Hà Nội ngày đầu năm mới…
08:28:00 21/02/2015
KTĐT - Sáng mùng Một Tết, Hà Nội vắng. Tất nhiên rồi. Điều này thì ai cũng biết. Vì ai lúc đó cũng ở trong ngôi nhà của mình. Có thể đó là ngôi nhà ở quê hương bản quán, xa ngút ngát, để về được đó phải ngồi trên máy bay, hay chí ít cũng ngồi trên xe ô tô khách. Mà ai không có, không về quê thăm cha thăm mẹ, thì cũng ở trong ngôi nhà của mình, có thể giữa trung tâm thành phố, trên tầng cao chung cư nào đó, hay ẩn núp dưới những xóm nhỏ ngoại thành. Hà Nội vắng, là vì thế.
Hà Nội là đất nghìn năm văn hiến, nhưng Hà Nội cũng là chốn quần cư, là nơi tụ lại của người từ muôn phương. Bởi vậy suốt năm đông đúc, người và xe nối đuôi tấp nập mang đủ thứ văn hóa văn minh, và cả những điều còn chưa thật sự tốt đẹp gieo lên mảnh đất này. Chỉ có mấy ngày Tết là Hà Nội vắng, Hà Nội được là chính mình. Bạn tôi, một nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ gốc Sài Gòn nhưng sớm khẳng định được tên tuổi từng mấy năm liền quyết ở lại Hà Nội hết ngày mùng Một Tết mới chịu về quê. Gã có một “âm mưu” chụp Hà Nội ban ngày với những góc phố không một bóng người. Dự án nghệ thuật này của gã không có ai tài trợ, cũng chẳng có ai đặt hàng, chỉ bằng một niềm đam mê rất cá nhân, và gã rắp tâm thực hiện cho bằng được. Mà những góc phố không người, những con phố cổ nhìn từ trên cao như thể dài hun hút vắng lặng, chỉ có thể chụp được vào sáng sớm mùng Một Tết. Dịp hiếm hoi, cả năm mới có một lần. Vì thế, đã hai năm qua, gã bám trụ ở Hà Nội. Hôm rồi gặp nhau, bên ly cà phê nhìn ra Nhà thờ lớn, gã lại cười bảo, năm nay nữa may ra mới hoàn thành.
Ba năm trời có mặt ở Hà Nội sáng mùng Một Tết, với một người không phải dân gốc Hà Nội, đó là một sự cố gắng, và chỉ có thể lý giải được đó là bởi tình yêu Hà Nội. Tôi cảm thấy tự hào về gã. Chưa biết dự án ấy khi hoàn thành có được mọi người chấp nhận, chia sẻ hay giản đơn hơn là bấm nút “like” (thích), nhưng khi có cơ hội nhòm vào laptop của gã, xem một phần những bức ảnh về Hà Nội sáng mùng Một Tết, tôi thật sự ngỡ ngàng. Ở đó Hà Nội vắng nhưng không buồn. Hà Nội bình yên đầy quyến rũ.
Tôi đã từng có những sáng mùng Một Tết dạo bước trên phố cổ. Cũng cảm nhận được vẻ đẹp đến nao lòng của Hà Nội dưới mưa bụi li ti. Những khuôn cửa cũ kỹ trên phố cổ hiện ra, chỉ có thể nhìn thấy rất rõ màu thời gian khi cả dãy phố im ỉm đóng. Các chủ cửa hàng quanh năm thức khuya dậy sớm, bám lấy những cửa hiệu mà kinh doanh khiến cho phố cổ Hà Nội luôn tất bật, đông đúc. Nhưng sự vắng lặng lại có giá trị riêng, nó mang đến cho người dân ở mảnh đất này một cảm xúc thật đặc biệt. Khi đó, dường như Hà Nội thật sự là của họ. Mọi sự cảnh giác, dè chừng đã không còn nữa. Đi bộ từ phố nọ sang phố kia, ai nấy tay bắt mặt mừng. Những đứa trẻ trên phố cổ cũng xúng xính theo ông theo bà đi chúc Tết. Và những chậu quất, cành đào; những giò thủy tiên được đặt trong phòng khách. Những gia đình sống ở phố cổ có xe ô tô riêng, mọi khi phải gửi ở xa, ngày Tết “mạnh dạn” cho xe về đỗ trước cửa…
Quán cà phê, quán phở, quán bún riêu có lẽ chỉ nghỉ duy nhất sáng mùng Một Tết. Bởi sớm mùng 2 thôi đã lác đác thấy mấy quán hàng tranh thủ phục vụ thực khách.
