Những cái nhìn mới và tranh luận khoa học tiến bộ

11:02:00 08/02/2015
Sáng 7/2, Hà Nội chìm trong cái rét ngọt, nhưng khu nhà Bảo tàng văn học Việt Nam ở Tây Hồ (Hà Nội) vẫn đông đủ các gương mặt của nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam tụ về, cùng gặp gỡ, hàn huyên khi những ngày Tết Nguyên đán sắp gõ cửa từng nhà, như truyền thống nhiều năm nay. Đây cũng là dịp để những người cầm bút nhìn lại một chặng đường văn học nước nhà, qua những tác phẩm nổi bật được chọn lựa trong lễ trao Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm nay, ngoài các nhà văn, nhà thơ Việt Nam tiêu biểu, còn có nhà thơ Bruce Weight, Trung tâm William Joiner đến dự buổi gặp mặt thân mật này.

Đánh giá về Giải thưởng văn học Hội Nhà văn năm 2014, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết: Những tác phẩm được trao Giải thưởng đã làm nên chân dung đời sống văn học năm 2014. Chân dung này chứa đựng ba điều quan trọng: Đề tài văn học viết về những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong quá khứ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước hiện nay luôn là một đề tài lớn, được nhiều thế hệ nhà văn quan tâm và dành nhiều tâm huyết sáng tạo.

Đề tài này đã và đang được khai thác và tiếp tục được khai thác trong tương lai bởi các nhà văn của các thế hệ sau này, nhằm tiếp tục khám phá những ý nghĩa mới, những tầm vóc mới và những bài học mới từ lịch sử. Việc đổi mới thi pháp trong văn xuôi và thơ chuyển động không ngừng và mạnh mẽ. Đổi mới trong các nhà văn, nhà thơ ở các thế hệ trước và đặc biệt trong các nhà văn, nhà thơ của thế hệ trẻ. Và chỉ có đổi mới thì văn học mới làm ra được những vẻ đẹp mới, những giá trị mới. Và trong tận cùng bản chất của nghệ thuật, chỉ có đổi mới mới tạo ra được tính kế thừa, còn không, nó chỉ là sự sao chép.

Đó là những yếu tố sống còn cho sự phát triển của một nền văn học. Nhìn vào những tác phẩm vào chung khảo, chúng ta thấy rõ rằng, lý luận phê bình đang mang lại những cách nhìn mới và tư duy mới cho dù còn nhiều tranh luận. Chỉ như thế, các tác phẩm văn học, các khuynh hướng văn học, các giai đoạn văn học mới được nhìn nhận chính xác và mang lại chìa khóa cho bạn đọc để tiếp cận những giá trị mới.

Giáo sư Phong Lê đã dựng lên chân dung một thế hệ nhà văn, mà ông gọi là “thế hệ vàng” của văn học Việt Nam, trong “Trăm năm trong cõi”. Cuốn sách vừa cho chúng ta hiểu được đời sống nội tâm của các nhà văn đó, vừa cho chúng ta thấy sự dấn thân và những đóng góp to lớn của các nhà văn ở thế hệ này cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Tác giả không chỉ dựng lên nhân cách của một thế hệ nhà văn mà còn góp phần làm rõ triết lý và mỹ học của thế hệ nhà văn đó.

Nhà văn Vũ Tú Nam và nhà thơ Hữu Thỉnh trao giải thưởng tặng các tác giả đoạt giải.

Với “Thơ Việt Nam-tiến trình và đổi mới”, TS. Nguyễn Đăng Điệp đã vẽ một tấm bản đồ thơ ca Việt Nam hiện đại trong tiến trình đổi mới của nó và cho thấy rõ: Vấn đề đổi mới thơ ca chính là con đường mà mỗi nhà thơ phải đi để khám phá những vẻ đẹp mới của ngôn ngữ Việt, vẻ đẹp Việt, của thi pháp và khám phá chính con người nhà thơ. Sự đổi mới không chỉ xuất hiện ở một thế hệ nhà thơ nào cụ thể, mà là một tiến trình không bao giờ đứt quãng, mang tính kế thừa và nguyên lý. Mỗi thời đại sẽ lựa chọn giọng nói của mình và giọng nói ấy chính là một trong số những hiện tượng mà tác giả đưa ra trong cuốn sách.

“Những tác phẩm được giải thưởng là những tác phẩm với những giá trị của chính nó ở những mức độ nhất định, đã làm nên đời sống văn học Việt Nam 2014 với những cái nhìn mới cùng với những tranh luận khoa học tiến bộ và ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển văn học của nước nhà” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Thanh Hằng

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1