Phúc Tiến
|
Nhà sách Khai Trí trước năm 1975. |
Lại có thêm một số ki ốt bán sách màu xanh ngọc bích, kiểu dáng thanh nhã đặt trên vỉa hè ngay góc nhà Bưu điện. Trông đường Nguyễn Văn Bình cứ như một con phố mới ra đời, thu hút du khách. Tuy nhiên con phố này chỉ tồn tại vài ngày nhân Ngày sách Việt Nam 21-4, giống như Đường sách Ngô Đức Kế xuất hiện mỗi năm một lần bên Đường hoa Nguyễn Huệ. Liệu lâu dài, đường Nguyễn Văn Bình có thể trở thành một đường sách cố định? Và Sài Gòn chỉ cần một đường sách thôi hay nhiều hơn?
Sài Gòn từng có Đường Sách, Chợ Sách đa dạng
Thật ra, Sài Gòn từ thế kỷ trước đã có nhiều đường sách, chợ sách, nhà sách phong phú và tấp nập. Thời đó, chưa ai gọi là “đường sách” hay “phố sách” nhưng đường Lê Lợi từ chợ Bến Thành đến ngã tư Pasteur, chính là một địa chỉ như thế.
Trên đoạn đường này phía số chẵn từng có khoảng 20 nhà sách và các tiệm bán văn hóa phẩm, đồ lưu niệm, chưa kể các tiệm băng dĩa (trong và ngoài Thương xá Crystal Palace - cao ốc Intershop sau năm 75). Lừng lẫy một thời là nhà sách Khai Trí - số 60 & 62 Lê Lợi, một tòa nhà 6 tầng, hoạt động bán sách từ năm 1952. Sau 30-4, khi Khai Trí bị tiếp quản, ông chủ Nguyễn Hùng Trương vào trại cải tạo thì nhà sách đổi thành nhà sách Lê Lợi của Fahasa. Ở vỉa hè phía trước nhà sách Khai Trí và phía đối diện bên kia đường (phía trước Bộ Công chánh cũ nay là cao ốc Saigon Center) vào cuối những năm 1960, đầu 1970 lại phát sinh một chợ sách lộ thiên. Ở đấy, các nhà xuất bản và tác giả đổ sách “bán xôn” (bán hạ giá) sau kỳ phát hành đầu tiên. Chợ còn mua bán sách báo tiếng Anh do lính Mỹ “thải” ra và cũng là nơi bán quần áo, hàng mỹ nghệ kỷ niệm Việt Nam cho lính Mỹ và du khách. Đến Noel, hai bên vỉa hè Lê Lợi kéo dài đến vòng xoay Nguyễn Huệ, còn trở thành nơi bày bán cây thông và các hàng trang trí giáng sinh, rất nhộn nhịp.
Sài Gòn thời ấy còn có một “đường sách” thứ hai, hay nói đúng hơn là đường sách báo! Đó chính là khu vực đường Phạm Ngũ Lão song hành với Lê Lai, kéo dài từ chợ Thái Bình ra đến đường Đề Thám. Đây là khu vực “cộng sinh”: nhà in + nhà sách + nhà phát hành + tòa báo + các quán cà phê. Thuộc loại “máu mặt” tại đây là nhà sách Sống Mới, bán sỉ và bán lẻ cả sách và tạp chí. Nhiều nhà văn, ký giả, nghệ sĩ, trí thức, “thư sinh” thường xuyên lui tới khu vực Phạm Ngũ Lão-Lê Lai vì “món nợ” chữ nghĩa và văn chương. Nó trở thành một trong những “radio” - nơi qua lại tin tức mới của Sài Gòn. Mặc dù không phải là khu vực sang trọng nhưng nó không thua gì “Fleet Street” của London, nơi đặt bản doanh các tờ báo và hãng thông tấn của xứ sương mù.
