Một thời đại mới của văn học Việt Nam
Chỉ lựa chọn lĩnh vực sáng tác để tổ chức hội thảo là lựa chọn đúng đắn của Viện Văn học. Nếu nhìn toàn diện, trong gần 30 năm qua, lĩnh vực nghiên cứu văn học và dịch thuật văn học cũng có những đổi thay và phát triển mang tính bước ngoặt. Nếu gộp chung tất cả lĩnh vực, chắc chắn quy mô một hội thảo không thể bao trùm hết tất cả. Chọn lĩnh vực sáng tác để tổ chức hội thảo, PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, lý giải: “Sáng tác là lĩnh vực năng động nhất, dấu ấn đổi mới hiện lên rõ nét nhất. Tại đó, bạn đọc nghe thấy hơi thở nóng hổi của cuộc sống, những nhận thức mới mẻ của nhà văn về thế giới, về lịch sử và con người, nơi thai nghén, phát lộ những tư tưởng mỹ học mới, nơi thể hiện rõ nhất sự nhạy cảm văn hóa của nhà văn”.
Gần 30 năm trước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra đường lối nhằm đổi mới toàn diện đất nước. Sau đó, nhiều lĩnh vực của xã hội, trong đó có văn học cũng đã nhanh chóng tiếp bước. Đáng chú ý, việc đổi mới văn học đã được cổ vũ từ cuộc gặp gỡ lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với gần 100 đại biểu văn nghệ sĩ vào năm 1987 và sau đó là Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khóa VI về văn hóa-văn nghệ. Quả nhiên, liền sau đó, văn học cũng như nhiều lĩnh vực văn hóa-văn nghệ khác đã bội thu về số lượng và đạt giá trị cao về chất lượng. Những thành tựu đáng khích lệ ấy đã mở đầu cho một dòng chảy mới của sáng tạo văn học, theo một quỹ đạo mới, không lệch chuẩn. Cho nên, nhìn lại lịch sử, một lần nữa, những nhà văn, những nhà nghiên cứu văn học đều thừa nhận chính công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo là nguyên nhân quan trọng nhất thúc đẩy văn học Việt Nam thực sự đổi mới. Và như vậy, việc xác định năm 1986 là cái mốc của một thời đại văn học mới là điều hợp lý trong phân kỳ lịch sử văn học; cho dù, những dấu hiệu đổi mới trong văn học đã có từ trước đó, trong các sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Mạnh Tuấn, Thái Bá Lợi...
Đổi mới văn học đã diễn ra toàn diện, khiến lịch sử văn học Việt Nam phải được viết thêm một chương mới. Đầu tiên, xét về đề tài, văn học trước đổi mới tập trung nói về chiến tranh và nhân vật người lính hoặc các công việc, nhiệm vụ thời chiến với nhân vật là nông dân, công nhân, cán bộ...; thì văn học đổi mới chủ yếu nói về các vấn đề đời tư thế sự với nhân vật là những con người đủ mọi thành phần đang sống bình dị trong xã hội hòa bình. Người đọc cũng dễ dàng nhận ra những thay đổi trong cách diễn đạt, như trong văn xuôi, các nhà văn không còn kể câu chuyện theo lối tuyến tính nữa, đã xuất hiện những yếu tố kỳ ảo, phi thực; kết cấu văn bản phức tạp hơn khi trộn lẫn không gian-thời gian, nhiều giọng kể... Sự thay đổi trong cách dùng từ ngữ diễn ra mạnh, linh hoạt, đặc biệt trong thơ. Có những bài thơ không còn vần điệu, dài như một câu văn xuôi; nhiều yếu tố siêu thực, dụng công ghép chữ, tạo từ mới đã làm thay đổi khá nhiều cách thưởng thức thơ của độc giả...
|
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, giới thiệu với các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ III tháng 3-2015 những hiện vật của các nhà văn Việt Nam. |
Ngoài ra, sự xuất hiện một đội ngũ nhà văn, nhà thơ bước ra văn đàn từ công cuộc đổi mới văn học như: Bảo Ninh, Hòa Vang, Nguyễn Thị Ấm, Nguyễn Dậu, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Quang Thiều..., chính là những gương mặt chủ chốt của văn học thời kỳ đổi mới. Cùng với đó là một lớp độc giả trưởng thành sau chiến tranh đã hình thành lớp công chúng thưởng thức văn học mới, với những suy nghĩ, cảm thụ văn chương rất khác.
