Đọc sách kiểu Nhật

18:36:00 25/03/2015
Từ thời xa xưa, khi Nhật Bản chỉ có văn hóa võ sĩ trên chiến trường thì văn hóa đọc của người dân nước này đã xuất hiện.


Tới thời Minh Trị Duy Tân thế kỷ 19, khi đất nước mở cửa, người Nhật mong học hỏi nền văn hóa phương Tây cũng là lúc văn hóa đọc bùng nổ, khiến Nhật Bản trở thành dân tộc có nền văn hóa đọc khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

Ngày nay, trong bối cảnh Internet và các công cụ đọc online lên ngôi, niềm đam mê đọc sách, tiếp thu tri thức của người Nhật vẫn chưa hề tàn lụi, đặc biệt sách in vẫn là loại hình mà những tâm hồn yêu văn hóa đọc ưa chuộng.

Hơn thế nữa, người dân “xứ hoa đào” nhiều khi không đọc sách một mình, trong không gian yên tĩnh thư thái mà còn tham gia các buổi đọc sách đông người, cùng nhau chia sẻ ý kiến, cảm nghĩ, giúp việc đọc và hiểu sách hiệu quả hơn.

Cùng nhau đọc sách


Một buổi đọc sách do Hiệp hội “Đọc để hành động” ở Tokyo tổ chức.


Một công ty phụ trách tổ chức các buổi đọc sách cho mọi lứa tuổi ở khắp nước Nhật, và một hiệu sách ở thủ đô Tokyo giới thiệu các cuốn sách được lựa chọn kỹ càng như một đơn thuốc, là các ví dụ cho thấy người dân Nhật vẫn lựa chọn sách in để làm phong phú văn hóa tinh thần hay tìm các gợi ý về phát triển sự nghiệp.

Tại câu lạc bộ đọc sách do Hiệp hội “Đọc để hành động” ở Tokyo thành lập hồi đầu tháng 11/2014, có 7 người tham gia đọc lướt qua bản dịch tiếng Nhật của “The Shift”, cuốn sách bán chạy nhất nói về tương lai của việc làm của Giáo sư Lynda Gratton, Đại học London Business. Họ ghi nhanh các cụm từ thu hút sự chú ý của mình và thảo luận ý kiến với nhau.

“Trước hết, hãy nghĩ về những gì bạn muốn hỏi tác giả”, một người hỗ trợ nhóm cho hay. Cuộc thảo luận đã trở nên sôi nổi khi các thành viên chia sẻ suy nghĩ và ý kiến của bản thân. Sau buổi đọc sách, một phụ nữ 34 tuổi tâm sự: “Tôi đã từng băn khoăn vì không thể hình dung ra nghề nghiệp tương lai, nhưng sau khi lắng nghe suy nghĩ và ý kiến của những người cùng đọc sách, tôi đã có ý tưởng về việc sắp xếp lại những ưu tiên nghề nghiệp của mình”.

Từ khi câu lạc bộ đọc sách ra đời năm 2011, khoảng 250 người đã được Hiệp hội “Đọc để hành động” chứng nhận là chuyên gia. Họ đã tổ chức khoảng 500 buổi đọc sách/năm trên khắp nước Nhật với rất nhiều thể loại, từ kinh tế và tài liệu kinh doanh cho tới các cuốn sách ảnh cho trẻ em. Câu lạc bộ này ra đời nhằm mục đích giúp đỡ các thành viên, phần lớn ở độ tuổi 30 - 40, nhanh chóng nắm bắt được nội dung các cuốn sách và thu nhận được kiến thức sau các cuộc thảo luận, ví dụ như khám phá ra cơ chế giải quyết vấn đề của mỗi người hay tìm ra các gợi ý để thúc đẩy sự nghiệp hay công việc kinh doanh.

Những người tham gia đến từ mọi tầng lớp trong xã hội, không chỉ có giới công chức mà còn có cả những người già cũng như các gia đình có trẻ nhỏ.

Trong một số trường hợp, các cuộc thảo luận còn tạo ra nguồn cảm hứng, giúp người tham gia phát hiện đam mê thực sự và thay đổi công việc hiện tại của họ. Các buổi đọc sách cũng được các công ty áp dụng vào quá trình đào tạo nhân viên và các chương trình phát triển.

“Liệu pháp sách”


Nhà sách “Rắn và Lỏng Machida” ở Tokyo đã đưa ra một chiến lược độc để thu hút độc giả. Được gọi là “liệu pháp sách”, nhà sách này giới thiệu những cuốn sách bìa cứng phù hợp với “các triệu chứng” - như thiếu ngủ hoặc đang trong tâm trạng chán chường vì cuộc sống hay công việc - của người đọc.

Những cuốn sách được người quản lý và các nhân viên lựa chọn kĩ càng. Nhà sách có 70 lựa chọn cho các “triệu chứng” khác nhau, mỗi cuốn được đặt gọn gàng trong một chiếc túi màu trắng giống như toa thuốc sử dụng phổ biến trong các hiệu thuốc Nhật Bản.

Đối với những người luôn lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình, một trong những cuốn sách “liệu pháp” được đề xuất là “Jibun no naka ni doku o mote” (Thuốc độc trong người bạn) của cố họa sĩ Nhật Bản Taro Okamoto viết về các bức tranh, điêu khắc thể nghiệm và táo bạo của mình.


Hạnh Nhân

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1