Lớn nhờ tổ ấm
Ra đời ngày 12-1-1964 tại bang Niu Mê-hi-cô, Giép bị bố bỏ rơi sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Bốn tuổi, người mẹ trẻ đi bước nữa với Mai-cơ Be-dốt vừa nhập cư từ Cuba, cậu mới có cha và mang họ Be-dốt. Cha mẹ vừa làm ở nhà băng vừa học thêm, lại nhanh chóng cho ra đời em gái và em trai, nên Giép luôn luôn được nhắc nhở "con lớn rồi, phải là chỗ dựa, là niềm hy vọng của cả nhà đấy". Ngoài giờ học, cậu hay đóng cửa phòng, mày mò đủ thứ: dán giấy thiếc vào chiếc ô làm pin mặt trời, cải tiến đồng hồ hỏng thành chuông gọi cổng... Nghỉ hè, về trang trại, cậu cùng người ông cải tiến cối xay gió và mấy thứ máy móc khác. Với kết quả học tập nhất trường, không thuốc lá bia rượu, cậu được vinh dự phát biểu cảm tưởng trong lễ giã biệt thời học trò. Hai tháng sau, Giép vào khoa Tin học và Thiết bị đo đạc điện tử của Đại học Prin-xơ-tơn, đến năm 1986 nhận tấm bằng tốt nghiệp hạng ưu.
Ra trường, Giép được nhiều hãng mời mọc, nhưng anh khước từ "Intel", "Bell Labs","Andersen Consulting", đầu quân vào "Fitel" vừa được hai giáo sư của Đại học Cô-lôm-bi-a sáng lập nhằm giúp người sử dụng nắm được mức chênh lệch giá của từng cổ phiếu ở những nước khác nhau để chơi chứng khoán. Làm được hai năm, thấy "Fitel" khó vươn ra quy mô toàn cầu, Giép sang làm cho "D.E.Shaw" (hãng tài chính mang tên vị giáo sư - tiến sĩ khoa học máy tính), và chỉ bốn năm đã thăng tiến tới chức Phó Chủ tịch thứ nhất của hãng, cưới được Mác-kin-xi, người đẹp đồng thời là nhà văn trẻ làm việc cùng nhiệm sở... Khi biết mạng in-tơ-nét đã phổ biến, chỉ trong một năm lượng người sử dụng đã tăng 2.300%, Giép tính đến việc sử dụng in-tơ-nét để chuyển hoạt động mua sách sang một hình thức nhanh nhất, dễ dàng nhất mà đem lại ích lợi tối đa. Ngày 2-5-1994, Giép bay đến Lốt Angiơ-lét dự thính hội nghị hằng năm của các thủ lĩnh phát hành sách châu Mỹ và ba hôm sau đệ đơn từ chức ở "D.E.Shaw".
Đưa vợ về gặp cha mẹ để... xin tiền làm vốn cho doanh nghiệp sắp mở, Giép nói thẳng: khả năng không thu hồi được vốn chiếm khoảng... 70%, nhưng người cha không chần chừ, ký xoẹt cho con 300.000 USD. Ít năm sau, bà mẹ mới giải thích: "Toàn bộ số tiền dưỡng già của vợ chồng tôi đã đặt cọc vào không phải in-tơ-nét, mà là Giép".
Tên doanh nghiệp cũng do cả gia đình đồng thuận: mượn tên dòng sông lừng danh nước tuôn bất tận ở châu Mỹ: Amazon!
Từ hiệu sách trực tuyến
Lập doanh nghiệp xong, chỉ có sẵn ga-ra ô-tô đủ kê ba bàn máy vi tính ghép từ... cánh cửa hỏng, để vợ phụ trách khâu kế toán và nhân sự, Giép vay tiếp và chiêu mộ nhà lập trình thiên tài Sen Ca-phan, đồng thời thuê thêm căn nhà nhỏ hai buồng làm văn phòng, làm việc trong không khí tuyệt mật. Đến lúc định hình trang Amazon.com, Giép nhờ 300 thân hữu dùng thử- họ đều khen và nồng nhiệt cổ xúy cho nó khai trương ngày 16-7-1995. Những khái niệm trước đó chưa từng có được Amazon đưa vào cuộc sống: hàng sẽ đến tận nhà sau một nhấp chuột, muốn nêu ý kiến hoặc đặt mua hàng, chỉ cần một nhấp chuột. Trong vòng 30 ngày đầu, Amazon đã cung ứng hàng hóa trên khắp lãnh thổ nước Mỹ và hơn 40 nước khác, đến tháng 9, mức doanh thu mỗi tuần đạt 20.000 USD.
