230 tỉ đồng cho đề án phát triển văn hóa đọc cộng đồng

09:52:00 29/07/2015
TT - Sáng 28-7 tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL tổ chức hội thảo góp ý dự thảo đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030.
Ảnh tư liệu TT

Đây là đề án do Bộ VH-TT&DL phối hợp cùng Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Khoa học - công nghệ... triển khai thực hiện.

Theo ban soạn thảo, mục đích của đề án này nhằm hình thành thói quen và nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phong trào đọc trong xã hội, xây dựng thế hệ đọc tương lai.

Đề án đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2030: tất cả thư viện cấp tỉnh có trụ sở độc lập, có ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện; tất cả trường học có thư viện và 90% thư viện trường phổ thông đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục - đào tạo.

Đồng thời 50% các gia đình ở Việt Nam có tủ sách. Mức hưởng thụ sách báo trên đầu người dân đạt 7 bản/người. Đến năm 2030, phấn đấu số người dân đăng ký sử dụng thư viện công cộng ước đạt 1,3 triệu người/năm.

Dự kiến kinh phí để thực hiện đề án (giai đoạn 2015 - 2020) là 230 tỉ đồng trích từ ngân sách nhà nước, trong đó ngân sách trung ương đảm bảo 40% tổng kinh phí.

Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến của những người làm công tác quản lý thư viện, các giáo viên...đã được đưa ra để đóng góp cho đề án.

Ông Vũ Công Hội - phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ (Ban Tuyên giáo trung ương) - góp ý trong đề án nên có cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ làm văn hóa đọc, đội ngũ quản lý thư viện hợp lý bởi hiện nay thu nhập của những người làm trong ngành văn hóa đọc rất thấp.

Anh Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam - đề nghị cần nhân rộng mô hình tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp học đến tất cả các lớp học trên toàn quốc...

“Bộ VH-TT&DL cần dịch chuyển vùng hoạt động từ thành phố, huyện lỵ đến các nhà văn hóa cấp thôn, xóm thay vì để sách nằm “ngủ” ở khu vực đô thị vốn có nhiều gia đình đủ năng lực mua sách cho con cái họ” - anh Nguyễn Quang Thạch đề nghị.

Đầu tư không gian đọc sách cho sinh viên

Từ thực trạng sinh viên đại học ít đọc, khả năng đọc kém, TS Nguyễn Ngọc Minh (ĐH Sư phạm Hà Nội) đề nghị nên đưa vào đề án những quy định cụ thể để phát triển không gian đọc sách cho sinh viên các trường đại học.

“Từ lâu nay không gian chính trong mỗi trường đại học vẫn là lớp học. Đây là không gian được đầu tư nhiều nhất. Thư viện trong các trường đại học vì thế mà ít được quan tâm.

Vì vậy, muốn nâng cao thói quen tự đọc, tự học của sinh viên thì không gian thư viện trong mỗi trường học cần được đầu tư nhiều hơn nữa.

Nơi đây cũng cần trang bị những tài liệu hướng dẫn cách đọc, cách tra tài liệu cho sinh viên” - TS Nguyễn Ngọc Minh nói.

V.V.TUÂN

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1