Khi bạn đọc bất bình

09:38:00 14/07/2015
ANTĐ -Vụ án mạng chết 6 người ở Bình Phước đã phơi bày một bức tranh về thực trạng chạy đua của báo chí. Có những ngày 9/10 tin bài có lượng người truy cập nhiều nhất đều là về vụ này. Gần như không còn khía cạnh nào của vụ án chưa bị khai thác. Và người đọc bắt đầu có những phản ứng xấu với cách khai thác này của báo chí.

ANTĐ -Vụ án mạng chết 6 người ở Bình Phước đã phơi bày một bức tranh về thực trạng chạy đua của báo chí. Có những ngày 9/10 tin bài có lượng người truy cập nhiều nhất đều là về vụ này. Gần như không còn khía cạnh nào của vụ án chưa bị khai thác. Và người đọc bắt đầu có những phản ứng xấu với cách khai thác này của báo chí.

Bội thực vì những thông tin tiêu cực

Khi một vụ việc nóng như vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước xảy ra, thoạt tiên có đến 90% lượt truy cập của người đọc chỉ để theo dõi vụ này. Thậm chí, có những tờ báo vốn chỉ thuần về thể thao, văn hóa cũng nhập cuộc ráo riết.

Nhiều tờ báo xưa nay nổi tiếng chừng mực cũng đưa rất nhiều tin bài về vụ án nghiêm trọng này. Điều đáng ngại hơn nữa là cũng trên một vài tờ báo lớn trước đó vốn không phụ thuộc vào thị hiếu độc giả, nay đã thay đổi và “câu khách” rõ rệt bằng các chi tiết ly kỳ, rùng rợn của vụ án.

Dường như không còn ai là ngoài cuộc và không còn khía cạnh nào chưa được khai thác. Chúng ta có thể khoan bàn về cách khai thác tràn lan này của báo chí và những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến gia đình các nghi can, thì công chúng cũng đã bội thực và bắt đầu có những phản ứng tiêu cực đến cách khai thác này.

Cuộc đua này có hồi kết?

Bạn hãy tưởng tượng một người muốn đi mua sách. Người đó đi qua một con phố dài với hàng trăm hiệu sách. Trong mỗi hiệu sách đó chỉ bán những cuốn sách về một chủ đề duy nhất do nhiều nhà xuất bản khác nhau cùng in, chuyện gì sẽ xảy ra?

Đương nhiên người ta chỉ mua một vài cuốn hoặc nổi trội nhất hoặc người ta tình cờ tìm thấy. Người đọc báo chí cũng không khác gì. Số lượng người truy cập mạng, người xem truyền hình, người mua báo in có thể tăng song không quá nhiều. Vì thế những kết quả các báo nhận được chỉ tăng chút đỉnh, nhưng những gì báo chí mất đi thì rất lớn.

Xu hướng tìm kiếm liên quan đến từ khóa "vụ thảm sát ở Bình Phước" gia tăng đột biến ngày 11-7, sau đó giảm dần
Cụm từ khóa tìm kiếm "facebook nguyen hai duong" chỉ tăng mạnh trong ngày 11-7, sau đó giảm hẳn

Nếu cuộc đua này cứ mãi tiếp diễn thì các hậu quả của nó hẳn sẽ rất kinh khủng. Nói thẳng ra, khi báo mạng tăng được lượng truy cập, đồng nghĩa với việc tăng được số click vào quảng cáo (tăng lượng chuyển đổi từ số truy cập, báo in là chủ yếu tăng được lượng bán ra). Song chuyện này không bền vững, khi mọi việc kết thúc thì sự việc lại trở về như cũ. Như vậy càng thấy cái giá về uy tín và các giá trị tinh thần khác mà báo chí phải trả là không đáng.

Báo chí đánh mất khả năng phân tích

Xu hướng tìm kiếm những ngày qua chủ yếu liên quan đến vụ trọng án ở Bình Phước. Hầu hết các báo làm tin bài chạy theo để "đáp ứng" xu hướng tìm kiếm này

Có thể nhìn thấy ngay, một cách rất dễ dàng rằng tất cả các báo đều có chung một cách khai thác là lùng sục hiện trường từ công an, gia đình nạn nhân, facebook của thủ phạm, gia đình thủ phạm và những người xung quanh. Nhìn chung đây là cách khai thác thông tin mới và đưa tin theo bề nổi của sự kiện. Trong nghề, từ xưa người ta gọi đây là cách tường trình (report). Có lẽ chính vì thế người ta gọi những người theo sự kiện đó là phóng viên (reporter).

Trong khi đó việc nhìn được những vấn đề xung quanh sự kiện, bên trên sự kiện của nhà báo (journalist) đang bị bỏ qua. Đó là một điều đáng tiếc. Nếu điều này trước kia đáng tiếc một thì trong điều kiện mạng xã hội phát triển như hiện nay thành đáng tiếc mười. Bởi hiện tại, với sự trợ giúp của mạng xã hội, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh trong tay thì bất kể người dân nào cũng có thể trở thành “phóng viên”. Họ chụp ảnh quay phim vào đúng thời điểm có mặt tại hiện trường, nhưng oái ăm thay phóng viên lại không kịp có mặt ở đó.

Muốn hay không muốn, xưa nay phóng viên phải luôn có mặt ở hiện trường, nhưng điều đó giờ đã mất đi, hoặc chí ít cũng giảm đi rất nhiều. Vì thế nếu báo chí cứ khai thác bề nổi của sự việc, thì khác gì thời thế thay đổi nhưng báo chí không thay đổi. Thật giả trong các thông tin trên mạng xã hội thường lẫn lộn, đôi khi là hỗn loạn. Lẽ ra báo chí phải có độ "lùi" để phân tích, kiểm chứng và định hướng, thì nhiều báo chính thống lại chạy theo, khai thác thông tin từ mạng xã hội, tung lên báo, mà không hề kiểm chứng.

Để khai thác đằng sau, xung quanh, phía trên, phía dưới của vụ thảm sát ở Bình Phước, một vài facebooker chỉ bằng 1 status phân tích hợp lý đã có hàng trăm ngàn lượt đọc và hàng triệu lượt tương tác. Sự thành công đáng ngạc nhiên, bao gồm lượt truy cập và lượt tương tác, độ lan truyền của các bài viết gần đây, thậm chí trong cùng một vụ thảm sát ở Bình Phước cho thấy độc giả, khán giả của báo chí đang cần một cái gì đó rất khác với cách khai thác sự kiện trên bề mặt hiện nay. Và đương nhiên họ đang mong chờ được báo chí đáp ứng.

Tweet

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1