VLCC đại diện cho 984 tác giả văn xuôi và thơ. Tháng 4/2014, trung tâm này tiến hành rà soát toàn bộ SGK Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 và SGK Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 12 của NXB Giáo dục. Ngày 28/5, VLCC gửi công văn yêu cầu NXB này chi trả nhuận bút. Cuộc đàm phán kéo dài từ tháng 6 đến nay chưa có kết quả.
Vấn đề bản quyền văn học SGK là trọng tâm của hội thảo “Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học” do VLCC tổ chức sáng 9/12 tại Hà Nội.
“Chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm”
Theo VLCC, thứ Sáu vừa qua (5/12), Trung tâm đã có buổi làm việc suốt 6 tiếng đồng hồ với đại diện NXB Giáo dục nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất về cách tính số tiền bản quyền. Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, đây là một “bế tắc”.
Bà Huệ phát biểu: “Chúng tôi nhắc nhở, thông báo việc họ đã chiếm dụng bản quyền tác phẩm của nhà văn, nhà thơ bao lâu nay, nhưng họ lại cư xử như ban ơn. Thậm chí, một phó giám đốc NXB còn dùng từ “cho”, như thể họ cho nhà văn tiền chứ không phải trả theo luật”.
Cuộc đàm phán về tiền bản quyền tác phẩm văn học sử dụng trong SGK đã kéo dài 6 tháng
“Tôi nói thẳng rằng bây giờ SGK có thể không bán mà được nhà nước tài trợ cho người dân” - bà Huệ nói. “Cần minh bạch chuyện hàng trăm công ty con được mở ra để in và bán SGK. Hàng nghìn tỷ đồng nhà nước in SGK cũng chính là tiền thuế của người dân chúng ta chứ không phải tiền của ai khác. Vì thế lâu nay mỗi phụ huynh phải trả 2 lần tiền cho SGK, một lần mua sách và một lần đóng thuế”.
“Ông Nguyễn Minh Thuyết (người chủ biên sách Tiếng Việt lớp 2 - PV) đưa ra lý lẽ: Nếu người làm SGK phải trả tiền tác quyền thì giá SGK phải đội lên. Tôi xin hỏi: Đội lên là bao nhiêu? Chúng tôi, đại diện cho các tác giả, phải ngồi lại cân đo đong đếm từng tác phẩm, như cách Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đang phải làm. Chúng tôi thực sự cảm thấy bị xúc phạm. Tất cả các nhà văn chúng tôi đã liên hệ cũng rất phẫn nộ”.
Không chấp nhận việc coi rẻ lao động sáng tạo
Bà Huệ cho biết, vì đàm phán bế tắc, VLCC đang xem xét gửi công văn ngừng đàm phán với NXB Giáo dục và làm kiến nghị gửi lên Bộ Giáo dục Đào tạo và các cấp cao hơn.
Nếu không ngừng đàm phán, VLCC sẽ đề nghị tính tiền theo Nghị định 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản” vì đây là nghị định mới ra năm 2014.
Có mặt trong cuộc họp ngày 5/12 nói trên giữa VLCC và NXB Giáo dục, ông Lưu Tuấn Anh, con trai nhà thơ Xuân Quỳnh, cho biết: “Với tư cách là người thân của một tác giả có tác phẩm trong SGK, tôi không chấp nhận mức tiền mà NXB Giáo dục đưa ra”.
“NXB nói đưa tác phẩm vào SGK là hoạt động cộng đồng nên không cần phải xin phép tác giả hoặc gia đình tác giả. Nhưng tôi muốn hỏi ngược lại là: nếu chúng tôi không cho phép đưa tác phẩm vào SGK thì sao? Làm gì có luật nào cưỡng chế tác giả phải chấp nhận?”.
Theo ông Tuấn Anh, các nhà văn, nhà thơ ở thế hệ của mẹ ông lao động sáng tạo không vì tiền, mà vì nhu cầu tinh thần. Nhưng với tình hình như hiện nay, lao động đó bị coi rẻ quá mức.
Cục Bản quyền, Cục Xuất bản sẽ vào cuộc
Ông Bùi Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền, nói trong hội thảo: “Luật đã quy định rất rõ về việc phải xin phép, trả nhuận bút khi sử dụng tác phẩm. Tuần sau, chúng tôi sẽ phối hợp với Cục Xuất bản để làm việc với VLCC và NXB Giáo dục”.
|
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa