Nguyễn Du - cây tùng thanh cao trước sóng gió cuộc đời

17:40:00 11/07/2015
(Baohatinh.vn) Sinh phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan, mới hơn 10 tuổi đầu đã chịu cảnh mồ côi cha mẹ, Nguyễn Du phải đứng giữa giông tố cuộc đời trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Đó là bi kịch của đời ông. Với phẩm hạnh của một cây tùng thanh cao và tài năng kiệt xuất, ông đã mang đến cho nền văn học Việt Nam một kiệt tác Truyện Kiều bất hủ.

Những tháng năm gió bụi

Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu (1765) tại phường Bích Câu, thành Thăng Long (Hà Nội). Lúc bấy giờ, cha là Nguyễn Nghiễm đang làm tể tướng. Mẹ ông là bà Trần Thị Tần - con gái thứ ba của một vị quan nhỏ coi việc sổ sách kế toán dưới trướng Nguyễn Nghiễm, người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh. Bà là một phụ nữ nết na, thông minh và xinh đẹp, lại là con gái vùng Kinh Bắc nên có nhiều ảnh hưởng đến tâm hồn Nguyễn Du từ những ngày thơ bé.

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, lên 3 tuổi, Nguyễn Du được tập ấm (phong hàm do cha làm quan cao cấp) là Hoàng Tín Đại phu, xuất thân là Thành Môn Vệ Úy, tước Thu Nhạc bá. Với cái hàm ấy, mặc dù chưa phải là một vị quan tại chức nhưng Nguyễn Du đã đứng trong hàng sĩ tịch của triều đình nhà Lê.

Khu di tích Nguyễn Du

Năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nghiễm thôi chức tể tướng, về trí sĩ ở quê nhà, Nguyễn Du theo cha về quê. Tại bến Giang Đình, ông được chứng kiến cảnh vinh hoa của gia đình mình. Người dân Nghi Xuân hồi đó làm thơ tả cảnh nhà ông như sau:

Trèo lên Hồng Lĩnh mà trông

Nhìn về đã thấy dinh ông rõ ràng

Lâu đài dãy dọc tòa ngang

Ông ngồi đọc sách nghiêm trang một mình.

Năm Bính Thân (1776), Nguyễn Nghiễm mất, 2 năm sau, bà Trần Thị Tần cũng lâm bệnh rồi qua đời. Từ đó, Nguyễn Du phải đến ở nhà anh trai cả Nguyễn Khản.

Sau sự kiện kiêu binh nổi loạn năm 1780, Nguyễn Khản đang làm Trấn thủ Sơn Tây bị khép tội mưu loạn trong vụ án năm Canh Tý, bị bãi chức và giam cầm. Lúc này, Nguyễn Du được một người thân của Nguyễn Nghiễm đón về Sơn Nam Hạ nuôi ăn học. Năm 1783, Nguyễn Du cưới bà Đoàn Thị Huệ, con gái Đoàn Nguyễn Thục - Ngự sử tại triều, người xã An Hải, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình). Năm Đinh Mùi (1787), Tây Sơn tiến quân ra Bắc lấy Bắc Hà, Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, Nguyễn Du không kịp theo vua, phải chạy về trốn ở quê vợ tại Thái Bình.

Du khách tham quan phòng trưng bày tại Khu lưu niệm Nguyễn Du.

Mười năm lưu lạc, ăn nhờ ở đậu quê vợ là những năm tháng cô đơn cùng cực của Nguyễn Du, đói không cơm ăn, rét không có áo mặc. Ông gọi quãng thời gian này là “Mười năm gió bụi” (Thập tải phong trần). Thường ngày, ông làm thơ than thở về cảnh ngộ của mình khi chưa làm nên danh vọng gì đã rơi vào cảnh khốn cùng. Ông suy nghĩ nhiều về cuộc đời và thảm cảnh mà gia đình ông phải gánh chịu, nên mới 30 tuổi mà tóc đã bạc trắng. Ông đã giãi bày nỗi niềm của mình trong bài “U cư”:

Mười năm trọn quê người nấn ná

Nương quê người tóc đã điểm sương.