Từ phố cổ xuôi xuống một đoạn là Hồ Gươm. Mới đêm qua thôi, đêm ba mươi Tết, không gian này dường như đã trở nên quá chật chội bởi lượng người đổ về đây rất đông. Tiếng ồn ào náo nhiệt, giọng nói tiếng cười từ muôn phương đều xuất hiện. Nó là niềm vui của người này, nhưng cũng là nỗi bận tâm của người quá xót xa cho văn hóa, văn hiến. Nhưng cuộc sống là vậy, ở đâu cũng vậy. Và ở nơi kinh kỳ phồn hoa nghìn năm văn hiến cũng không thể đứng ngoài dòng chảy của hội nhập toàn cầu này. Vậy mà, chỉ chừng 6 tiếng sau khoảnh khắc giao thừa, Hồ Gươm hiện ra lung linh mờ ảo trong màn mưa xuân như rắc phấn. Những cây đào mới được trồng ở góc đường Đinh Tiên Hoàng cũng trở nên tươi thắm hơn, những hàng cây cũng thêm thướt tha duyên dáng. Nhìn chếch một chút sang bên kia đường là phố Đinh Lễ - phố sách nổi tiếng của Hà Nội. Có một điều ít người để ý, đó là thói quen mua sách đầu năm.
Cụ thể hơn, đêm ba mươi Tết, sau màn đón giao thừa có nhiều người thay vì thói quen đi hái lộc đã ghé vào hiệu sách. Quanh năm buôn bán, nhưng ông chủ hiệu sách ở số 3 Đinh Lễ nói với tôi rằng, không ngày nào cảm thấy ấn tượng, ấm áp, vui như bán sách đêm ba mươi. Đó là cái đêm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, vì thế nó có điều gì rất kỳ lạ. Sự xôn xao trong lòng người bán cũng có, nhưng chủ yếu là xự xôn xao do những người khách mang đến. Đêm ba mươi, chọn cho mình, cho người yêu, cho con cái một vài cuốn sách, đó dường như đang là một thói quen của nhiều gia đình. Vì thế, những cuốn sách đẹp, sách hay, giàu giá trị được nhiều ông bố bà mẹ chọn lựa. Lúc này, giá cả không còn là điều quan trọng. Quan trọng là chọn được sách hay, mà có khi trong năm vì công việc bận bịu họ chưa có thời gian đi chọn sách. Và trong giờ phút thiêng liêng ấy, cuốn sách như một món quà lì xì đầu năm mới cho người thân.
Ông chủ cửa hàng sách bảo, cũng chẳng có đêm nào trong 364 đêm bán hàng khuya thế. Phố sách Đinh Lễ chỉ đóng cửa khi những người khách cuối cùng ra về, khi đó thường là 2-3 giờ sáng của ngày mùng Một.
Còn một thói quen như là bất biến của người Hà Nội, nhất là các bà, các mẹ, các chị. Đó là đi lễ chùa. Những ngôi chùa trong lòng phố, nhà ai ở gần chùa nào thì thường đến lễ vào đêm 30 hoặc sáng mùng Một. Nhưng chùa Quán Sứ sáng mùng Một Tết vẫn đông người đến lễ nhất. Ở những nơi nổi tiếng khác như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, Tổ đình Phúc Khánh cũng ngan ngát khói hương. Lúc này, Hà Nội vẫn là của người Hà Nội, thành ra cái sự đua chen xô bồ chưa ồn ào bát nháo như mấy ngày về sau. Sáng mùng Một Tết, người người mặc quần áo đẹp, dắt con cháu đi lễ chùa đầu năm cầu mong bình an may mắn. Đó chẳng những là một sinh hoạt văn hóa tâm linh mà còn để lòng người thanh thản trong khói nhang nhẹ nhõm trong ngày đầu tiên của năm mới. Đó còn là hình thức giáo dục con cháu hướng thiện, hướng Phật với tâm tính an lành.