Đến bây giờ, sau gần 30 năm đổi mới văn học, nếu dựa theo hai yếu tố mà GS Hà Minh Đức đưa ra để kiểm nghiệm giá trị các tác phẩm thời đổi mới là: Thời gian và sự yêu thích của công chúng; có thể đưa ra một nhận xét, văn học thời kỳ đổi mới thực sự là một thời đại mới của văn học Việt Nam.
Đổi mới trên cơ sở phát huy nền tảng văn hóa dân tộc
Trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, muốn hay không muốn những người trong văn giới phải trả lời câu hỏi: Văn học sẽ đổi mới ở thời hội nhập như thế nào để làm giàu hơn di sản tinh thần của dân tộc và nhân loại?
Một nền văn học cũng như các lĩnh vực khác nếu “bế quan tỏa cảng” sẽ trở nên thiếu sức sống, phát triển không bình thường. Đặt trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu với khu vực và thế giới, văn học Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. Từ khi đổi mới, chính các nhà văn, nhà thơ đã có ý thức hội nhập mạnh mẽ, thử nghiệm các lối viết, tư duy cùng với dòng chảy tư tưởng của nhân loại. Bên cạnh những tác phẩm có giá trị, được công chúng yêu thích, nhiều nhà văn đã đi vào những khuynh hướng tìm tòi rời xa công chúng, rơi vào sự bế tắc trong sáng tạo. Nhiều cây bút bắt chước trường phái, trào lưu một cách ngô nghê, mang tính thủ pháp thuần túy mà chưa nắm bắt được bản chất triết học, mỹ học mới mẻ ẩn chứa bên trong. Thoạt tiên, có thể gây chú ý bởi khác lạ nhưng không thể đọng lại trong lòng người đọc.
Suy nghĩ từ những hạn chế và thất bại sáng tác kể trên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Để có những tác phẩm văn học lớn, trụ vững trong lòng dân tộc trước thử thách nghiệt ngã của thời gian và sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình thông tin, giải trí hiện đại, các nhà văn cần phải hiểu bản chất của văn hóa dân tộc và bản chất thời đại rồi mới từng bước làm ra những sản phẩm mang tính thời đại trên nền tảng văn hóa dân tộc. Ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng khá tương đồng với các nhà lý luận văn học trên thế giới hiện nay. Họ cho rằng, ở thời văn minh tin học hậu hiện đại, khi mà thế giới càng ngày càng “phẳng”, sự đóng góp bản sắc của mỗi dân tộc làm đa dạng văn minh nhân loại là điều cực kỳ quan trọng; góp phần phá bỏ thế độc quyền áp đặt văn hóa, văn minh của một số cường quốc.
Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh theo một khía cạnh khác, đó là: Để văn học nghệ thuật có được những thành tựu mới cần có nhiều yếu tố, nhưng một trong những điều quan trọng nhất là cần phải có sự đổi mới nhận thức của người lãnh đạo, nhà quản lý và của chính bản thân văn nghệ sĩ. Điều người viết phải quan tâm chính là viết sao cho chân thực, sâu sắc, xúc động, phản ánh hiện thực về con người và đất nước Việt Nam như vốn có, hướng tới các giá trị chân-thiện-mỹ.
Đa số những ý kiến của các nhà văn, nhà nghiên cứu đều tập trung ở quan điểm cốt yếu, văn học Việt Nam cần hội nhập và đổi mới hơn nữa nhưng phải trên cơ sở phát huy nền tảng văn hóa dân tộc. Hội nhập chứ không hòa tan; để làm sao, văn học phản ánh có chiều sâu tính cách dân tộc, tâm hồn con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Hy vọng rằng, chính những suy nghĩ đúng đắn, cắm sâu vào “cội rễ” tính dân tộc, với tinh thần đổi mới, nhiều tác phẩm văn chương có giá trị sẽ tiếp tục ra đời, làm phong phú kho tàng di sản văn học Việt Nam.
Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀNG