Thả nổi xuất bản, kỳ vọng gì ở văn hóa đọc?

17:13:00 27/09/2014

Tối 26-9, Lễ khai mạc Hội sách Hà Nội 2014 mới chính thức diễn ra, nhưng từ sáng sớm khu vực trưng bày Hội sách tại Hoàng thành Thăng Long đã tấp nập người đến tham quan. Mừng vì phần "hội” của hoạt động nhằm nâng cao văn hóa đọc đã thành công ngay từ lúc đầu. Nhưng từ ý nghĩa nhân văn của những hội sách như thế này, lại không khỏi băn khoăn nghĩ về sách - mặt hàng xuất bản đang bị thả nổi.

Hội sách Hà Nội 2014 thu hút đông đảo bạn đọc

Quá sợ sách liên kết

Sau những ồn ào trên báo chí gần đây về một số sách sai phạm của NXB Thời Đại, đặc biệt là cuốn sách Văn hóa tộc người Việt Nam, chiều 25-9, Cục Xuất bản (Bộ Thông tin & Truyền thông) đã có cuộc họp khẩn với NXB Thời đại để yêu cầu đơn vị này báo cáo đầy đủ sự việc. Trong cuộc họp, ông Vũ Văn Hợp - Giám đốc NXB Thời đại đã chính thức thừa nhận đơn vị này mắc phải những sai sót đáng tiếc, khi đã quá tin vào bên liên kết là Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – một tạp chí chuyên ngành về văn hóa có uy tín. Đội ngũ biên tập đã không chấp hành nghiêm quy trình biên tập, dẫn đến việc cắt bỏ đi một số bài viết, sửa chữa khi chưa được sự đồng ý của tác giả. Điều đáng nói, không chỉ cuốn Văn hóa tộc người Việt Nam phải chịu sự tắc trách này, mà cuốn Văn hóa Việt Nam của cố GS Trần Quốc Vượng cũng chịu chung số phận khi phát hiện ra rất nhiều sai sót. Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản khẳng định, việc NXB Thời đại không nộp lưu chiểu cả hai ấn phẩm này là vi phạm Luật Xuất bản; việc ra quyết định phát hành cũng là trái luật. Việc không có giấy chứng nhận bản quyền khi xuất bản đã thể hiện sự buông lỏng quản lý của ban lãnh đạo.

Điều đáng tiếc là từ năm 2012 đến nay, NXB Thời đại đã có 25 cuốn sách vi phạm các quy định về xuất bản. Gần nhất, trước khi những cuốn sách nói trên bị phát hiện vi phạm, thì hai cuốn khác là Búp sen xanh (Sơn Tùng) và Đại việt sử ký toàn thư…cũng là những cuốn bị NXB này "chôm” bản quyền. Và tất cả những cuốn sách vi phạm ấy, đều là sách liên kết, trong đó có liên kết với những nhà sách tư nhân. Được thành lập và hoạt động đã 5 năm, đây là NXB thuộc Hội Xuất bản Việt Nam. Dư luận cũng đặt câu hỏi: Vậy hoạt động của các NXB hiện nay được kiểm duyệt ra sao? Bởi khi bị "sờ gáy”, không riêng gì NXB Thời đại, đa phần những cuốn sách vi phạm đều thuộc diện liên kết giữa một NXB với cơ sở sách tư nhân. Kịch bản bao giờ cũng giống nhau: nhà xuất bản luôn là nạn nhân của liên kết sách. Mà xử lý các nhà sách tư nhân lâu nay chỉ dừng ở xử phạt hành chính.



Bộ sách Mười vạn câu hỏi vì sao (NXB Giao thông- Vận tải)

Hệ lụy khôn lường

Một sự tình cờ, trong khi thực hiện bài viết này, chúng tôi tìm thấy bộ sách Mười vạn câu hỏi vì sao của NXB Giao thông- Vận tải (xuất bản năm 2005- tác giả Thanh Huệ) gồm 4 cuốn theo các chủ đề: Giao thông - Thực vật; Thế giới loài cá- Thế giới loài chim; Thám hiểm cổ kim; Cơ thể con người- Tìm hiểu về vũ khí.

Chưa có cơ sở để khẳng định đây là sách "xịn”hay sách vi phạm. Chỉ biết rằng đây là sách dịch và tổng hợp tư liệu từ nhiều nguồn. Điều đáng nói là ở trang 175 (trong cuốn Thế giới loài cá- Thế giới loài chim) có đoạn: "Quê hương của loài vịt chân đỏ là những hòn đảo ngoài đại dương của những miền nhiệt đới, tại hòn đảo Tây Sa của Trung Quốc cũng có sự xuất hiện của chúng”. Như vậy là đã rõ, trình độ của biên tập viên thực sự có vấn đề nên mới để nguyên bản dịch "Tây Sa của Trung Quốc” để in vào sách dành cho bạn đọc Việt Nam, trong khi đó chính là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Một cuốn sách phát hành từ năm 2005 đến nay, nhưng hình như lỗi sai nghiêm trọng này vẫn chưa bị phát hiện?

Đọc có ý thức không dễ

Trao đổi với nhà văn Trần Thị Trường về thực trạng vi phạm bản quyền sách hiện nay, nữ nhà văn này trầm ngâm: chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ ràng tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Luật được ban hành không phải để cho vui, mà phải được thực thi trong đời sống xã hội. Tiếc rằng còn không ít NXB chưa hiểu Luật, cũng như chưa quen với tư duy làm sách có bản quyền.

Theo bà Trường, các cơ quan chức năng không phải là không biết có sách lậu, sách vi phạm tràn lan trên thị trường hiện nay, nhưng quả là nạn vi phạm bản quyền diễn ra ở diện rộng. Giống như con thuồng luồng, chặt đầu này lại mọc ra nhiều đầu khác.

Trong khi các cơ quan chức năng chưa nỗ lực, và cũng chưa đủ lực để thanh toán nạn sách lậu, thêm vào đó lại là cả một xã hội chưa đồng lòng, coi việc nghiêm chỉnh thực thi pháp luật, cụ thể là Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ thì người đọc sẽ ra sao? Có lẽ bạn đọc sẽ phải tự biết cách trở thành người đọc sách thông minh, biết phân định sách lậu và sách "xịn”.

Trước những sai phạm liên tiếp và có tính hệ thống của NXB Thời đại, Cục Xuất bản cho biết sẽ thành lập đoàn thanh tra toàn diện hoạt động xuất bản của NXB Thời đại ngay trong những ngày tới. Mong rằng, Cục sẽ mở một đợt thanh tra trên diện rộng với toàn bộ các nhà xuất bản, chứ không chỉ bó hẹp ở một đơn vị nào.

Hương Lê
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1