Các nhà văn bức xúc đòi kiện NXB Giáo dục

07:29:00 10/12/2014
ANTĐ - Ngày 9-12, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) cho biết, sau nhiều buổi làm việc giữa trung tâm với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), đến nay vẫn chưa có kết quả về nhuận bút tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa. Điều này khiến nhiều nhà văn muốn chấm dứt đàm phán để kiến nghị cấp cao hơn.

ANTĐ - Ngày 9-12, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) cho biết, sau nhiều buổi làm việc giữa trung tâm với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), đến nay vẫn chưa có kết quả về nhuận bút tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa. Điều này khiến nhiều nhà văn muốn chấm dứt đàm phán để kiến nghị cấp cao hơn.

Cần làm rõ trả bản quyền tác phẩm gây đội giá SGK như thế nào

Không phải chuyện đòi tiền riêng

Theo ông Đỗ Hàn - Phó Giám đốc VLCC, việc đàm phán về nhuận bút cho các tác giả, tác phẩm văn học được sử dụng trong SGK với NXBGDVN đã kéo dài gần nửa năm nay. Đáng nói là lần gần nhất, sau cuộc họp lần thứ năm ngày 5-12, hai bên vẫn chưa thể thống nhất phương án chi trả nhuận bút. Lý giải về việc này, ông Đỗ Hàn đưa ra ví dụ: “Tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, in khoảng 6 trang trong SGK, tính nhuận bút theo cách của NXBGDVN sẽ được 270.000 đồng, mỗi lần tái bản được từ 25.000 – 30.000 đồng. Tổng cộng tiền bản quyền tác phẩm trong 12 năm qua ông được nhận là 600.000 đồng”.

Bà Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc VLCC bức xúc sau buổi làm việc với NXBGDVN: “Không đi không được, mà đến làm việc lại như chịu sự ban ơn”. Điều này khiến Giám đốc VLCC cũng như nhiều nhà văn cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Ông Lưu Tuấn Anh, con trai nhà thơ Xuân Quỳnh chia sẻ ở góc độ khác: “Nếu đòi tiền về riêng cho gia đình thì chúng tôi không cần, nhưng đây là đòi cho cả cộng đồng văn học. Việc làm này là cần thiết để tạo ra tiền lệ thiết lập cách ứng xử đúng pháp luật, văn minh, để đưa các nhà xuất bản sử dụng tác phẩm văn học vào quỹ đạo về bản quyền”.

Nhuận bút tác quyền sẽ đội giá SGK?

“Không phải NXBGDVN không thể hiện thiện chí, mong muốn trả tiền nhưng khi tính toán thì mức trả này khó chấp nhận” – ông Đỗ Hàn cho biết. NXBGDVN đề xuất tính theo mục 12 điều 13 Nghị định 18 là tiền nhuận bút bằng 30 – 140% x lương cơ sở/ số tiết học. Trong đó hệ số lương tối thiểu là 100%, tỷ lệ sử dụng tác phẩm trong tiết theo 3 mức: 10%, 15% và 20%. Trong khi đó, VLCC đề xuất hệ số lương tối thiểu là 140%, tỷ lệ sử dụng tác phẩm trong tiết học là 60%.

Giải thích thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng, nếu NXBGDVN không bán SGK mà phát không cho học sinh, các nhà văn sẵn sàng không đòi nhuận bút. Nhưng không chỉ NXBGDVN bán SGK mà còn hàng trăm công ty, NXB khác cùng được lợi từ việc in ấn và phát hành SGK.

Tuy nhiên, khi bàn về chế độ nhuận bút cho các tác giả văn học, theo NXBGDVN giá SGK vốn đang được Nhà nước bù lỗ để đảm bảo quyền lợi cho học sinh sẽ bị đội lên, ảnh hưởng tới hàng triệu học sinh và gia đình có con đi học. Vấn đề này được các nhà văn yêu cầu phải làm rõ, tính toán công khai mức giá vượt trội lên là bao nhiêu? Mệt mỏi với các cuộc làm việc không đi đến thỏa thuận, bà Nguyễn Thị Thu Huệ đề nghị các nhà văn cùng đưa ra cách giải quyết khác, trong đó có việc dừng đàm phán với NXBGDVN, đồng thời gửi kiến nghị lên Bộ GD-ĐT và các cấp cao hơn. Nhà văn Phạm Viết Đào thì đề xuất sẽ báo cáo Bộ GD-ĐT và xin ý kiến Hội Nhà văn khởi kiện NXBGDVN vì xâm phạm có hệ thống đối với các sản phẩm được xuất bản từ năm 2014 trở về trước.

Trước ý kiến gay gắt của các nhà văn, ông Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị trước khi đi đến biện pháp cuối cùng, cần có thêm một buổi làm việc cho hết lẽ với NXBGDVN. Về phía cơ quan quản lý, ông Bùi Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT&DL, cho biết sẽ mời đại diện Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 18 về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản tới để làm rõ các điều khoản đang gây tranh cãi giữa NXBGDVN và VLCC.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1