Ghé thăm hiệu sách lâu đời nhất phố Đinh Lễ

16:55:00 06/12/2014
Hiệu sách của vợ chồng ông Lê Luy, bà Phạm Thị Mão bên chân tháp Hòa Phong là hiệu sách lâu đời nhất ở phố Đinh Lễ.

Phố Đinh Lễ từ lâu đã trở thành “thiên đường” của văn hóa đọc Hà Nội, là mảnh đất vàng cho các nhà xuất bản. Nhưng ít ai biết rằng phố sách tấp nập ấy được bắt đầu từ chiếc xe đẩy chứa hai chục cuốn sách của vợ chồng ông Lê Luy, bà Phạm Thị Mão bên chân tháp Hòa Phong.

Từ bán sách vỉa hè đến ngôi nhà trong hẻm

Vợ chồng ông Lê Luy và bà Phạm Thị Mão.

Năm 1990, ông Lê Luy về hưu. Đồng lương ít ỏi cùng gánh nặng chăm sóc đứa con nhỏ khiến ông không thể an phận, chấp nhận nghèo khổ. Khi ấy, ông đạp xe khắp nơi để bán bánh kẹo. Nhiều người là học trò cũ thấy thầy giáo đạp xe đi bán hàng mà không cầm được nước mắt.

Ngay sau đó, vợ ông - bà Phạm Thị Mão cũng rời tổng công ty phát hành sách về nghỉ hưu. Có sẵn kinh nghiệm chọn sách và các mối quan hệ trong nghề, ông bà quyết định mượn hàng xóm chiếc xe đẩy để bày hai chục cuốn sách bán dạo bên tháp Hòa Phong.

Về sau, do mối quen biết sẵn có, ông được ngồi bán sách bên chiếc bàn nhỏ sát bờ tường Bưu điện Hà Nội. Cửa hàng chỉ có vài chục quyển nhưng bán đắt như tôm tươi. Vốn nhỏ, khách mua nhiều nên có khi cả ngày bà Mão phải chạy vắt chân lên cổ để đi nhập sách về bán.

Vật lộn suốt ba năm, ông bà mua được căn gác hai tại ngôi nhà số 5, phố Đinh Lễ sau khi bán căn nhà cũ ở Ngũ Xã để mở tiệm sách. Hiệu sách nhỏ lại nằm sâu trong hẻm nên ông vẫn phải ngồi ở vỉa hè để giới thiệu cho khách quen dần.

Mỗi dịp cuối năm, ông bà lại làm lịch để bán thêm. Kỳ lạ là những cuốn lịch bán rất chạy dù rằng điểm lấy hàng với giá gốc ở phố Lò Sũ, cách đó chỉ vài trăm mét.

Nhà sách tầng 2, số 5 Đinh Lễ nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ với nhiều hiệu sách lớn xung quanh.

Để đến nhà sách, khách hàng phải leo lên một chiếc cầu thang cũ kỹ.

Bước ngoặt với cuốn sách trị giá 500 cây vàng

Với độ dày 2000 trang, được biên soạn bởi hàng chục tác giả lớn trên thế giới, cuốn sách "Almanach - những nền văn minh thế giới” là một kho tàng trí tuệ lớn về nhiều mặt. Tuy nhiên, sự đồ sộ và giá thành quá cao của nó làm cho không có nhà xuất bản nào dám nhận in. Nhận thấy giá trị vô giá của cuốn sách, ông bà quyết định đi vay 35 triệu đồng - tương đương 6 cây vàng thời điểm đó để xin giấy phép phát hành và đặt in.

Từ năm 1995 đến năm 2000, cứ mỗi đợt, ông bà in tới 22 nghìn cuốn mà in tới đâu là hết tới đó, không có cuốn nào lọt về đến kho. Lợi nhuận đem lại lên đến 2-3 tỷ đồng, tương đương 500 cây vàng ở thời điểm ấy.

Do số lượng sách quá nhiều nên chúng được xếp chồng lên nhau, chỉ chừa một lối đi nhỏ.

Từ nhà ra phố

Có lãi lớn, mỗi năm ông bà thêm một gian nhà để chứa sách. Dần dần, ông bà đã có 5 gian nhà với tổng diện tích lên đến 200 mét vuông ở tầng 2, số 5 phố Đinh Lễ. Người làm thuê trong nhà lên đến 10-20 người. Thấy ông bán được, ban ngày, họ bán sách cho ông; đến tối, họ trải chiếu xuống vỉa hè phố Đinh Lễ để bán.

Mỗi gian nhà sách có một người trông nom để hướng dẫn cho khách hàng, tìm sách giúp hay để vận chuyển lịch mỗi khi có mưa.

Năm 2000, thành phố chủ trương dẹp phố sách vỉa hè. Những người bán sách ngày nào thuê các cửa hàng ở phố Đinh Lễ và dần dần hình thành phố sách. Cuối năm 2009, đầu năm 2010, Nhà xuất bản Kim Đồng và Chính trị Quốc gia đặt trụ sở tại đây. Con phố ngày càng tấp nập và trở thành điểm hẹn của giới “mọt sách” Hà thành.