Sau 12 giờ trưa, phố phường Hà Nội bắt đầu lác đác bóng người. Kể từ đây, sự vắng lặng đang dần biến mất. Và Hà Nội trở lại vòng quay của 364 ngày sinh kế…
|
hà nội, sài gòn, bóng người, máy tính xách tay, thói quen, khu phố cổ, hiệu sách, đi lễ, bún riêu, văn hóa đọc, nghìn năm văn hiến, hồ gươm, năm mới, mùng một tết, Đinh lễ, mùng một
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
|
- Robot sẽ thay con người viết sách?
Sáng tác sẽ sớm không còn là lĩnh vực riêng của con người. Trong tương lai, robot có thể thực hiện tốt công việc này, nhất là khi khả năng tưởng tượng của chúng là vô hạn.
- Trung Quốc "săn" CEO từ thung lũng Silicon
Các công ty ở Silicon Valley có lẽ sẽ phải có những quyết sách hay ho để giữ được CEO của mình trước cám dỗ từ Trung Quốc.
- Những cuốn truyện gia đình đi cùng năm tháng
"Không gia đình", "Hoàng tử bé", "Tâm hồn cao thượng"... là những cuốn sách về chủ đề gia đình nổi tiếng thế giới.
- 'Lưới điện tử thần' của Jeffery Deaver đến Việt Nam
Lưới điện tử thần là cuốn thứ 9 trong sê-ri tiểu thuyết trinh thám ly kỳ của Jeffery Deaver, khắc họa nhân vật Lincoln Rhyme – nhà hình sự học bị liệt tứ chi, trước đó là sĩ quan Sở Cảnh sát New York.
- Sách hay nên đọc: Trên đường băng
Tony buổi sáng mang đến cho độc giả những bài viết hài ước, tinh tế, sinh động và đầy thiết thực.
- 'Đừng bao giờ xa em', ái tình át vía đạn bom
Tiểu thuyết Đừng bao giờ xa em (NXB Thời đại, 8/2015) của Margaret Pemberton không lụy tình hoặc tràn ngập những cảnh nóng.
- Thiếu Lâm tự và sự thật bí kíp tuyệt học Dịch cân kinh
Trong các tiểu thuyết võ hiệp, Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh là những bí kíp mà cả võ lâm đều sẵn sàng đổ máu, tốn mưu tranh đoạt. Nếu như Dịch cân kinh được mô tả có thể giúp hoán chuyển kinh mạch, phát dương nội công, thì Tẩy…
- Tác giả 'Totem Sói' đoạt giải của Mông Cổ: Xóa tan quan điểm tiểu thuyết là sự 'lừa gạt văn hóa'
Nhà văn Trung Quốc Khương Nhung, tác giả tiểu thuyết ăn khách Totem Sói (Wolf Totem), đã được trao giải Bichgiin Mergen của Hiệp hội các nhà văn Mông Cổ Thế giới, ở thủ đô Ulan Bator.
- Hậu vận nặng nề của một “thiên tài lười”
SKĐS - Nhà văn cổ điển Pháp Guy de Maupassant (1850-1893) được coi là một trong những tác giả lãng mạn nhất trong lịch sử văn học thế giới.
- Sao Việt bị soi mói chuyện tình: Khổ vì truyền thông ưu ái
Tuần qua, câu chuyện tình yêu của hoa hậu Đặng Thu Thảo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội khiến công chúng ngỡ như đọc tiểu thuyết ngôn tình. Được dư luận quan tâm là điều may mắn của sao, nhưng đến…
|
Hôm nay: |
1 |
Tháng : |
1 |
Năm : |
1 |
|