Nghịch lý sách

15:31:00 26/01/2015

Chuẩn bị cho Ngày Sách Việt Nam lần thứ 2-2015, nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa đọc đang ráo riết được thực hiện. Nhưng làm thế nào để ngày sách không trở thành một sinh hoạt hình thức, trong khi văn hóa đọc đang phải đối mặt với nạn sách lậu, cùng cơ chế hậu kiểm lỏng lẻo hiện nay của ngành xuất bản?

Đường đi của sách cũng có muôn hình, muôn nẻo
(sách bày bán ở một hội chợ sách tại HN)

Sách rác làm ô nhiễm môi trường giáo dục

Theo kế hoạch, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam được tổ chức bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 4-2015. Những hoạt động chính của Ngày Sách Việt Nam được tổ chức trọng tâm từ 18/4 – 23-4-2015. Đến thời điểm này, ngành giáo dục đào tạo là đơn vị ra quân hưởng ứng ngày sách sớm nhất. Điều này cũng dễ hiểu, bởi năm 2014 là một năm có nhiều sự vụ đình đám liên quan đến sách bị phát hiện.Trong số gần 400 đầu sách của 40 nhà xuất bản (NXB) trên cả nước bị xử phạt, đa số sách vi phạm lại là sách giáo dục, lịch sử, từ điển và truyện cho thiếu nhi có nội dung nhảm nhí, không biên tập kỹ nhưng vẫn được cấp phép để xuất bản. Những sai sót ấy chủ yếu do sai kiến thức, sự kiện, sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung xuất bản phẩm... Điển hình là "Danh nhân và thời đại” của NXB Đồng Nai; "Hỏi đáp nhanh trí” và "Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” của NXB Văn hóa - Thông tin; "Bài tập ôn luyện cuối tuần Toán 1, tập 1” của NXB Đại học Sư phạm… Sai phạm xuất bản tập trung nhiều ở các đầu sách dành cho học trò, cho thiếu nhi đã khiến phụ huynh rất lo ngại.

Tại tọa đàm được tổ chức mới đây, nhằm tìm giải pháp ngăn chặn sách rác (diễn ra tại TP. HCM), ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chi nhánh phía Nam cho rằng, xuất phát điểm dẫn tới bùng phát các loại sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục là bởi lĩnh vực xuất bản sách, ấn phẩm cho thiếu nhi hiện nay đang là miếng bánh ngọt- mang lại siêu lợi nhuận lớn cho các NXB. Cả nước có 63 NXB thì có khoảng 20 đơn vị tham gia xuất bản sách dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng. Dù đua nhau chạy theo lợi nhuận, tăng lượng đầu sách xuất bản nhưng các NXB lại đang tinh giản nhân lực. Điều đó dẫn đến việc biên tập sách cẩu thả, để lọt lỗi sai sót nghiêm trọng về nội dung. Khâu hậu kiểm, phát hành cũng lỏng lẻo hết cỡ. Tính sơ sơ, cả nước đang có gần 14.000 đơn vị phát hành và hơn 13.000 trung tâm, siêu thị sách…đã và đang tiếp tay giúp sách lậu, sách kém chất lượng ung dung đứng cạnh sách xịn. Người mua khó mà phân biệt đâu là văn hóa phẩm vi phạm.

NXB kém, nhưng không thẳng thắn nhận lỗi

Thống kê từ cơ quan quản lý, số lượng NXB vi phạm ngày càng tăng. Nếu như năm 2011, cơ quan chức năng mới chỉ phát hiện 55 trường hợp, thì năm 2014, sách vi phạm tăng đột biến lên gấp 5 lần. Chỉ tiếc rằng, dù Bộ Thông tin và Truyền thông năm qua đã đề nghị các cơ quan chủ quản đình chỉ 2 NXB vi phạm Luất Xuất bản nghiêm trọng, nhưng đến thời điểm này cả 2 đơn vị đó vẫn chưa bị đình chỉ. Dư luận cũng đặt dấu hỏi: Tại sao lâu nay, chúng ta vẫn chỉ đổ lỗi cho sách mà ít khi truy xét đích danh người viết, người biên tập và các NXB, nhất là các đơn vị liên kết?