Ban đầu, Giép dồn hết thu nhập vào đầu tư nhằm tăng nhanh thị phần, giữ tốc độ tăng trưởng không "nóng", mà chăm lo cho Amazon phát triển lâu bền với "phương châm sáu giá trị": trung thành với khách hàng, duy trì quyền sở hữu, chủ động tích cực trong hoạt động, đề cao tính tiết kiệm, tính đòi hỏi với công việc sắp triển khai và tính cách tân.
Khởi nghiệp như là một hiệu sách trực tuyến, nhưng Amazon nhanh chóng đa dạng hóa hoạt động và mở rộng quy mô: năm 1998- mua lại "Junglee Corp.", "PlanetAll" cùngIMDb - trang mạng phi thương mại với dự trữ khổng lồ về các show, games truyền hình, các ngôi sao và phim; năm 1999, chi 250 triệu USD mua lại "Alexa" để biến thành hệ tìm kiếm hùng hậu bậc nhất, mở trang đấu giá cạnh tranh với "eBay", khai trương chợ điện tử "zShop.com"; năm 2007, đầu tư vào "Blue Origin", một hãng chuyên trách công nghệ đưa khách du lịch lên vũ trụ; năm 2011 gia nhập thị trường máy tính bảng thế hệ mới, đến tháng 9-2012 đã cho ra mắt Kindle Fire HD cạnh tranh với iPad; gần đây, ngày 5-8-2013, chi 250 triệu USD thâu tóm gọn tập đoàn "The Washington Post Co." từ tay một gia đình đã từng bốn đời nắm giữ, bao gồm một tờ nhật báo và nhiều cơ quan khác...
Ngày nay, nhiều triệu người ở khắp 220 quốc gia công nhận Amazon là chợ điện tử bán lẻ hàng đầu, cung cấp từ thiếp điện tử miễn phí, sách báo, đĩa CD, đĩa DVD, phim ảnh, trò chơi, đồ chơi, đồ điện tử, đồ làm bếp, máy tính đến đấu giá trực tuyến và nhiều sản phẩm khác. Amazon còn lập trang web riêng tại nhiều nước: Ca-na-đa, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Mê-hi-cô, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển...
Qua hai mươi năm
Từ khi đóng chiếc đinh cuối cùng biến tấm cửa hỏng thành bàn làm việc, hai năm sau, Bedốt đã chào bán thành công cổ phiếu ra công chúng, giá trị cổ phần của Amazon còn lớn hơn tổng giá trị cổ phần của hai hãng kỳ phùng địch thủ là "Barnes and Noble", "Borders". Doanh số của Amazon hồi 1995 là 510.000 USD, thì năm 2011 đã đạt trên 17 tỷ USD.
Tài của Be-dốt ở chỗ: là người đầu tiên tiếp cận "thế giới phẳng" nhưng sớm có cái nhìn rành rẽ, làm cho trang Amazon.com có giao diện lịch thiệp và hấp dẫn, vừa ra mắt đã trở thành biểu tượng của thương mại điện tử. Vì lẽ đó, người sáng lập kiêm tổng giám đốc điều hành của Amazon được tạp chí Time chọn là nhân vật của năm 1999.
Đến tháng 3-2015, Giép Be-dốt đã sở hữu tài sản riêng trị giá 34,8 tỷ USD, đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới; còn về uy tín: người lãnh đạo một tập đoàn gồm hàng nghìn chuyên gia có hạng luôn luôn được xếp hàng đầu thế giới. 20 năm làm người tiên phong trong thương mại điện tử, vậy mà vị chiến lược gia vẫn mở hộp thư điện tử đều đều để nắm bắt ý kiến của khách hàng và doanh số hằng ngày của Amazon.

Đưa một hiệu sách trực tuyến thành tập đoàn toàn cầu và đưa cả du khách lên vũ trụ.