Sáng tạo vì sự phồn vinh nền văn nghệ dân tộc

06:40:00 27/05/2015
Ngày 28/5, tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam sẽ diễn ra hội thảo quốc gia “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới: thực trạng và triển vọng”. Hội thảo tập trung tìm hiểu thực tiễn sáng tạo văn học, lắng nghe những trăn trở nghề nghiệp và khát vọng đổi mới của đội ngũ nhà văn, phân tích thực trạng, chỉ ra những thành tựu và hạn chế của văn học dân tộc trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế… Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, chủ trì hội thảo.

- Thưa PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, hội thảo khoa học lần này của Viện Văn học diễn ra trong một thời điểm lịch sử có nhiều ý nghĩa của đất nước. Ông có thể chia sẻ đôi nét về bối cảnh sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới?

- Hơn bất cứ lĩnh vực nào khác của đời sống văn học, thực tiễn sáng tác là lĩnh vực sôi động nhất. Tại đó luôn mang chứa hơi thở nóng hổi của cuộc sống, những tri nhận mới mẻ về thế giới, về lịch sử và con người, nơi thai nghén và phát lộ những tư tưởng mỹ học mới, nơi thể hiện rõ nhất những nhạy cảm văn hóa của nhà văn…

So với văn học trước đây, thực tiễn sáng tác văn học thời kỳ đổi mới hiện diện và phát triển trong một không gian hoàn toàn khác. Không gian ấy mang hai đặc tính lớn của thời đại chúng ta đang sống là đổi mới và hội nhập. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, dù là sản phẩm tinh thần, nhưng văn học vẫn buộc phải chấp nhận quy luật thị trường, phải thích ứng thời cuộc để giành lấy thị phần trước sự bành trướng của kỹ thuật truyền thông hiện đại. Đây là những bài toán nan giải cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.

- Theo ông, để đánh giá thực trạng một thời kỳ văn học, đâu là những yếu tố, những tiêu chí được coi là quan trọng nhất?

- Khi xem xét thành tựu cũng như hạn chế của một nền văn học cần phân tích rất nhiều yếu tố, cả ngoại quan lẫn nội quan: từ những tác động của bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội đến thiết chế tư tưởng, chính trị ảnh hưởng đến văn học; từ nỗ lực của các thế hệ nhà văn đến sự đón nhận hay từ chối của người đọc; từ dịch thuật, giới thiệu sáng tác và lý luận, phê bình văn học nhân loại đến thực tiễn sáng tác trong nước, từ áp lực của truyền thống - lịch sử đến đòi hỏi của thời hiện tại; từ sự tương tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa trung tâm và ngoại vi, giữa dòng chính và dòng phụ…

Việc soi xét sự phát triển của văn học từ nhiều phía sẽ giúp cho người đọc không bị rơi vào chủ quan, phiến diện. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất để đánh giá một thời đại văn học vẫn là mật độ tài năng và chất lượng tác phẩm. Một nền văn học lớn là nền văn học của những tài năng lớn, của những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Muốn đánh giá chính xác sự thịnh suy của văn học, dứt khoát phải căn cứ vào thực tiễn, coi trọng quan điểm lịch sử và xuất phát từ tầm nhìn hiện đại. Kỵ nhất trong đánh giá là cảm tính, xuyên tạc tùy tiện. Một đánh giá thỏa đáng sẽ là một kích thích phát triển; một đánh giá thiếu công bằng sẽ cản trở và làm nghèo văn học.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp.

- Vậy thì với tư cách là một nhà phê bình văn học, ông đánh giá thế nào về thực trạng và triển vọng sáng tác văn học trong thời gian qua?

- Như tôi đã nói, để có cái nhìn toàn diện, thấu đáo về thực trạng của văn học ba mươi năm qua thì phải cần đến nhiều hội thảo khoa học thực sự nghiêm túc. Tôi nhận thấy, văn học thời kỳ đổi mới rõ ràng đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Những thành tựu ấy gắn liền với sự đổi mới tư duy và tinh thần đối thoại, về chiều sâu nhận thức và ý thức đổi mới diễn ngôn nghệ thuật, về sự đa dạng của các khuynh hướng và giọng điệu...

Dù khó tính đến đâu, vẫn phải thừa nhận giữa văn học thời kỳ đổi mới và văn học giai đoạn trước đó có sự khác biệt rõ nét với nhiều bứt phá theo hướng hiện đại, khả năng hội nhập quốc tế của văn học được tăng cường. Nhưng văn học thời kỳ đổi mới cũng còn nhiều hạn chế, trong đó, đáng lo ngại nhất là xu hướng thương mại hóa, đơn giản trong miêu tả hiện thực, thiếu những kết tinh nghệ thuật tầm cỡ, văn hóa tranh luận còn nhiều vấn đề…

- Ông đánh giá và có nhận định thế nào về những tên tuổi làm nên chặng đường đổi mới văn học vừa qua cũng như dòng chảy của văn học trẻ đương đại?

- Sự phát triển của văn học thời kỳ đổi mới là nỗ lực chung của tất cả các nhà văn, của những người tâm huyết vì nền văn học dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta phải ghi nhận trước hết những đóng góp nổi bật của các cây bút tài năng. Trong lĩnh vực văn xuôi, đó là Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Dương Hướng, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Ngọc Tư…

Trong lĩnh vực thơ ca, đó là Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái, Y Phương, Trần Quang Quý,… Chắc chắn danh sách mà tôi nêu ra vẫn còn thiếu nhiều người, nhưng trong phạm vi của một trao đổi ngắn gọn này, hẳn khó lòng “tổng kiểm kê” những tài năng nghệ thuật thời đổi mới. Còn về các nhà văn trẻ, so với thế hệ trước, họ có nhiều ưu thế hơn về nhiều phương diện như học vấn, trình độ cập nhật thông tin, khả năng tham dự giao lưu văn hóa toàn cầu, điều kiện xuất bản… Nhưng họ lại thiếu những thứ mà thế hệ trước từng có như sự trải nghiệm, sự say mê ăn đời ở kiếp với nghề…Tất nhiên, sự so sánh này chỉ là tương đối. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng, tất cả các thế hệ nhà văn, bằng những nỗ lực khác nhau, nhưng cuối cùng đều gặp nhau ở một điểm: sáng tạo vì sự phồn vinh nền văn nghệ dân tộc. Vì lẽ thế, tôi luôn tin vào các nhà văn trẻ.

- Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp!

Trần Hoàng (thực hiện)

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1