Đến để yêu hơn văn chương nước nhà

08:54:00 02/07/2015
QĐND - Mười năm sau ngày khởi công, lặng thầm vừa xây dựng cơ sở vật chất, vừa cất công đi sưu tầm hiện vật, tư liệu, cuối cùng, Bảo tàng Văn học Việt Nam (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) vừa chính thức khánh thành, đón khách tham quan trong và ngoài nước có nhu cầu tìm hiểu di sản văn học Việt Nam.

Trong ngày khánh thành bảo tàng, có khá nhiều thân nhân các nhà văn quá cố đến dự, họ đều cảm thấy hài lòng khi các hiện vật thường ngày, những bản thảo... mà gia đình hiến tặng đã được trưng bày trang trọng. Cụ bà Bạc Thị Nâu (vợ cố nhà thơ Trần Lê Văn) năm nay gần 90 tuổi, phấn khởi tâm sự: “Khi cán bộ bảo tàng đến vận động gia đình hiến tặng hiện vật, gia đình chúng tôi trao tặng ngay bởi biết rằng chỉ giữ trong gia đình thì theo thời gian hiện vật sẽ cũ, hư hỏng. Chỉ có Bảo tàng Văn học Việt Nam mới có thể lưu giữ hiện vật ông nhà tôi lâu dài”. Chuyện thu thập hiện vật, tài liệu không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì có những lý do khác nhau, có những lần, cán bộ bảo tàng phải năm lần bảy lượt tìm kiếm, thuyết phục những người đang giữ gìn hiện vật giao lại cho bảo tàng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ III (tháng 3-2015) tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Tọa lạc tại địa chỉ 275 Âu Cơ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, vốn là nhà sáng tác xưa, Bảo tàng Văn học Việt Nam không quá hoành tráng về diện tích trưng bày. Tuy nhiên, bất cứ du khách nào đến đây cũng cảm thấy ngạc nhiên bởi bảo tàng đã bao quát được diện mạo của 10 thế kỷ văn học viết của nước ta. Khởi đầu là danh nhân Lý Thường Kiệt với bài thơ “Nam quốc sơn hà”, rồi tiếp đó là Phật hoàng Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du...; kết thúc là các nhà văn thời hiện đại được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật. Tất nhiên, sẽ có sự băn khoăn của những người "khó tính" khi thiếu vắng một số nội dung trưng bày, chẳng hạn chưa có không gian trưng bày về một dòng họ thi văn nổi tiếng như dòng họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai (Hà Nội) hay dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (Hà Tĩnh)...; vì môi trường dòng họ cũng góp phần hun đúc truyền thống văn học, sản sinh ra nhiều tác gia xuất chúng. Một bảo tàng dù có quy mô đến mấy khó có thể đưa tất cả hiện vật, tư liệu để trưng bày. Vì thế, việc có một bảo tàng chuyên sâu về văn chương Việt và phác thảo toàn bộ lịch sử văn học chữ viết thay vì từng giai đoạn như một số bảo tàng văn chương của các nước, đã là một nỗ lực đáng ngợi khen.

Điểm cộng dễ nhận ra là các tư liệu hiện vật được trưng bày đều là hiện vật gốc, trong đó có nhiều hiện vật quý như chiếc bàn hơn 200 năm tuổi Đại thi hào Nguyễn Du từng sử dụng trong thời gian sống ở quê vợ tại Thái Bình, viên gạch khắc tên nhà văn, liệt sĩ Trần Đăng chôn theo liệt sĩ ở Lạng Sơn... Hiện nay, số lượng hiện vật Bảo tàng Văn học Việt Nam lưu giữ đã lên con số hơn 4.000 và chắc chắn theo thời gian sẽ không ngừng tăng lên, bổ sung vào các không gian trưng bày ngày thêm phong phú, sinh động hơn.

Các hiện vật dù có dồi dào đến mấy nhưng nếu không có phương pháp trưng bày hiện đại, chắc chắn sẽ không làm hài lòng công chúng tham quan. Hiểu điều đó nên Bảo tàng Văn học Việt Nam đã có cách bài trí hiện đại, kết hợp trưng bày các hiện vật với việc thuyết minh bằng hình ảnh, video và tra cứu thông tin nhà văn thông qua các thiết bị cảm ứng hiện đại. Xét mặt bằng chung về chất lượng trưng bày của hệ thống bảo tàng Việt Nam hiện nay thì Bảo tàng Văn học Việt Nam không hề "kém cạnh". Bên cạnh đó, các tổ hợp “Giáo dục-thi cử-khoa bảng thời phong kiến”; tổ hợp “Lịch sử chữ viết”; tổ hợp “Không gian văn hóa xóm Chòi” (nơi đóng trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp)... đã góp phần minh họa các yếu tố về môi trường, hoàn cảnh thời đại đã ảnh hưởng đến sự ra đời của các tác gia, tác phẩm văn học tiêu biểu. Chính nội dung phong phú và hình thức trưng bày hiện đại, sinh động đã nhận được lời khen từ khách tham quan. Em Cao Trà My, học sinh Trường THCS Nhật Tân (Hà Nội) cho biết: “Lần đầu tiên đến thăm Bảo tàng Văn học Việt Nam, em rất thích thú. Xem các hiện vật và nghe những lời thuyết minh kỹ lưỡng, em đã hiểu thêm về các tác giả, tác phẩm đã từng đọc và càng yêu thêm văn học nước nhà”.

Về phương hướng hoạt động trong thời gian tới của Bảo tàng Văn học Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Minh, Phó giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam cho biết: “Các cán bộ, nhân viên bảo tàng sẽ nỗ lực tiếp tục sưu tầm thêm các hiện vật, tư liệu để làm phong phú nội dung trưng bày. Đồng thời, sẽ tổ chức các hoạt động, hội thảo, tọa đàm, trò chuyện về các nhà văn, về tác phẩm để tạo nên thương hiệu của bảo tàng. Chúng tôi còn có kế hoạch quảng bá bảo tàng, tiếp xúc với các công ty lữ hành để nhiều người biết đến bảo tàng, nhất là du khách nước ngoài”.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀNG


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1