Cuốn tiểu thuyết Miền hoang dày 631 trang của nhà văn Sương Nguyệt Minh viết về cuộc chiến tranh tại chiến trường Campuchia vừa được Nhà xuất bản (NXB) Trẻ ra mắt bạn đọc cả nước. Với góc nhìn đầy nhân văn và bằng trải nghiệm thực tiễn của một người trong cuộc, tác giả dựng lên một cuộc chiến đầy ác liệt mà cũng đầy ám ảnh, đầy ma mị. Miền hoang đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh.
Với cuộc chiến khủng khiếp, các nhân vật của tôi đã nổi loạn
. Ông là một tác giả rất am hiểu về đời sống của chiến trường. Chất liệu đó tại sao gần mấy chục năm sau, hôm nay ông mới viết ra?
+Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Sự thực là tôi không muốn viết giống như thế hệ đàn anh đi trước. Nhưng để tìm một sự khác biệt, riêng ra không lẫn vào ai từ giọng điệu, cấu trúc, cách kể... thì tôi vẫn loay hoay như đi trong rừng rậm không có lối ra. Có lẽ thời thế đã đổi thay, đất nước Campuchia hiện hay khác rất nhiều so với hơn 20 năm trước. Thời đó, tôi và đồng đội trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang làm nhiệm vụ quốc tế cứu nhân dân Khmer thoát khỏi nạn diệt chủng của bọn Pol Pot. Trải nghiệm này khiến tôi nghĩ nhiều đến sự được - mất, đến sự lãng quên, đến tâm thế người lính đi qua cuộc chiến ở ngoài biên giới. Cộng với độ lùi thời gian cần thiết đủ để tôi chín về suy nghĩ. Để viết về cuộc chiến khủng khiếp ấy có nghĩa là tôi đã không vội vàng. Đã đến lúc không sớm cũng chẳng muộn tôi phải viết về cuộc chiến tranh này qua tiểu thuyết Miền hoang.
. Khác với rất nhiều cuốn sách đã từng viết về chiến tranh Campuchia, tiểu thuyết của ông đã mô tả tâm lý phức tạp của các nhân vật cả ta và kẻ thù một cách sâu sắc, sinh động. Do đâu ông làm được điều này?
+ Sự thật, lúc đầu tôi cũng chỉ định dựng lên một tâm trạng hoang mang, bất ổn, đeo bám thường xuyên một anh lính tình nguyện Việt Nam đi qua chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường. Nhưng ý tưởng này lập tức chống lại tôi và khi đã viết được một phần ba cuốn tiểu thuyết Miền hoang thì tôi đã xóa đi để viết lại.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh qua ngòi bút của mình đã tái hiện đầy rẫy các chi tiết nghệ thuật và hiện thực trần trụi, nghiệt ngã trong Miền hoang.
Trong quá trình sáng tác, đôi khi nhân vật bướng bỉnh trước nhà văn là như thế. Có nghĩa là nhân vật của tôi “nổi loạn”, đòi được sống chung với phía bên kia để cho anh ta bộc lộ tâm lý, tính cách, xung đột. Loay hoay mãi rồi bất chợt trong đầu tôi lóe lên hình ảnh một trận phục kích, bọn tàn quân Pol Pot bắt được tù binh Việt Nam. Tôi đã làm một việc như cách người ta bỏ bát đĩa vào trong rổ rồi... xóc. Có nghĩa là cho anh Tùng - quân tình nguyện Việt Nam sống cùng với nhóm tàn quân Pol Pot bị lạc rừng. Cả bọn bị đói khát, thú dữ, thời tiết khắc nghiệt, vết thương không khỏi... Tâm lý, xung đột từ đó mà ra. Mỗi hoàn cảnh, mỗi nhân vật sẽ bộc lộ tâm lý theo tính cách của nhân vật ấy.
Thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi miền hoang
. Ông đã thành công khi mô tả trong Miền hoang một cách chân thực đến trần trụi các nhân vật như cô y tá câm, tên lính áo đen, gã trung đoàn trưởng Lục Thum… đẫm máu và nước mắt; thậm chí tả luôn nhiều hành vi thủ ác của đối phương? Ông có thể cắt nghĩa ngầm ý của mình về thông điệp chiến tranh mà ông muốn gửi đến độc giả?
+ Chiến tranh vô cùng khốc liệt, đẩy con người vào chết chóc và kéo văn minh trở về nơi hoang dã; phải biết cách thoát khỏi chiến tranh nếu không thì khép lại một miền hoang này sẽ lại mở ra một miền hoang mới. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã bị đẩy vào nơi hoang dã một sống một còn thì việc đầu tiên con người ta phải làm là... sống đã. Muốn tồn tại thì phải dựa vào nhau mà sống: Gã Lục Thum chỉ đường, tìm lối; cô y tá câm chăm sóc vết thương, sức khỏe cho lính; tên lính áo đen và anh lính tình nguyện Việt Nam thì thay nhau tải thương viên chỉ huy dập nát chân. Chỉ cần thiếu một người thì cả nhóm sẽ chết nên tất cả đều phải nương tựa vào nhau.
. Với tư duy, óc sáng tạo, những trang văn của ông cứ trôi chảy, mang một giá trị nhân văn rõ rệt. Ông có thể còn viết tiếp một cuốn sách về chiến tranh Campuchia nữa hay không?
+ Tôi rất muốn viết tiếp về số phận những người lính đã từng chiến đấu ở biên giới Tây Nam và chiến trường K khi họ trở về với cuộc sống đời thường. Tôi sẽ cắt nghĩa thân phận họ qua “hội chứng lãng quên”, bội bạc. Nhưng nói trước bước không qua, tất cả mới chỉ là dự định.
. Xin cám ơn ông.
PHẠM XUÂN TRƯỜNG thực hiện
|