- Thưa nhà văn A-lếch-xan-đrơ Lây-phe-rơ, bạn đọc của ông là những ai? Đôi lúc có cảm giác ngày nay người ta chỉ thích đọc truyện trinh thám và tiểu thuyết ái tình.
- Bạn đọc của tôi thường là những người quan tâm đến văn hóa, lịch sử địa phương, không phải bạn đọc rộng rãi, tôi hiểu mà. Người ta chẳng xô đổ cánh cửa hiệu sách vì sách của tôi đâu. Nhưng tôi không coi rằng mình chỉ làm việc cho một giới hạn hẹp các nhà dư địa chí. Hết sức đáng tiếc, vì trong xã hội ta, thứ thị hiếu văn chương không cao cả cho lắm đang dẫn dắt. Người ta chộp giật những cuốn truyện điều tra vụ án của quý bà Đôn-xô-va và những tác giả kiểu ấy - để mà đọc trên xe buýt, tàu điện.
Thì họ cứ việc đọc, nhưng đọc những thứ ấy đâu có nâng cao đời sống tinh thần, mở rộng tầm hiểu biết. Trong các hiệu sách hiện nay - than ôi - thứ văn chương kiểu ấy đang ở thế thượng phong - nó hời hợt, trình bày mỹ miều, in ấn hoàn hảo, giá bán phải chăng nên người ta mới vồ vập. Lúc nào mọi người cũng hô hào để người đọc mang từ hiệu sách về những cuốn sách thông minh, bây giờ thành ra ngược lại, đấy là nỗi bất hạnh của chúng ta.
- Có một thời, Nga được coi là nước đọc sách nhiều nhất thế giới, nhưng bây giờ không thể buộc con cháu cầm sách lên đọc. Ta phải làm gì?
- Trong chuyện này không thể có một công thức chung và không đổ lỗi cho ai được - chính chúng ta là người có lỗi. Cách đây mấy năm liền đã có một xu hướng nhất định - đưa văn học Nga cổ điển và văn học nói chung vào nhà trường xuống mức tối thiểu đến phát ngượng - mỗi tuần vẻn vẹn có hai tiết học. Vận dụng cơ hội của mình để gõ cửa thượng đỉnh, bà vợ góa của nhà văn Xôn-giê-nhít-xưn trong cuộc gặp Tổng thống đã thẳng thắn và gay gắt xới lên vấn đề đó: Tại sao văn học cổ điển Nga vốn được cả nhân loại công nhận như một kỳ quan thế giới, vậy mà nước nhà chỉ cho học sinh học một tuần có hai tiết? Tổng thống đã nghe lời và đang chấn chỉnh tình hình - tăng số tiết học, lấy lại hình thức thi viết cho môn văn và loại nó ra khỏi danh mục những môn học chỉ cần sát hạch trong các kỳ thi quốc gia. Thế còn làm thế nào để thu hút chàng trai cô gái vào việc đọc sách? Thiết nghĩ, phải chọn lọc xem cuốn sách nào cần phải đến tay họ, níu giữ họ. Tôi nhớ mình đã say sưa như thế nào khi đọc những truyện về loài chó, về vùng băng giá A-la-xca của nhà văn Mỹ Giắc Lơn-đôn (1876-1916) hay Cuốn sổ theo dõi học sinh và xứ sở huyền thoại, tự truyện của nhà văn Nga Lép Ka-xin (1905-1970). Những người lớn hơn phải mách bảo họ chứ! - Ông có đồng tình với ý kiến cho rằng sách giấy cổ điển đã lỗi thời?
- Thiết nghĩ, luận điểm cho rằng sách giấy sắp chết, thư viện sắp đóng cửa bởi vì toàn bộ thư viện sẽ có thể chứa gọn trong một đĩa cứng và sẽ chỉ còn sách nghe - tôi thấy tất cả những định kiến ấy đều là cường điệu. Tôi còn nhớ rõ buổi rạng đông của vô tuyến truyền hình và tất cả đã dự báo, rằng các nhà hát sắp phải đóng cửa, bởi vì có thể xem bất cứ vở kịch nào ngay tại nhà mà không cần xỏ chân vào giày dép, rằng khỏi cần đến phòng hòa nhạc bởi vì bản giao hưởng nào ta cũng có thể nghe được trên vô tuyến truyền hình... Nhưng điều đó đã không xảy ra. Bây giờ đã có sách nghe và sách điện tử - cũng tốt thôi, xin hãy cứ đọc, xin hãy cứ nghe những văn bản tử tế. Nhưng sách giấy - với tư cách một tác phẩm của nghệ thuật ấn loát, một hiện tượng văn hóa, một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại -thì đâu có chịu biến mất dễ dàng như vậy.