Cùng thời gian đó, trước nhà Bưu điện, khu vực Nhà thờ Đức Bà từng có nhiều ki ốt bán sách báo và hàng lưu niệm. Giáng sinh và Tết, nơi đây trở thành chợ bán thiệp, hiện vẫn còn đến giờ. Trong khi ấy, ở Chợ Lớn, nếu nói đến trung tâm sách báo và văn hóa phẩm tiếng Hoa thì phải kể đến khu vực đường Tổng đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm), Triệu Quang Phục, chợ Bình Tây.
Bên cạnh những địa chỉ trên, người yêu sách và chơi sách Sài Gòn không thể bỏ qua hiệu sách Xuân Thu, số 185 đường Catinat - Tự Do (Đồng Khởi). Nguyên là nhà sách A. Portail nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, Xuân Thu là nơi khách đến không chỉ tha hồ khám phá một rừng sách báo tiếng Anh, tiếng Pháp mà còn có thể “còm-măng” (đặt hàng) mua sách báo ngoại nhập. Hiệu sách Xuân Thu là một phần không thể thiếu của thương xá Eden - một thương xá không chỉ nổi tiếng về thương mại mà còn độc đáo về văn hóa. Trong Eden, cũng có một số hiệu sách nhỏ xen lẫn bán đồ cổ và các quầy bán báo, thu hút du khách tứ xứ. Từ năm 2011, thương xá Eden đã “về trời ”, thay bằng một trung tâm thương mại lộng lẫy nhưng không hồn. Còn hiệu sách Xuân Thu khi dời sang địa điểm mới trên đường Trần Hưng Đạo, cũng mất đi phong vị xưa!
Biến động, mai một và phục hồi
Sau 30-4-1975, rất tiếc những đường sách, chợ sách kể trên đều mai một. Đường sách báo đã “bốc hơi” vì nhiều báo đã đóng cửa, các cơ sở in ấn, phát hành, nhà sách sau “cải tạo” đều thay đổi hoặc di dời nơi khác. Nhà sách Sống Mới có một thời gian trở thành nhà sách quốc doanh chuyên bán sách cũ, nội dung được phép lưu hành (bán theo giấy giới thiệu, giá rất bèo) và rồi cũng đóng cửa. Khoảng năm 1976, chợ sách cũ ở vỉa hè Lê Lợi được dời sang con đường nhỏ Đặng Thị Nhu, gần “Nhà chú Hỏa” (Bảo tàng Mỹ thuật ngày nay). Chợ này có đến hàng chục quầy sạp nhộn nhịp mua bán nhưng đến những năm 1983-1984 cũng bị giải tán. Nhiều quầy sạp chợ Đặng Thị Nhu chạy dạt về khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai, giáp ngã năm Cộng Hòa, nơi có nguồn khách là các trường trung học và đại học đóng quanh đó.
Hơn 10 năm sau, chính tại đây và mở rộng ra khu vực đường Nguyễn Văn Cừ và An Dương Vương, lại mọc lên một loạt nhà sách mới (Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Kinh tế, Hà Nội...) bên cạnh các điểm mua bán sách cũ. Các nhà sách mới và cũ, xen lẫn bán sách và bán lịch đã làm khu vực này trở thành một trung tâm bán sách phồn thịnh chưa từng có. Rải rác trong thành phố cũng mọc lên những khu mua bán sách có phần “bình dân” hơn. Đó là khu vực đường Trần Nhân Tôn (từ Nhà máy Thuốc lá MIC chạy xuống chung cư Sư Vạn Hạnh) với một loạt cửa hàng chuyên mua sách báo “ve chai”, sau đấy sắp xếp bán lại với giá vừa túi tiền. Hoặc như khu vực đường Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp) gần Bệnh viện 175 hay khu vực đường Trần Huy Liệu, cũng ra đời hàng chục cửa hàng sách cũ và mới tương tự. Trong khi ấy, tại số 40 đường Nguyễn Huệ, ngay sau năm 1975, đã ra đời một nhà sách bề thế, có vị trí rất đắc địa. Nhìn chung, ngày nay Sài Gòn có rất nhiều nhà sách, nhiều khu vực bán sách hơn trước. Tuy nhiên, ngắm nghía kỹ, ta thấy thành phố vẫn chưa có được những không gian sách mang đến những nét văn hóa độc đáo và hấp dẫn.