Theo qui trình, để một cuốn sách ra đời về mặt quản lý cần có đủ: đối tượng liên kết, nguồn gốc bản thảo, tác giả, dịch giả… tất cả đều phải được thể hiện qua các thủ tục như hợp đồng tác quyền, hợp đồng liên kết... Bên cạnh là công tác biên tập, người làm biên tập phải am hiểu chuyên môn. Buồn nhất là hiện nay nhiều người thường lẫn lộn giữa công tác biên tập và sửa bản in, nên dễ xảy ra tình trạng bỏ sót chuyên môn của tác phẩm, thậm chí khi biên tập một cuốn sách dịch cũng không cần bản gốc để đối chiếu mà chỉ chỉnh sửa lỗi chính tả rồi xác nhận đã biên tập... Với quy trình dễ dãi này mà sách xấu, sách "ô nhiễm” có điều kiện tuồn ra ngoài rồi đến tay công chúng. Nhiều NXB hiện nay do không đủ năng lực tự xuất bản, chủ yếu phải nhờ đến các đối tác liên kết, do phải "chiều” đối tác nên dễ bị các đối tác này thao túng… Nhưng đến khi xảy ra sự cố về sách, các NXB rất ít khi nhận lỗi, thường đổ hết cho đối tác liên kết.

Thực tế cho thấy, những loại sách ô nhiễm như nói trên thường lặp đi lặp lại bởi một số dạng "tác giả”, "nhóm biên soạn” ở một số NXB, một số đối tác liên kết làm sách. Nhưng rõ ràng, mô hình liên kết không phải là nguyên nhân chính gây nên sách xấu, mà chính là ở tự thân một số NXB yếu kém - song lại không thẳng thắn nhận mình không có khả năng. Bà Mai Thị Hương, Trưởng phòng Quản lý xuất bản (Cục Xuất bản, in và phát hành) cũng xác nhận điều này. Theo bà, hiện nay nhiều BTV yếu kém về nghiệp vụ, chuyên môn, bản lĩnh chính trị và thiếu nhạy bén trước những vấn đề có tính nhạy cảm. Chẳng hạn một NXB chỉ có 5 BTV thì duyệt xác nhận đăng ký đề tài cho số lượng đầu sách không như NXB có 20 BTV được; NXB của bộ, ngành này không được làm sách thuộc lĩnh vực của bộ, ngành khác và dứt khoát là không cấp phép cho các NXB địa phương làm từ điển ngôn ngữ, từ điển chuyên ngành…

Vậy mà thực trạng ấy vẫn đang tồn tại trong nhiều năm qua. Thậm chí Báo Đại Đoàn Kết từng đưa dẫn chứng bộ sách "Mười vạn câu hỏi tại sao” (dành cho trẻ em) gắn logo NXB Giao thông Vận tải có những sai phạm nghiêm trọng về vấn đề chủ quyền biển đảo. Mới đây, khi liên lạc với NXB để tìm hiểu thông tin, lãnh đạo NXB này dù không thừa nhận đó là sách của NXB, nhưng cũng không hề đưa ra được những minh chứng để khẳng định đó là sách lậu… Lâu nay, cũng do quản lý xuất bản bị buông lỏng, nên chỉ khi bạn đọc hoặc báo chí phát hiện, sách sai phạm mới được nhà chức trách để mắt tới. Ấy là chưa kể, mức độ và hình thức xử phạt hiện nay còn nhẹ, chưa đủ sức khiến các NXB thấy chùn.

Vì thế nghịch lý sách mà chúng tôi đề cập ở trên đã đến hồi báo động. Cùng với việc kêu gọi nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng, thì bắt buộc ý thức người làm sách phải cao, chất lượng sách phải tốt. Nếu chỉ hô hào một chiều mà sách lậu vẫn ngang nhiên tồn tại, khác nào hô khẩu hiệu.

Triết Giang
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1