Nơi lưu giữ những giá trị văn học đặc sắc

02:19:00 26/06/2015
10 năm miệt mài xây dựng và sưu tầm, đến nay, Bảo tàng Văn học Việt Nam (BTVHVN) đã hoàn thành, là địa chỉ lưu giữ những giá trị đặc sắc của nền văn học dân tộc trong những biến thiên lịch sử đất nước.
Nhà thơ Hữu Thỉnh (thứ hai từ trái sang)cùng các đại biểu quốc tế tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Giới văn học nước nhà không thể quên lịch sử của BTVHVN hiện nay, nơi khi xưa là khu nhà sáng tác văn học Quảng Bá, Hồ Tây, Hà Nội. Từ những năm 60 của thế kỷ 20, trong hoàn cảnh sống và viết hết sức chật chội, các nhà văn đã nảy sinh ý tưởng góp nhuận bút để mua một mảnh đất làm nơi sáng tác. Đông đảo những tên tuổi làng văn ngày đó như Tú Mỡ, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Anh Thơ... cùng chắt chiu "góp gió thành bão". Và một tổ hợp nhà cấp bốn đơn sơ, xinh xắn ra đời nằm giữa một bên là sông Hồng cồn cào nước đỏ, một bên là Hồ Tây lộng gió. Từ đây, đã ra đời những tác phẩm lớn của văn học nước nhà như Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Sông Đà (Nguyễn Tuân), Vụ lúa chiêm (Đào Vũ)... Đây cũng là nơi mở các khóa viết văn góp phần đào tạo hàng trăm nhà văn trẻ; là nơi nhiều nhà văn đi thẳng vào chiến trường trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt...

Ngày 31-12-1999, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chủ trương cho phép xây dựng BTVHVN. Năm 2005, bảo tàng chính thức được khởi công xây dựng trong khuôn viên 3.600 m2 của Trại Sáng tác Quảng Bá xưa. Nhà bảo tàng gồm ba tầng khang trang, bề thế với diện tích trưng bày 2.700 m2. Ngoài ra còn có các phòng chức năng và hội trường hơn 200 chỗ ngồi phục vụ sự kiện, hội nghị, lớp học và 30 phòng nghỉ cho các nhà văn tham dự trại sáng tác.

Tầng một của bảo tàng là gian khánh tiết rộng thoáng, bố cục hài hòa, ở giữa đặt biểu tượng là hòn đá thiêng hình ngọn bút được rước từ Đền Hùng và dòng chữ mềm mại bay bổng "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" của đại thi hào Nguyễn Du. Đây cũng là nơi trưng bày 10 thế kỷ văn học nước nhà (từ thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 19); và lịch sử chữ viết của dân tộc Việt Nam trên các chất liệu giấy dó, vải, kim loại, lá cây. Những không gian tượng minh họa cảnh trường thi, lều chõng, sĩ tử, cảnh vinh quy bái tổ thời phong kiến hết sức sống động, cho người xem cảm nhận được không khí đèn sách, khoa cử náo nhiệt của cha ông một thời. Tầng hai có khu vực trưng bày về một số nhân vật tiêu biểu của văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20 như Phan Bội Châu, Tản Đà, Hồ Chí Minh; các nhà văn theo các khuynh hướng hiện thực phê phán, cách mạng và lãng mạn. Phần chính của tầng hai là các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật như Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Anh Đức, Chính Hữu, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Hữu Thỉnh, Hà Xuân Trường, Văn Cao, Vũ Khiêu, Tào Mạt, Lưu Quang Vũ... Ngoài ra, mô hình tổ hợp xóm Chòi nơi là Trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1949-1954 gợi những ký ức sống động về một thời văn nghệ kháng chiến. Tầng ba chủ yếu trưng bày về các nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật thời kỳ chống thực dân Pháp, văn học khu V, Nam Trung Bộ, các nhà văn sáng tác ở miền bắc, miền nam. Trưng bày tổ hợp Trường Sơn với nhà thơ tiêu biểu Phạm Tiến Duật và các kỳ Đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài ba tầng trên, còn có hai phòng trưng bày Quan hệ giao lưu quốc tế và Khám phá nông thôn Việt Nam.