Không gian nhân văn đa dạng
Những đường sách, chợ sách xưa và nay của Sài Gòn đều đang cần chiếc áo mới phù hợp cho một đại đô thị đầu thế kỷ 21 đang lớn mạnh vùn vụt. Với một thành phố 10 triệu dân, trong đó hai phần ba là dân số trẻ đang ngột ngạt vì bị bủa vây bởi “hàng núi” nhà cửa và cao ốc, người dân Sài Gòn không những thiếu rất nhiều cây xanh và công viên mà còn thiếu trầm trọng những không gian văn hóa để thư giãn và tái tạo sức lực. Trong đó, nhà sách, đường sách, chợ sách, thêm nữa thư viện là những “bình ô xy” rất thiết thực. Theo tôi, việc phục hồi và làm mới các địa chỉ văn hóa tri thức này, không chỉ là nơi nâng đỡ những ký ức hoài niệm mà còn tạo thêm tiện nghi sống hiện đại và văn minh cho cư dân đô thị. Mặt khác, chúng đem lại nguồn lợi thương mại đáng kể cho ngành xuất bản, công nghiệp sáng tạo và công nghiệp du lịch.
Nhìn các đô thị lớn văn minh tiên phong trên thế giới, chúng ta thấy người dân ở đấy đã thu được rất nhiều lợi ích nhân văn và kinh tế thông qua hoạt động tôn vinh sách vở và văn hóa. Chẳng hạn tại Paris - “kinh đô Ánh sáng”, sông Seine trở thành một báu vật không chỉ vì dòng sông đẹp và các kiến trúc cổ kính mà còn vì hàng trăm quầy bán sách báo đã có mặt từ thế kỷ 16. Ngoài hai bờ sông Seine, địa chỉ tri thức quyến rũ của Paris còn là khu Latinh và Saint Michel, nơi có Đại học Sorbonne cùng một loạt nhà sách, quán cà phê lịch lãm.
Cùng với Paris, các trung tâm kinh tế như London, Rome, New York, hay Tokyo, Sydney, Melbourne, như tôi biết, đồng thời đều là những trung tâm văn hóa giàu có. Bên cạnh các công viên, bảo tàng, nhà hát, các đô thị này đều có nhà sách, đường sách, chợ sách đa dạng nằm trong những khu phố cổ, phố đi bộ hoặc những khu vực đông người qua lại như thương xá, quảng trường, nhà ga.
Nhà sách, đường sách, chợ sách không chỉ là nơi giao lưu thương mại và tri thức mà hấp dẫn hơn, chúng còn là nơi giao lưu con người, giao lưu lịch sử và văn hóa của đủ lứa tuổi và tứ xứ. Ở đấy, những người viết sách, chơi sách,du khách, và không thể thiếu-những “con mọt sách” tìm đến với nhau như những người bạn tri kỷ bất ngờ. Ở những địa chỉ văn hóa này, sách báo còn tay trong tay đi cùng hát rong, văn nghệ, vẽ tranh, nặn tượng triển lãm, đấu giá. Hiếm khi thấy hoạt động giao lưu sách báo diễn ra riêng rẽ, đơn côi. Mỗi thành phố tùy quy mô và vốn sống lịch sử của mình, tùy không gian kiến trúc và mặt bằng đô thị có thể có một hay nhiều đường sách, chợ sách lớn nhỏ. Tuy nhiên, hãy trao chúng cho các tổ chức xã hội, các nhân vật tâm huyết với cộng đồng, các doanh nhân năng động khởi động và điều hành chứ không nên dùng bộ máy hành chính và kinh phí nhà nước.
Các nhà quy hoạch, các nhà chính sách đừng quên tạo thêm nhiều không gian văn hóa, không gian sách đan xen với các không gian thương mại, hành chính vốn đang có nguy cơ bành trướng và lãng phí ở các đô thị, không riêng Sài Gòn. |