Đây là hoạt động chào mừng 60 năm ngày giải phóng thủ đô và kỉ niệm 15 năm Hà Nội được Unesco công nhận là “Thành phố vì hòa bình”. Ngoài hàng vạn bản sách trưng bày trong hơn 100 gian hàng của 45 nhà xuất bản, công ty sách trên cả nước, hội sách năm nay có nhiều tọa đàm, giao lưu, chuyên đề đáng chú ý.
Người trẻ để tâm đến văn hóa và lịch sử?
Tọa đàm “Trao đổi xung quanh bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” do giáo sư Phan Huy Lê chủ biên là một trong những hoạt động mở màn ngày thứ 2 của hội sách. Như chính người trong cuộc khẳng định, đây là bộ sách đồ sộ và không thuộc loại phổ cập. Thế nhưng, các hàng ghế của phòng hội thảo được người trẻ phủ kín. Có vẻ như nhận định giới trẻ không mặn mà với văn hóa, lịch sử dân tộc trở nên lạc điệu ở đây.
Một diễn giả tham gia tọa đàm thốt lên: “Tôi nghĩ giờ chỉ có người lớn tuổi mới yêu lịch sử, mới quan tâm đến buổi tọa đàm. Nhưng ở đây đa số là các bạn trẻ, tôi rất bất ngờ. Điều này có ý nghĩa cổ vũ giáo sư Phan Huy Lê và những người tham gia biên soạn. Cuốn sách sẽ được xuất bản, tái bản nhiều lần”.
Nhưng sự thực lại khác. Bên dưới, có hai bạn trẻ đi đến từng hàng ghế để điểm danh. Cô bé ngồi cạnh ghé tai tôi: “Chị ơi, chị là khách tự do đến xem phải không ạ? Chị điểm danh giúp một bạn lớp em với ạ”. Trước buổi tọa đàm, tôi hỏi một số bạn trẻ về tên cuốn sách nhưng họ không nhớ hoặc không biết. Có bạn khá hơn, không nói đúng tên sách nhưng biết là sách của giáo sư Phan Huy Lê.
Cũng trong ngày hoạt động thứ hai, nhiều chương trình khác về văn hóa - lịch sử được tổ chức như: Gặp gỡ nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn với các tác phẩm về Hà Nội, giao lưu với nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc về cuốn sách “Đồng hành cùng thế kỉ văn hóa lịch sử Việt Nam”,...Các chương trình này chủ yếu người đứng tuổi, bạn bè của văn nhân, phóng viên báo chí đến dự, không nhiều người trẻ tham gia. Những người trẻ đến dự ở đây, có lẽ mới là tự nguyện, bởi ở đây không điểm danh.
Sách giải trí lên ngôi
Biểu tượng Khuê Văn Các xếp bằng sách tại chính giữa trục hoàng đạo sân Hoàng Thành Thăng Long được coi là điểm nhấn của hội sách năm nay. Xung quanh biểu tượng này là các không gian trưng bày theo 7 chuyên đề: “Thăng Long xưa - Hà Nội nay”, “Hành trình của sách”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng”, “Hà Nội với biển đảo quê hương”, “Sách hay - Sách đẹp”.
Các không gian trên đều ở vị trí đắc địa, diện tích rộng hơn, bày trí hoành tráng hơn nhưng lại không hút khán giả như các vị trí khác.
Buổi sáng, bảy không gian chuyên đề lác đác các cụ già và một số người trẻ đến xem. Đầu buổi chiều, quay lại, nhiều không gian chỉ có nhân viên ngồi nói chuyện với nhau. Không gian chuyên đề “Sách hay - Sách đẹp” trưng bày những cuốn sách hay và đẹp (không rõ theo tiêu chí nào) thuộc tất cả các lĩnh vực. Việc trưng bày có thể liên tưởng đến món chè thập cẩm.
