"Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh được dịch ra tiếng Anh
So với số lượng tác giả, tác phẩm văn học xuất hiện ồ ạt hàng năm, con số 3 cuốn sách được dịch từ kênh Trung tâm dịch thuật của Hội Nhà văn quả là ít ỏi. Từ năm 2002, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quốc tế văn học Việt Nam lần thứ I, đến năm 2010 hội nghị này diễn ra lần thứ II, và tới đây là lần thứ III. Sau 12 năm, Trung tâm dịch thuật của Hội vừa kiện toàn bộ máy, và cũng chỉ dịch được số sách khiêm tốn nêu trên.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: Với công việc dịch các tác phẩm văn học trong nước giới thiệu ra quốc tế, các nước trên thế giới đã làm từ rất lâu còn chúng ta mới chỉ phụ thuộc vào các cá nhân hay một NXB nào đó. Chính vì thế cần phải có chủ trương lớn. Cái khó nhất hiện nay là những người có khả năng dịch của Việt Nam không nhiều và nếu có thì cũng không hứng thú. Bởi làm ra in ở đâu, ai trả tiền? Dịch một cuốn sách rất mất công nên chỉ có ai thật đam mê mới làm, và như vậy sẽ không được bao nhiêu.
Thực tế, việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới từ trước đến nay khó khăn không phải vì chúng ta không có tác phẩm. Trước đó đã có nhiều tác phẩm của các tác giả Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng. Dịch giả Thúy Toàn chia sẻ: Từ thời các ông Trương Vĩnh Ký, Hoàng Xuân Nhị cũng có ý thức dịch văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài. Gần đây thì các nhà văn tự dịch tác phẩm của mình. Ví dụ như nhà thơ Trần Nhuận Minh với tập song ngữ Anh - Việt dày hơn 800 trang có tựa đề "Bốn mùa”; nhà thơ Đặng Chân Nhân cũng tự mình sáng tác rồi chuyển sang tiếng Anh tập thơ đầu tay khi tác giả mới 14 tuổi…
Tuy vậy, theo dịch giả Nguyễn Lệ: Từ trước tới nay, việc dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra các ngôn ngữ khác phần lớn được thực hiện một cách đơn lẻ, mang tính chủ quan vì quen biết, vì mối quan hệ cá nhân với các nhà xuất bản nước ngoài hoặc vì sự yêu thích của các dịch giả đối với bản thân tác phẩm hoặc với tác giả viết nên tác phẩm đó. Một NXB lớn và hoạt động lâu năm như NXB Trẻ vừa qua cũng lần đầu phát hành bản dịch tiếng Anh cho cuốn "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” (tác giả Nguyễn Ngọc Thuần). Buồn thay đây lại được coi là thử nghiệm đầu tiên của một NXB trong nước trên chặng đường mò mẫm dò đường đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài.
"Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là cuốn sách dịch đầu tiên
của NXB Trẻ phát hành ra thế giới
Chính vì cánh cửa hẹp ấy nên các nhà văn Việt Nam và giới xuất bản Việt Nam chịu rất nhiều thiệt thòi cả về kinh tế, tinh thần và vị thế trên thị trường xuất bản quốc tế. Điều này dẫn tới hệ quả là các độc giả nước ngoài không có cơ hội tiếp cận tới văn chương Việt Nam, hoàn toàn mờ mịt kiến thức về đất nước, con người, văn hóa, du lịch, lịch sử... Việt Nam mà lẽ ra họ có thể tiếp cận được qua những trang sách. Và việc thiếu hụt hoàn toàn tác phẩm văn học Việt Nam trên thị trường xuất bản quốc tế vô hình chung đã khiến giới xuất bản nhiều nước cho rằng văn chương Việt là một khoảng trắng không đáng nói. "Đó là chưa kể thiếu hụt một lượng lớn lẽ ra phải có của các tác phẩm văn học Việt trên thị trường quốc tế sẽ tạo nên một khoảng trống lớn, khiến văn học của nhiều nước được dịp nhảy vào lấp chỗ và cạnh tranh. Tự mình đánh mất cơ hội để thể hiện mình (thể hiện cả nền văn hóa, lịch sử của cả một dân tộc) thông qua các trang sách văn học Việt là một việc làm vô cùng đáng tiếc và đáng trách”, dịch giả Lệ Chi nhấn mạnh.
Cần nhắc lại, ở Hội nghị quảng bá văn học quốc tế lần II, điều đáng chú ý là những tác giả Việt Nam được các đại biểu nước ngoài biết đến, phần lớn cũng chỉ quanh quẩn với một số tên tuổi quen thuộc như: Tô Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Trần Đăng Khoa... Hay những tác giả trẻ: Vi Thùy Linh, Nguyễn Ngọc Tư... Đã tới lúc giới xuất bản Việt Nam và các cơ quan chức năng cần dành nhiều thời gian quan tâm tới việc xuất khẩu tác phẩm văn học Việt Nam. Việc quảng bá văn học Việt ra nước ngoài cần có một lộ trình dài và kĩ lưỡng, cần tập hợp được một đội ngũ các dịch giả giỏi và chuyên tâm với nghề, hoạt động dưới một Quỹ quảng bá văn học Việt hoặc một Quỹ dịch thuật chuyên nghiệp để họ yên tâm làm việc trong khi đã đảm bảo được về đời sống của họ.
Và chính các đại biểu quốc tế trong hai kỳ hội nghị qua cùng gặp nhau ở một đề xuất thiết thực cho việc quảng bá nền văn học Việt Nam. Đó là phải thành lập Quỹ dịch thuật có sự tài trợ của Nhà nước, để bước đầu tài trợ cho những dự án dịch sách văn học trong điều kiện Việt Nam chưa thực sự là một nền văn học hấp dẫn độc giả thế giới.
Phương Đông
|