Vụ NXB giáo dục vi phạm tác quyền: Vi phạm từ SGK, đến sách tham khảo và bloc lịch

13:00:00 15/01/2015
Ngày 12.1, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đã chính thức có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận, đề nghị giải quyết vấn đề tác quyền tác phẩm văn học trong bộ sách giáo khoa (SGK). Trước đó, ngày 8.1, VLCC cũng đã có công văn tương tự đề nghị Thanh tra Bộ VHTTDL, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông.
Vi phạm liên tục, có tính hệ thống

Trong các công văn đã ký gửi những nơi nêu trên, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc VLCC - thông tin: “VLCC có chức năng là bảo vệ và khai thác quyền tác giả văn học thuộc phạm vi bảo hộ của VLCC. Hiện VLCC đang đại diện cho gần 1.000 tác giả”.

Đối với những tác phẩm văn học có trong bộ SGK, VLCC khẳng định: “Đầu tháng 4.2014, VLCC đã phát hiện nhiều tác phẩm văn học của các tác giả thuộc VLCC được NXB Giáo dục sử dụng trong bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12, nhưng chưa xin phép và trả tiền nhuận bút cho tác giả. Từ 2002 tới nay, bộ SGK được tái bản nhiều lần nhưng các tác giả cũng không được hỏi ý kiến và trả nhuận bút. Qua nhiều lần làm việc, gần nhất là 5.12.2014, vì nhiều lý do khác nhau, NXB Giáo dục vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền nhuận bút cho các tác giả”.

Hành vi trên, theo VLCC, NXB Giáo dục đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Xuất bản. Riêng trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT, VLCC nhấn mạnh hành vi của NXB Giáo dục là “vi phạm liên tục, có tính hệ thống đối với nhiều tác giả trong nhiều năm”. VLCC đề nghị Bộ trưởng “xem xét, giải quyết kịp thời để chấm dứt hành vi vi phạm quyền tác giả” của NXB Giáo dục.

In thơ vào bloc lịch siêu lớn nhưng vẫn dùng tác phẩm… chùa

Trong khi câu chuyện bản quyền tác phẩm trong SGK vẫn chưa được giải quyết triệt để thì nhiều tác giả lại thêm một lần… ngậm ngùi khi thấy toàn bộ hoặc một phần “đứa con tinh thần” của mình “bị” (hay “được”) in trong một ấn phẩm đặc biệt của NXB Giáo dục. Đặc biệt, ở chỗ, nó là một bloc lịch cỡ siêu lớn, giá cũng thuộc loại… siêu đắt, nhưng đa số những tác giả có thơ in trên bloc lịch ấy vẫn không được xin phép và tất nhiên, không được trả tiền bản quyền.

Đó là bloc lịch siêu đại mã số 8U277A4 khổ 20x30cm, giá 280.000 đồng và in với số lượng 12.000 cuốn. Điều đáng nói là trong bloc lịch này trích dẫn rất nhiều thơ của các tác giả như Ngô Văn Phú, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm… nhưng các tác giả còn sống và những người sở hữu bản quyền văn học cũng không được thông báo. Trao đổi với Báo Lao Động, ông Hoàng Phi - con trai nhà thơ Hoàng Cầm - cho biết: “Gia đình chúng tôi chưa nhận được sự xin phép của bất kỳ nhà xuất bản nào. Quan điểm của tôi là cứ theo những luật định mà làm, khi đã sử dụng tác phẩm thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút đầy đủ theo quy định”.

Trong khi đó, đại diện cho gia đình nhà văn Võ Văn Trực - ông Võ Kim Cương - khẳng định: “Cũng chưa được xin phép nhưng nhuận bút thế nào thì tùy bên Trung tâm Quyền tác giả văn học làm việc với NXB”. Còn nhà thơ Ngô Văn Phú thì nói rằng, ông cũng mới được NXB xin phép và hứa sẽ trả nhuận bút.

Điều đáng nói là doanh thu của bloc lịch này cũng rất khủng, với giá 280.000 đồng, in số lượng 12.000 cuốn thì doanh thu dự kiến cũng không dưới 3 tỉ đồng. Vậy nhuận bút của các nhà văn sẽ được tính như thế nào vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Lại chuyện chưa xin phép

Chuyện “không xin phép” trở thành thói quen của NXB Giáo dục. Tháng 10.2014, hai tác giả Phan Hồng Giang (tên thật là Nguyễn Đức Hân) và nhà văn Hoàng Thúy Toàn bức xúc khi thấy những tác phẩm dịch nổi tiếng của họ như “Cái chết của một viên chức”- tác giả Sekhov, “Gửi”, “Con đường mùa đông”, “Tôi yêu em”… do Puskin sáng tác (Thúy Toàn dịch) xuất hiện trong sách “Văn học nước Nga trong nhà trường” do Hà Thị Hòa biên soạn. Ngoài ra những tác giả có tác phẩm dịch như Tế Hanh, Trần Vĩnh Phúc có tác phẩm được sử dụng nhưng không được xin phép.

Phải đến khi được “nhắc nhở”, NXB Giáo dục mới cho rằng, khi biên soạn sách, tác giả và đơn vị tổ chức bản thảo đã thống nhất tác giả chịu trách nhiệm toàn bộ về bản quyền. Sau đó, NXB Giáo dục đưa ra công thức tính tiền bản quyền là tiền nhuận bút của các tác giả tương đương 60% tiền mà biên soạn đã nhận.

Vấn đề vi phạm bản quyền không chỉ nằm trong sách giáo khoa mà còn xuất hiện ở một số ấn phẩm của NXB Giáo dục. Câu hỏi là tại sao một việc làm, lẽ ra phải thực hiện từ lâu, theo những luật định đã ban hành, mà NXB vẫn chưa làm để thực hiện trách nhiệm của mình với các tác giả văn học?


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1