Từ đó, nhiều cán bộ văn hóa tới chơi đã nói đùa với ông bà rằng: “Ông bà chính là 'thành hoàng' của phố sách. Khi chết thì mọi người sẽ lập miếu thờ.”

Khác biệt nhờ giảm giá

Hiệu sách ở trong hẻm nhỏ nhưng vẫn nhiều người ghé đến mua, có những gia đình đã ba đời đến nhà ông mua sách. Chia sẻ về bí quyết thành công, ông Luy cho biết: "Tôi có nhà trong ngõ nên không phải mất chi phí thuê mặt bằng. Nhà sách của tôi liên kết trực tiếp với các nhà xuất bản nên giảm được chi phí. Bán sách lâu năm, quen thân với hầu hết các đầu mối nên luôn ưu tiên giá tốt. Và đặc biệt chính là giảm lợi ích của mình để đôi bên cùng có lợi".

Một bạn sinh viên năm nhất, khoa tiếng Nhật, Đại học Hà Nội cho biết: "Mình đi hơn mười cây số đến đây để tìm sách. Ở đây, kho sách phong phú nên hầu như cái gì cũng có. Cảm giác lục lọi, đắm chìm trong một biển sách thật là thú vị".

Nói kỹ hơn về chuyện này, bà Mão cho hay: "Mỗi cuốn sách đều được tính 40% chi phí phát hành vào giá bìa. Vì thế, giá sách bị đẩy lên cao. Nay chúng tôi giảm giá 30%, chấp nhận hy sinh một phần lợi ích của mình cho người đọc làm cho giá giảm đi đáng kể. Từ đó, mọi người mua sách nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn. Sách giảm giá khá nhiều nhưng lượng sách bán ra lại lớn nên mỗi năm tính tổng, ông bà vẫn có thể thu lại số lãi không nhỏ".

Lạc quan trong khó khăn

Vài năm gần đây, kinh tế suy thoái, số người đến chọn sách vẫn đông nhưng số người về tay không cũng tăng đáng kể. Ông Luy cho hay, nhiều người cầm cả chục cuốn sách ra nhưng khi tính tiền lại không đủ nên phải tiếc nuối bớt lại. Vì thế, lợi nhuận của nhà sách đã giảm đi.

Tuy nhiên, ông bà vẫn hết sức lạc quan cho rằng: Sách chứa đựng tri thức, văn hóa của nhân loại. Con người còn thì tri thức, văn hóa vẫn còn. Vì thế, con người sẽ vẫn luôn tìm đến sách và đọc sách như một nhu cầu không thể thiếu.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông vẫn gọi bà là em và sống cuộc sống đạm bạc nhưng vô cùng hạnh phúc.

Nghe giọng nói đầy nhiệt huyết của ông bà, thật khó tin khi cả hai con người này đã đều ở ngưỡng thất thập cổ lai hy. Tôi buột miệng hỏi: Tuổi đã cao, nhỡ ông bà có mệnh hệ gì thì nhà sách này sẽ ra sao? Ông Luy trả lời: "Cậu đã đọc thơ của tôi chưa? Lòng tôi rất trẻ và tôi không có tuổi". Còn bà Mão thì nhìn xa xăm: "Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Nếu con cháu tiếp tục được sự nghiệp này thì tốt, còn không thì tùy cho con tạo xoay vần".

Cùng xem thêm một số hình ảnh khác ở nhà sách lâu năm này:

Hiệu sách của ông Luy được bao phủ bởi màu xanh của cây cọ và cây si cổ thụ.

Hiệu sách có năm gian chứa năm loại sách khác nhau: Văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, sách giáo khoa, sách ngoại ngữ và sách khoa học - đời sống.

Mỗi gian nhà đều chứa rất nhiều sách, với nhiều loại sách cũ đã không còn tái bản nữa.

Vì thế, nơi đây trở thành niềm hi vọng cuối cùng với những người muốn tìm các loại sách cũ.

Sách xếp cao đến tận nóc nhà.

Có những gác xép nhỏ cũng được tận dụng để chứa sách.

Nơi đây có những cuốn sách đồ sộ đến hàng ngàn trang.

Hay những cuốn sách 3D độc đáo dành cho thiếu nhi.

Là dịp cuối năm nên ông bà bán thêm cả lịch.

Trong gian nhà sách có bức ảnh chụp bà Mão bên nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Hàng năm, ông bà đều tặng sách cho nguyên tổng bí thư vào mỗi dịp sinh nhật.

Trang, sinh viên trường Cao đẳng sư phạm, cho biết: "Làm thêm ở đây tuy thu nhập không cao nhưng có lợi thế là giờ giấc thoải mái. Đặc biệt là có thể được đọc rất nhiều sách".

Ngoài bán sách thì ông Lê Luy còn là một nhà thơ thuộc Hội nhà văn thành phố Hà Nội.

Ông đã xuất bản 6 tập thơ và chuẩn bị cho ra mắt tập thơ thứ 7.

Bà Mão tuổi đã cao nhưng vẫn còn minh mẫn và nhanh nhẹn. Bà hạnh phúc nghe điện thoại của con cháu.

Hai ông bà cũng rất mê đọc sách.

Ông khoe những kỷ niệm chương quý giá với người bạn già

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1