Cùng một hàng sách, độc giả gặp cả sách khoa học về cây lúa, sách mĩ thuật bên cạnh và sách quân sự kế bên. Nguyễn Phương Oanh (K56 Việt Nam học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) nói: “Các sách xếp rất lộn xộn, không theo chủ đề, lĩnh vực nào. Tôi muốn tìm sách về mảng văn hóa nhưng không biết phải tìm ở kệ nào”.
Đìu hiu những không gian chuyên đề
Gian hàng của các nhà xuất bản Y học, Dân trí, Thông tấn, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, nhân viên cho biết chủ yếu là người già, cán bộ công chức và sinh viên học ngành liên quan đến mua. Những gian hàng này không ồn ã như các gian hàng tư nhân.
Lượng người, sức mua tập trung chủ yếu ở khu vực sách tư nhân. Khu vực này mạnh tay giảm giá với hàng loạt sách đồng giá từ 5.000 đến 30.000 đồng. Các chiêu thức thu hút khách cũng được áp dụng: giao lưu giữa tác giả và độc giả, kí tặng, tặng quà khi mua nhiều. Không thể phủ nhận, sách của các công ty, nhà sách tư nhân vô cùng phong phú về thể loại, lĩnh vực. Nội dung các sách cũng nhạy bén với thị hiếu độc giả.
Chị Đỗ Kim Lạc, nhân viên bán sách của Thái Hà books cho hay sách dạy làm giàu, nuôi dạy con được nhiều người lớn hỏi mua. Trong khi đó, anh Nguyễn Anh Đức (phụ trách gian hàng của Fahasa) chia sẻ: “Sách bán chạy gồm có ngôn tình Trung Quốc, trinh thám phương Tây. Văn học Việt Nam thì tác phẩm của Gào, Hân Như, Minh Mẫn, Nguyễn Ngọc Thạch được mua nhiều nhất”.
Nhân viên công ty sách Bách Việt cũng khẳng định những cái tên Trung Quốc như Tào Đình, Cố Mạn, Tân Di Ổ luôn đảm bảo lượng phát hành. Ngoài ra, theo nhân viên này dòng sách “trộm mộ” của Trung Quốc với các đại diện như “Đạo mộ bút kí”, “Long lâu yêu quật” đang rất hot. Đông A và Sách Việt cũng có câu trả lời tương tự khi được hỏi về các loại sách thu hút người đọc.
Hội chợ sách năm nay có sự xuất hiện của một gian hàng sách điện tử (đọc trực tuyến trên mạng). Đây là sản phẩm của công ty cổ phần truyền thông Quả chanh. Nói về các loại sách được “điện tử hóa”, anh Nguyễn Văn Dũng, trưởng phòng kinh doanh cho biết sản phẩm đọc trực tuyến của Quả chanh có 40% là sách ngôn tình Trung Quốc. 60% còn lại phân bổ cho các thể loại khác.
Sách giải trí áp đảo là thực trạng thường thấy tại các hội sách Việt Nam. Trong bối cảnh quá nhiều món ăn tinh thần, tâm lí chung của độc giả là sẽ chọn những món sẵn nhất, dễ tiêu hóa nhất.
Việc lên ngôi của sách giải trí không là dấu hiệu đáng mừng của văn hóa đọc, nó chỉ phơi bày một hội chợ sách thiếu chiều sâu với những người đọc chưa đủ sâu sắc. Và cụm từ “văn hóa đọc” dễ trở thành một sáo ngữ.
Tọa đàm sách kết thúc, những sinh viên tham gia tọa đàm chưa về ngay mà ở lại kí nhận tiền từ ban cán sự lớp. Mỗi sinh viên được nhận 50.000 đồng. Theo một nguồn tin, việc “được tiền” sau hội thảo được thông báo từ trước hôm sự kiện diễn ra. Một em lớp trưởng nói với PV, số tiền này là của ban tổ chức chương trình đưa cho em để em phát lại cho các bạn trong lớp.