Hơn 10 năm chìm nổi long đong ở đất Bắc cũng là quãng thời gian Nguyễn Du sống gần gũi với nhân dân và thấm thía bao nỗi ấm lạnh của kiếp người, đặc biệt là người dân lao động, phụ nữ, trẻ em, cầm ca, ăn mày... Những gì Nguyễn Du chứng kiến đã gieo vào tâm hồn ông những trải nghiệm quý báu trong tư tưởng cũng như tình cảm. Và ở một phương diện nào đó, có thể nói, chính nỗi bất hạnh lớn trong cuộc đời đã hun đúc nên thiên tài Nguyễn Du.

Từ “Hồng Sơn liệp bộ” đến Đại thi hào

Thời kỳ ở nhờ quê vợ, sau khi Đoàn Nguyễn Thục mất, con trai lớn cũng mất, Nguyễn Du đành đưa người con trai còn lại là Nguyễn Tứ về quê cha đất tổ ở Tiên Điền. Trở lại quê, nhà cửa tan hoang, anh em lưu tán, ông đã phải thốt lên: “Hồng Lĩnh vô gia, huynh đệ tán” (trở về Hồng Lĩnh gia đình không còn, anh em lưu lạc khắp nơi). Tuy vậy, ở Tiên Điền, lúc này, họ hàng thân thuộc, con cháu nhiều, Nguyễn Du được bà con gia tộc chia cho mảnh đất ở thôn Thuận Mỹ làm nhà ở.

Đường về Tiên Điền

Do được sinh ra và sống trong hoàn cảnh nhung lụa của một gia đình quý tộc nên khi về quê, Nguyễn Du chẳng biết làm gì ngoài đọc sách vở thánh hiền. Để khuây khỏa, ông thường cùng trai làng Tiên Điền lên núi Hồng Lĩnh săn hươu, nai, chồn, xạ hương… và xuống sông Lam bắt cá. Ông tự đặt cho mình biệt hiệu “Hồng Sơn liệp bộ” (Phường săn núi Hồng) và “Nam Hải điếu đồ” (Nhà chài bể Nam). Chính quãng thời gian này, ông được tiếp xúc với những nét đẹp trong văn hóa truyền thống xứ Nghệ, trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất đến tâm hồn và sáng tác của ông là dân ca ví, giặm.

Dưới triều Nguyễn, Nguyễn Du nhiều lần được vời ra làm quan giúp nước nhưng tư tưởng Nguyễn Du thời kỳ này khá phức tạp, nhiều mâu thuẫn. Ông vừa muốn trung thành với nhà Lê, vừa không hợp tác với nhà Tây Sơn, lại bất đắc dĩ phải làm quan cho nhà Nguyễn nên dù được giữ chức cũng không mặn mà với công việc. Thời gian làm quan cho nhà Nguyễn, Nguyễn Du sống trầm lặng, ít nói, có nhiều tâm sự không biết tỏ cùng ai.

Là một người có hoài bão nhưng cuộc đời hết gió bụi lại rơi và cảnh buồn chán, Nguyễn Du coi mọi chuyện đều là hão huyền nhưng lại rơi lệ trước những cuộc bể dâu. Từ một cậu ấm, Nguyễn Du đã phải đối mặt với giông tố cuộc đời trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Chứng kiến những nhiễu nhương của thời cuộc, với tài năng văn chương thiên bẩm, kiến thức uyên thâm, Nguyễn Du đã sáng tác nên những tác phẩm có khuynh hướng hiện thực sâu sắc. Và sự đồng cảm, nỗi “đau đớn lòng” với những thân phận “dưới đáy” xã hội đã khiến những tác phẩm của Nguyễn Du chứa đựng giá trị nhân đạo cao cả. Chính trên cơ sở này mà trong thơ Nguyễn Du luôn luôn vang lên âm thanh, bừng lên màu sắc của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của một bức tranh hiện thực đa dạng.

Và giữa những âm thanh, màu sắc, đường nét vô cùng phong phú đó, Nguyễn Du hiện ra: vừa dạt dào yêu thương, vừa bừng bừng căm giận. Từ thơ chữ Hán đến Truyện Kiều đều thể hiện rõ một sức sống kỳ lạ. Và cũng chính điều đó đã khiến Nguyễn Du từ chỗ chỉ là một cậu ấm trở thành một đại thi hào lừng lẫy.

Phong Linh

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1