Trong tổng số gần bốn vạn tài liệu, hiện vật sưu tầm được, hiện có 3.454 tài liệu, hiện vật được chọn trưng bày; nhiều hiện vật quý như chiếc bàn gỗ cách đây hơn 200 năm Nguyễn Du từng ngồi viết trong thời gian 10 năm sinh sống ở quê vợ Thái Bình; bức tượng Vua Trần Nhân Tông từ chùa Tiêu Sái (nay là chùa Báo Ân), tại Gia Lâm vào thế kỷ 13, khi ông vừa xuống tóc bắt đầu hành trình lên Yên Tử; bộ bàn ghế gỗ gụ Bác Hồ từng tiếp Vua Bảo Đại năm 1946; viên gạch đá ong lấy từ Thành Đồ Bàn, nơi chứng kiến cuộc hôn nhân "ngoại giao" nổi tiếng trong lịch sử giữa Huyền Trân công chúa với Chế Bồng Nga; những tấm ván khắc gỗ của dòng họ Phan Huy; bộ sưu tập sách viết trên lá cây của các dân tộc Thái ở miền tây Nghệ An, Chăm ở Bình Thuận, Khmer ở Trà Vinh; bản thảo viết tay của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi... Ngoài ra, bảo tàng còn lưu giữ được gần 500 phim tư liệu ghi lại hình ảnh, tiếng nói của các nhà văn. Một số hiện vật độc đáo, thú vị như cây gậy chống của nhà văn Nguyễn Tuân khắc tên những địa danh nổi tiếng ông từng đến; chiếc ba-toong gỗ, rút chuôi cầm ra bên trong là một lưỡi lê sắc, chiến lợi phẩm nhà văn Chu Lai thu được trên chiến trường Cam-pu-chia... Đặc biệt, có những hiện vật gây xúc động mạnh lòng người: viên gạch có tên nhà văn liệt sĩ Trần Đăng do đồng đội dùng lưỡi lê khắc làm dấu chôn theo khi ông hy sinh ở Lạng Sơn; chiếc chum sành của nhà thơ Lê Anh Xuân từng chui vào núp và chết ngạt trong trận địch càn ở Long An; bức tượng tái hiện hình ảnh nhà thơ Thu Bồn dùng ba-lô địu đứa con bị chất độc da cam trước ngực đi dọc Trường Sơn ra bắc...

Trong dịp Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai vào tháng 3-2015 vừa qua, BTVHVN lần đầu mở cửa đón hàng trăm đại biểu quốc tế tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhà thơ Cô-lôm-bi-a Phéc-nan-đô Rôn-đôn đã cảm thán: "Tôi yêu lòng dũng cảm, sự kiên cường dịu dàng và cuộc trường kỳ đầy tính thơ ca của dân tộc Việt Nam vĩ đại và đáng kính. Tôi yêu lịch sử của Việt Nam và nền văn học Việt Nam. BTVHVN đã làm sống trong tôi bao niềm vui". Là người tâm huyết, gắn bó hơn 10 năm trời với công việc xây dựng bảo tàng từ những ngày đầu gian khó, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Giám đốc bảo tàng vẫn còn nhiều trăn trở, dự định: "Toàn bộ dữ liệu để tra cứu về các nhà văn (phần phi vật thể) đã làm được. Nhưng việc trưng bày về cuộc sống và sáng tác của họ (phần vật thể) vẫn thiếu, chỉ có tác phẩm, chưa sưu tầm được các hiện vật trong đời sống. Hiện nay, bảo tàng đã trưng bày được khoảng hơn 200 nhà văn tiêu biểu được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật. Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng đề án sưu tầm giai đoạn hai với hơn 1.000 nhà văn hiện đại của thế kỷ 20, 21. Và dự kiến sẽ xây dựng vườn tượng chân dung các nhà văn...".

NGUYỄN PHƯƠNG LIÊN

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1