- Xin ông hãy kể, hoàn cảnh nào khiến ông trở thành người viết blog, một vai trò hơi lạ thường nếu tính đến tình yêu của ông đối với sách giấy cổ điển?
- Có gì lạ thường đâu! Có mấy bạn nhà báo làm cho mạng thông tin điện tử kéo đến nhà tôi và đề nghị tôi viết blog thường xuyên cho họ, thế là tôi đồng ý. Trước đó, khi vừa mới làm chủ được máy vi tính, tôi thích đọc trang mạng "Tạp chí sống" và đã tính đến chuyện góp một cột của mình vào đó. Vừa hay, hình như họ cũng đọc được ý nghĩ của tôi nên mời tôi nhập hội. Đã hai năm nay tôi cộng tác với họ. Không dám nói rằng tôi là một người viết blog nổi tiếng, mỗi lần tung lên mạng là dấy lên cả một làn sóng lớn - không. Nhưng tôi cũng có bạn đọc của mình. Được phát biểu ý kiến của bản thân mình - đấy đã là cơ hội thật sự giá trị. Sự hiện diện của cộng đồng mạng mang đến cơ hội bàn luận nhiều vấn đề quan trọng, cho phép hình thành nên ý kiến công chúng. Tôi coi đấy là một trong những cái ưu của in-tơ-nét, bởi vì ý kiến của công chúng về căn bản có một gốc rễ lành mạnh, không ai đánh lừa được công chúng. Bất luận thế nào thì tôi cũng hy vọng sẽ là như thế.
- Ông là tác giả những cuốn lịch sử những vùng đất. Ông thu thập thông tin như thế nào, viết mỗi cuốn hết bao nhiêu thời gian?
- Cuốn sách mỏng đầu tay của tôi viết về người đồng hương Ôm-xcơ -Pi-ốt Đra-vét, một con người rất lý thú, vừa là nhà khoa học vừa là nhà thơ có tài, quen biết rất nhiều nhân vật nổi tiếng, được viện sĩ Véc-nát-xky coi là chỗ bạn bè, đang giảng dạy tại Đại học Nông nghiệp, đang làm việc cho Bảo tàng Lịch sử địa phương Ôm-xcơ thì được cả Mát-xcơ-va, cả Lê-nin-grát nhiều lần mời mọc, nhưng ông coi Xi-bê-ri là quê hương thứ hai của mình nên nhất quyết ở lại. Chính vì vậy tôi đặt nhan đề cuốn sách là Không phản bội Xi-bê-ri. Từ lúc biết ông khi tổ chức mừng ông thọ 90 tuổi (1969) đến lúc sách ra (1979) là đúng 10 năm! Vậy mà bây giờ tôi vẫn muốn viết lại cuốn sách đầu tay đó. Còn cuốn Xung quanh Đô-xtôi-ép-xky, tôi vốn quan tâm đến đề tài này từ cuối thập niên 1960, đã in nhiều bài khảo cứu rồi mới tập hợp vào cuốn sách xuất bản năm 1996. Bất luận thế nào thì viết được một cuốn sách nghiêm chỉnh trong vòng nửa năm là điều bất khả thi.
- Đối với sách của mình, sự đánh giá nào ông coi là cao nhất và tại sao ông gọi cuốn gần đây nhất là quà tặng cho chính mình?
- Tôi gọi thế, là bởi tập ghi chép Sống cùng nhau cũng như tập sách trước đó tập hợp những bài viết trên blog đều theo một văn phong mà tôi nhiều năm hướng tới, kiểu như tự bạch vậy. Bắt đầu từ cuốn Uy-li-am của tôi (thử bút về một con người tôi thân thiết nhiều năm - nhà thơ Uy-li-am O-dô-lin), tôi mới "vỡ ra" một điều gì đó. Cuốn sách ấy và những cuốn tiếp theo có phần tin cậy hơn, chân thành hơn những cuốn trước và do đó tôi thấy quý giá hơn. Còn chuyện đánh giá... Mới đây có người vừa gửi đến tôi một đánh giá mà tôi thấy quý hơn cả những lời khen của giới nghiên cứu phê bình văn học. Tôi tặng cuốn tuyển bài từ blog cho một bà nhân viên đánh máy hồi trẻ làm trong một tòa soạn. Sáng hôm sau bà điện ngay cho tôi và bảo suốt đêm rồi không chợp mắt - bà thử lật vài trang trước khi ngủ và chừng nào còn chưa đọc hết cuốn sách thì chưa thể nhắm mắt. Tôi nhớ như in lời bà: "Đọc sách mà cứ như là tôi đang trò chuyện với anh vậy". Tôi coi đó là một trong những đánh giá quý hơn bất kỳ đánh giá nào tôi từng nhận được.