|
TS.PGS Đoàn Cầm Thi. Ảnh tư liệu TT. |
Trong cuộc trò chuyện với độc giả Việt Nam tại Hà Nội tối 23-4, tác giả của tủ sách này - TS.PGS Đoàn Cầm Thi đã gọi đây là một cuộc phiêu lưu... lãng mạn mà tươi đẹp!
Ấy là hồi tháng 10-2012, tại nhà sách Le Phénix ngay trung tâm Paris, Nhà xuất bản (NXB) Riveneuve đã ra mắt tủ sách Văn học Việt Nam đương đại.
Sự kiện này khiến bao người Pháp ngạc nhiên không phải vì lần đầu tiên văn học Việt Nam được giới thiệu ở xứ sở này, mà vì trước đó (những năm 1990) đã có hai tủ sách của NXB L’Aube và NXB Philippe Picquier in nhiều tác phẩm văn học Việt Nam thời Đổi mới, nhưng gần đây thì hầu như không hoạt động nữa.
Thế mà giờ đây lại có một tủ sách mới “ngạo nghễ” ra đời, lại toàn in những tác phẩm mang đầy tính thử nghiệm của những tác giả hoàn toàn mới mẻ của văn chương Việt Nam.
“Tôi đã phải thuyết phục rất nhiều với giám đốc NXB Riveneuve về dự án, không phải vì tủ sách sẽ ngay lập tức hút khách bởi những tác phẩm đình đám mà vì tính hiện đại, mới mẻ của mỗi tác phẩm được dịch.
Tất nhiên là mất nhiều công sức nhưng có sao đâu khi chúng tôi đã đi được đến kết quả cuối cùng. Ở cuộc thuyết phục này có sự trao đổi. Nhưng trao đổi lại rất có lợi cho văn học Việt Nam khi NXB đồng ý lập tủ sách với điều kiện phải có sự tham gia của nhà văn Thuận.
Yêu cầu này được đặt ra vì trước đó tiểu thuyết Chinatown của Thuận được dịch và xuất bản tại Pháp đã thu lại được kết quả tích cực. Còn lần này, Riveneuve muốn tủ sách mở màn bằng T mất tích cũng của Thuận” - Đoàn Cầm Thi nói.
Thế rồi mới đi qua hai năm, tủ sách này mỗi ngày đầy lên với 11 đầu sách được dịch. Từ T mất tích của Thuận rồi đến Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà; Khmer Boléro, Saigon Samedi của Đỗ Kh; Thang máy Sài Gòn, Paris 11 tháng 8 của Thuận; Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương; Blogger của Phong Điệp; Delete của Phong Điệp và Nguyễn Việt Hà; Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam và Song song của Vũ Đình Giang.
TS Trần Hình - giảng viên văn học Pháp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội - đã nghi ngờ hỏi Cầm Thi có dịch theo sự “yêu mến” tác giả nào không?
Cầm Thi thật thà mà rằng: “Chỉ có sự yêu mến khi tác phẩm thật sự chất lượng, mới mẻ. Và đây là cách lựa chọn của cá nhân tôi khi tôi chỉ muốn các tác phẩm có thêm cuộc sống mới, hóa thân trong nhiều ngôn ngữ mới, mang những hình thái mới...”.
Có một điều vui mừng nữa là trong cuộc phiêu lưu lãng mạn mà tươi đẹp này, Đoàn Cầm Thi không độc hành. Chị có những người bạn là Emmanuel Poisson, Jannine Gillon, Danh-Thành Do-Hurinville, Nguyễn Phương Ngọc và Yves Bouillé. Chị bảo tất cả hầu như sống bằng lương giáo sư rồi dịch văn học bằng sự say mê... “không hiểu nổi”.
Công việc này chẳng đơn giản chút nào khi ai cũng muốn đem đến cho mỗi tác phẩm một đời sống khác thực thụ. Điển hình như cuốn Blogger của Nguyễn Phong Điệp dày chưa đầy 200 trang mà Nguyễn Phương Ngọc mất hai năm... nghiền chữ.
Chính bản thân Đoàn Cầm Thi cũng vậy, có ngày chỉ dịch được nửa trang văn đã lấy làm vui mừng lắm rồi. Không chỉ dừng ở đó, mỗi khi có tác phẩm mới là Đoàn Cầm Thi lại lên đường phiêu lưu với chúng. Hết ở trường đại học này đến thư viện nọ, hết ở hội sách này đến điểm đọc kia, hễ có cơ hội là chị xuất hiện cùng với các tác giả của mình.
Câu chuyện về một dòng chảy mới của văn học Việt Nam theo đó được tuôn chảy và bắt đầu len lỏi vào các địa chỉ có thể coi là thánh địa của văn hóa Paris như Thư viện quốc gia, Trung tâm Sách quốc gia, Hội chợ sách, Đại cung điện, Viện ngôn ngữ và văn minh Đông phương.
“Độc giả lớn tuổi ở Pháp ngạc nhiên lắm vì họ thường biết đến Việt Nam qua dòng văn học cổ điển, Thơ mới, Tự lực văn đoàn là nhiều. Còn độc giả đương đại thì khá tò mò tìm hiểu.
Chúng tôi cứ cần mẫn chọn dịch những tác phẩm đương đại chất lượng với những câu chuyện mới được kể bằng những hình thức mới chứ không khoanh vùng khán giả. May thay còn có khán giả để ý và tìm đọc” - Đoàn Cầm Thi chia sẻ.
Còn lúc này, sau những thời giờ truyền cảm hứng về văn học Việt Nam cho sinh viên ở Inalco - Viện ngôn ngữ và văn minh Đông phương Paris thì Đoàn Cầm Thi lại cặm cụi dịch cuốn tiểu thuyết Ngựa thép của Phan Hồn Nhiên để kịp đặt thêm vào tủ sách trong tháng 9.
Chị cũng đang chuẩn bị cùng với những người bạn của mình là các dịch giả, tác giả đến với liên hoan Những cuộc gặp gỡ lịch sử của Genève và ngày hội Các cộng đồng Pháp ngữ tại thành phố Limoges.
Diễn ra vào giờ “cao điểm” từ 18g-20g nhưng cuộc trò chuyện của TS.PGS Đoàn Cầm Thi về Tiểu thuyết Việt trước toàn cầu hóa với độc giả Hà Nội tại Trung tâm Văn hóa Pháp luôn sôi nổi và đầy tính phản biện.
Những dịch giả Pháp văn nổi tiếng ở Việt Nam là Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh; nhà nghiên cứu Pháp văn như TS Trần Hinh; nhà lý luận phê bình Văn Giá... đều có mặt và hỏi xoáy Đoàn Cầm Thi.
Dẫu rằng trước cách nhìn nghiêm khắc của các dịch giả, nhà phê bình khác về văn học Việt Nam đương đại khi cho rằng thời kỳ này có ít tác giả thành công và khó lòng toàn cầu hóa, Đoàn Cầm Thi luôn lạc quan cho rằng văn học đương đại Việt Nam đang có dòng chảy mới.
Dòng chảy ấy có đầy nỗi cô đơn mang tính thời đại. Đấy cũng là tính toàn cầu của văn học Việt Nam khi bước ra thế giới.
|
ĐỨC TRIẾT