ANTĐ - Tần ngần hàng giờ cùng với con trước các hiệu sách trên phố Đinh Lễ vẫn chưa thể quyết định mua sách gì, nhiều phụ huynh cuối cùng vẫn phải nhượng bộ sở thích bọn trẻ là mấy tập truyện tranh Nhật Bản… Chọn mua sách trẻ em đã khó, khó hơn nữa là khiến chúng hứng thú với những cuốn sách chất lượng.
Mua sách cho trẻ em không đơn giản
Mỏi mắt chọn sách
Một trong những phần thưởng cho trẻ luôn được các phụ huynh lựa chọn là những cuốn sách mới. Tuy nhiên, vướng mắc mà hầu hết các bậc phụ huynh chia sẻ là không biết chọn sách nào cho con. “Sách mình đã đọc từ nhỏ và yêu thích như cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer hay truyện Con Bim Trắng Tai Đen, Không gia đình… thì các con lại không mặn mà. Trẻ con bây giờ chủ yếu mê những cuốn truyện tranh vẽ nhằng nhịt, nội dung đọc qua chỉ toàn thấy ối, hử, hả, bùm…”, chị Nguyễn Lam Thư, có con học trường tiểu học Nam Thành Công cho biết.
Các cửa hàng sách trên phố Đinh Lễ là một trong những điểm đến của nhiều gia đình bởi sách đa dạng, thuộc nhiều nhà xuất bản, giá lại được chiết khấu tùy loại. “Ngoài việc mua truyện tranh để chiều lòng các con, tôi cũng muốn mua cả sách văn học kinh điển khuyến khích con đọc. Tuy nhiên, chất lượng sách khiến tôi rất bực mình và lo ngại khi những cuốn sách này được in rất đẹp nhưng lại bị lược dịch theo cách hoàn toàn thay đổi so với phiên bản mình đã được đọc, chưa kể mắc nhiều lỗi sai”, chị Thư chia sẻ.
Để tìm được những cuốn sách có nguồn gốc tin cậy, nhiều phụ huynh vẫn tìm đến các nhà xuất bản có tiếng như Kim Đồng, Nhã Nam dù giá có cao hơn… “Tìm lại được những cuốn từng gắn bó với tuổi thơ mình cách đây đã vài chục năm, tôi rất hứng thú, mua ngay về cho các con như Dế mèn phiêu lưu ký, Tuổi thơ dữ dội hay Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công… Nhưng đáng buồn là bọn trẻ chẳng đoái hoài dù bố mẹ ra sức khen hay”, chị Ngô Thúy Hằng, giáo viên trường THCS Phương Nam cho biết.
Phải có phương pháp tốt
“Tình trạng trẻ em ngại đọc sách, quá ham mê với truyện tranh, game, truyền hình... đang là mối lo ngại với không ít phụ huynh. Trước sức cám dỗ của công nghệ truyền thông, giải trí, rất khó có thể lôi kéo chúng vào việc đọc sách, nhất là đọc các tác phẩm kinh điển có giá trị”, một giáo viên dạy văn có tiếng tại trường THCS Ngô Sỹ Liên nhận định. Trước thắc mắc của phụ huynh về việc làm sao để thu hút trẻ con đọc sách và đọc sách thế nào cho hiệu quả, ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty sách Long Minh nhấn mạnh: “Để rèn thói quen đọc sách không đơn giản là mua thật nhiều sách về cho con. Nếu trẻ em không có tri kỷ để cùng đọc sách, không có ai cùng trao đổi thì dù có nhiều sách ở nhà các em cũng không đọc. Cần có “mâm cơm tập thể”, tạo được sự tự do trong không gian mới, trải nghiệm mới để hấp dẫn trẻ tìm hiểu, khám phá kiến thức qua việc đọc sách”.
Bà Trần Thị Hải Yến, Giám đốc điều hành trường THCS Alpha cho biết, để thu hút học sinh đọc sách, nhà trường đã lên kế hoạch về tháng đọc sách cho học sinh trong trường. Thay vì 30 phút truy bài đầu giờ các buổi học thì nhà trường yêu cầu các em lần lượt chia sẻ về cuốn sách yêu thích. “Thư viện của chúng tôi cũng được bổ sung hàng chục đầu sách do các chuyên gia tư vấn lựa chọn phù hợp lứa tuổi. Việc đọc sách cũng được định hướng bài bản hơn thay vì để các con đọc theo nhu cầu tự phát. Với cách làm này, trường chúng tôi sẽ hướng tới văn hóa đọc sách đúng ý nghĩa”, bà Trần Thị Hải Yến chia sẻ.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Đỗ Hoàng Sơn chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng tủ sách sách phụ huynh trong từng lớp học. “Cách làm này đã khiến cho học sinh chuyển từ việc gần như không đọc sách gì ngoài sách giáo khoa sang đọc khoảng từ 20-40 cuốn sách/năm. Như vậy từ chỗ không đọc và thiếu thực hành trải nghiệm khoa học và tập lao động sáng tạo, học sinh và giáo viên cùng với phụ huynh dựng được một mô hình văn hóa đọc kết hợp với trải nghiệm thực hành và tập lao động sáng tạo”, ông Sơn cho biết. Có thể thấy từ việc mua sách đến việc đọc sách thế nào đều không đơn giản nếu thiếu sự quan tâm, phối hợp của gia đình, ngành giáo dục để tạo một môi trường, văn hóa đọc sách đúng ý nghĩa cho lớp trẻ hiện nay.