuyên bố kết quả vụ kiện vi phạm bản quyền giữa Quỳnh Dao và Vu Chính. Theo kết luận của tòa án, Quỳnh Dao là tác giả và là người nắm giữ bản quyền tác phẩm Mai hoa lạc. Vu Chính đã chuyển thể trái phép, xâm phạm quyền lợi của Quỳnh Dao. Tòa yêu cầu dừng ngay việc phát sóng và phát hành bộ phim Cung tỏa liên thành, Vu Chính phải công khai xin lỗi và bồi thường Quỳnh Dao 5 triệu nhân dân tệ.

Đây là kết luận khá "được lòng" số đông vì trên các diễn đàn, mạng xã hội Trung Quốc, đông đảo các nhà văn và độc giả lên tiếng bảo vệ Quỳnh Dao, phản đối gay gắt Vu Chính vì hành vi đạo nhái trắng trợn nhưng không hề thừa nhận. Thậm chí đã có hơn 30 nhà văn, biên kịch nổi tiếng của Trung Quốc đồng loạt ký tên ủng hộ Quỳnh Dao và kêu gọi khán giả truyền hình tẩy chay Vu Chính. Tuy nhiên, Vu Chính mạnh mẽ phản kháng lại quyết định này của tòa và cho biết sẽ kháng án đến cùng.

Ngoài việc đạo nhái, Vu Chính còn cải biên các tác phẩm kinh điển của Kim Dung, khiến dư luận “dậy sóng”. Tân tiếu ngạo giang hồ ra mắt năm 2013, kịch bản cách tân đến độ dám biến Đông Phương Bất Bại từ một người đàn ông nửa nam nửa nữ thành một cô gái chính hiệu, hơn thế nữa còn có tình ý với nam Lệnh Hồ Xung – trong khi theo nguyên tác thì cả hai là kẻ thù của nhau. Xem phim, khán giả liên tục hoảng hốt khi có đoạn đang đánh nhau thì Lệnh Hồ Xung chạy ra nắm tay Đông Phương Bất Bại thủ thỉ “Cô nương mãi mãi ở trong tim ta”, rồi ngay sau đó lại khẳng định mình chỉ yêu thương Nhậm Doanh Doanh, khiến cho Đông Phương Bất Bại thất vọng buông mình xuống vực. Chi tiết cải biên này chẳng làm cho phim hay hơn, còn biến Lệnh Hồ Xung thành một kẻ phụ tình bạc nghĩa.

Ở tập 23 Tân tiếu ngạo giang hồ, nhân vật Nhậm Doanh Doanh mới chính thức xuất hiện. Trong khi đó Lệnh Hồ Xung và “người đẹp” Đông Phương Bất Bại đã xuất hiện với những chi tiết được coi là "võ hiệp kiểu Quỳnh Dao". Ngoài ra, nhân vật Điền Bá Quang do nam diễn viên Hàn Đống thể hiện lại có những cảnh mùi mẫn với nam chính Lệnh Hồ Xung của Hoắc Kiến Hoa. Cả hai còn giả làm vợ chồng cùng động phòng hoa chúc.

Bộ phim Tân thần điêu đại hiệp phát sóng trên kênh truyền hình Hồ Nam vẫn đang là một trong những bộ phim kiếm hiệp cổ trang hot nhất đầu năm 2015. Tạm quên đi tranh cãi về diện mạo của Tiểu Long Nữ - Trần Nghiên Hy, phim còn gây tranh cãi vì Vu Chính đã không tiếc tay cải biên với nhiều chi tiết “vượt quá giới hạn chịu đựng” của người hâm mộ tiểu thuyết Kim Dung.

Những ai là fan Kim Dung đều biết rằng nhân vật Hoàng Dược Sư rất yêu thương người vợ là Phùng Hằng. Sau khi bà qua đời, ông đã tìm kiếm thuốc quý với mong muốn giúp vợ sống lại. Còn Mai Siêu Phong là nữ đệ tử, vì yêu sư huynh Trần Huyền Phong, sợ sư phụ phát hiện nên cả hai đã đánh cắp Cửu âm chân kinh rồi bỏ trốn khỏi Đào Hoa đảo. Vậy mà Vu Chính đã tạo nên một cuộc tình thầy - trò khi cho Hoàng Dược Sư và Mai Siêu Phong yêu nhau.

Dương Quá vốn là một chàng trai chung tình, cả đời chỉ có Tiểu Long Nữ, ngay cả lúc chưa gặp Cô Cô vẫn không để mắt đến bất cứ thiếu nữ nào khác. Tuy nhiên ở bản của Vu Chính, Dương Quá trở thành một gã phong lưu, đa tình, ngoài Tiểu Long Nữ còn có những mối quan hệ tình cảm rắc rối với Trình Anh, Lục Vô Song, Công Tôn Lục Ngạc, Hoàn Nhan Bình, Quách Phù, Quách Tương và cả Lý Mạc Sầu.

Chuyện tình Dương Quá và Tiểu Long Nữ vốn kín đáo và sâu sắc thì trong Tân Thần điêu đại hiệp lại hóa trào dâng bộc phát như nước vỡ bờ. Những cảnh nói lời yêu đương trăng gió giữa Quá Nhi với Cô Cô đã thay cho những hành động e ấp dùng ý thay lời, hay cảnh Tiểu Long Nữ nhõng nhẽo, nũng nịu với Dương Quá không khác một cô nàng "xì-tin" 9x thời hiện đại.

Có thể nói tuy Vu Chính là một biên kịch khá “mát tay” khi những bộ phim làm ra đều gây được sự chú ý và thu về lợi nhuận lớn, nhưng xét về tư cách đạo đức và cái tâm của một nhà làm phim thì biên kịch này có lẽ còn phải cố gắng hơn nữa để có được chỗ đứng trong lòng người yêu nghệ thuật.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1