“Dị bản” văn hóa hay sự thiếu trách nhiệm?

09:33:00 26/03/2015
(CATP) Gần đây, dư luận (nhất là các diễn đàn mạng) tỏ ra rất bất bình trước hàng loạt “sạn” trên các ấn phẩm văn hóa đọc dành cho thiếu nhi, từ câu chuyện lính Hai Bà Trưng đỏ mặt khi thấy quân Mã Viện cởi truồng giao chiến, đến mẹ Thạch Sanh cởi truồng nhường quần cho con...

Nhiều tác giả, đơn vị xuất bản đã đăng đàn lên tiếng thanh minh cho tác phẩm của mình. Tuy tất cả đều được đổ cho những lỗi khách quan, nhưng sẽ ra sao nếu cả một thế hệ thiếu nhi bị “nhồi sọ” bởi những hình ảnh, đoạn văn được cho là “dị bản”?

THỰC TRẠNG BÁO ĐỘNG

Trung tuần tháng 3-2015, dư luận tình cờ phát hiện trong cuốn Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh có nhiều chi tiết kỳ cục. Cụ thể là hình vẽ quân lính của Mã Viện không mặc quần và đoạn văn: “Thấy khí thế quân Hai Bà Trưng quật cường, liệu bề khó thắng, Mã Viện liền hạ lệnh bắt quân sĩ cởi truồng mà giao chiến. Các đội nữ binh của hai Bà trông thấy rất xấu hổ, ngượng ngùng quay mặt đi, nhuệ khí vì thế suy giảm rất nhiều.

Lợi dụng tình hình đó, Mã Viện thúc quân xông lên làm cho quân hai Bà phải thua. Trưng Vương buộc phải rút quân về giữ Cấm Khê (nay thuộc Vĩnh Phúc). Lực lượng quân Mã Viện quá lớn, lại giở trò quỷ quyệt khiến các đội nữ binh phải bỏ chạy...”. Điều đáng nói ấn phẩm trên do Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục phát hành và chỉ được phát hiện từ một phụ huynh đi mua sách.

Khi mà câu chuyện còn chưa ngã ngũ thì thêm một lỗi của ấn phẩm Truyện cổ tích Việt Nam do NXB Kim Đồng phát hành tiếp tục được người đọc phát hiện. Theo đó, tại trang 40 của sách có đoạn: “Thạch Sanh con ơi! Mẹ phải chết đây con ạ! Con sống được là nhờ xóm nhờ làng, vậy khi con khôn lớn, con phải hết lòng vì làng vì xóm. Nói rồi, bà cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con: Con cũng đã lớn rồi đấy, cởi truồng mãi thế người ta cười cho, hãy giữ lấy cái quần này của mẹ mà mặc. Rồi bà tắt thở. Thạch Sanh không nỡ để mẹ chết trần, nên chỉ xé một mảnh ống quần để làm cái khố, còn mặc vào cho mẹ rồi nhờ xóm làng chôn cất tử tế”.

Trong đoạn miêu tả Thạch Sanh giết trăn tinh, các tác giả đã thể hiện: “Thạch Sanh vung búa đánh nhau với trăn tinh suốt một ngày một đêm không phân thắng bại. Cuối cùng trăn tinh bị đuối sức, Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu trăn tinh bổ xuống thật nhanh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”.

NXB Giáo Dục tiếp tục “gây bão” khi biến thể hình ảnh “Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm...” trong tác phẩm Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích. Một quyển sách khác cũng gây xôn xao không kém đó là Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú được cho là có xuất xứ từ NXB Văn hóa - Thông tin. Đọc nội dung của ấn phẩm trên, người đọc không khỏi đỏ mặt trước những ngôn từ hết sức thô thiển, gợi dục mà chúng tôi không tiện trích dẫn.

TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?

Trả lời báo chí về sự cố lính Mã Viện không mặc quần, ông Nguyễn Văn Tùng (Phó tổng biên tập NXB Giáo Dục) cho biết: sách được xuất bản năm 2009 từ kết quả cuộc thi biên soạn truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa lịch sử hiện hành. Cuộc thi được tổ chức với mục đích đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí và giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ. Các tác phẩm dự thi được xuất bản thành truyện tranh.

Giải thích về chi tiết “Thánh Gióng tắm hồ”, GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên, khẳng định đoạn văn trên được trích dẫn đúng từ ghi chép của nhà thơ Nguyễn Đình Thi chứ không phải do nhóm biên soạn bịa ra. Nhiều người tự xưng là nhà nghiên cứu đến các vị có học hàm, học vị tiến sĩ, giáo sư... cũng đã ra sức bảo vệ khi cho rằng đây là một dị bản được ghi chép ở nhiều đền...

Dư luận tiếp tục bị “dội thêm gáo nước lạnh vào mặt” khi một PGS (của một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội) khẳng định, Thánh Gióng là nhân vật truyền thuyết chứ không phải lịch sử, vì vậy việc có dị bản là dễ hiểu. Vị này còn đổ lỗi: “Do nhân vật này đã in sâu trong tâm trí của người Việt Nam, được xem là bất tử, là người thánh thiện nên khi có bất cứ điều gì khác là dư luận... phản đối”.

Tuy đến thời điểm này vẫn có ý kiến đồng thuận việc đưa các chi tiết khác lạ vào những ấn phẩm văn hóa trên với lý do cần “đa dạng hóa” các “dị bản” đang được lưu lại ở một số đền thờ, địa phương... nhưng theo quan điểm của đa số phụ huynh, việc xuất bản những cuốn sách trên chẳng khác nào đầu độc tư duy cho trẻ em chúng ta.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1