Lập tủ sách từ thói quen tặng sách
Có những câu chuyện buồn vui về quá trình lập con đường sách về nông thôn mà họ vẫn thường xuyên gặp phải nếu không cần mẫn và kiên trì thì rất khó thực hiện được.
Chị Vũ Thị Thu Hà (SN 1981) ở Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội), chuyên làm về xây dựng là người đã có công đầu tư 12 tủ sách tại các vùng nông thôn của tỉnh Nam Định. Chị chia sẻ: “Lý do khiến tôi mong muốn làm tủ sách cho quê mình có nhiều lắm nhưng phải nói khơi nguồn cảm hứng đưa sách về nông thôn từ anh Nguyễn Quang Thạch.
Biết anh qua cộng đồng Facebook, rồi đọc những bài viết về mong muốn, hành động của anh về "sách hóa nông thôn"... cộng với thói quen từ lâu của tôi là hay tặng bạn bè, người thân những quyển sách mà mình tâm đắc nên tôi đã đứng ra kêu gọi các anh chị em là cựu học sinh của Trường Bắc Sơn (xã Sơn Đông, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đóng góp tùy tâm, đồng hành cùng mình, để gieo vào cộng đồng về ý nghĩa của việc làm này”.
Chị Hà ao ước, nếu mỗi người con xa quê chung tay vào việc đưa sách về nông thôn thì con đường "sách hóa nông thôn" sẽ nhanh đến đích hơn. Sách không chỉ là người bạn mà còn kích thích trí tưởng tượng, sức sáng tạo. Trẻ em thành phố được đọc những cuốn sách rất hay và bổ ích như bộ sách "Tập làm nhà phát minh" từ đó tổ chức các cuộc thi cấp độ các lớp rồi đến cấp trường về những sản phẩm của các em để kích thích sự sáng tạo cho các em.
“Mình cũng xuất phát từ vùng nông thôn, do vậy lúc nào cũng mong muốn cho các em được may mắn hơn thế hệ mình trước đây, không còn cảnh bị thèm sách và đói sách”- chị Hà cho biết. Khi khảo sát việc muốn đưa sách về quê, chị đã nhận được nhiều sự đồng tình, hưởng ứng của bạn bè, đặc biệt là sự hào hứng đón nhận sách về quê của các thầy cô giáo và học sinh Trường cấp 2 Bắc Sơn nơi ngày xưa chị đã học.
Quê chị Hà có nghề "gia truyền" mà nhờ nó đã có rất nhiều gia đình trở nên khá giả thậm chí giàu có, đó là phở bò. Nhưng hậu quả của việc một số gia đình, bố mẹ mải mê đi kiếm tiền ở ngoại tỉnh, bỏ mặc con cái ở nhà với ông, bà là khiến bọn trẻ mải chơi, chán học, nghiện game, thậm chí sinh hư.
Một số học sinh nam đã bị lôi kéo thử chơi ma túy tổng hợp, gia đình phát hiện ra cũng đã muộn và khó có thể bắt các em quay lại học hành chăm chỉ được nữa. Kết thúc năm học lớp 9, thầy hiệu trưởng Trường Bắc Sơn hỏi một số em sẽ thi tiếp vào cấp 3 hay không, nhưng các em trả lời: “Thưa thầy em nghỉ học về bán phở thôi ạ, anh chị chúng em học hết cấp III cũng về bán phở thôi”.
“Đó cũng là một trong những lý do vì sao tôi muốn đưa sách về trường cho các em. Tôi muốn các em ham mê đọc sách để thay đổi nhận thức về xã hội nhân sinh quan và thế giới quan, thay cho nghiện game hay lêu lổng chơi bời vô ích, hại thân”- chị Hà tâm sự.
Đòi “phần trăm” mới cho đặt tủ sách
Cũng là một người tích cực hưởng ứng phong trào đưa sách về nông thôn, anh Nguyễn Danh Huế, sinh năm 1977, hiện sống tại phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Anh Huế là một luật sư, đã tham gia xây dựng sách ở nhiều địa phương như Thái Bình, Sơn La, Hà Tĩnh... Anh Huế tâm sự: “Mỗi lần đưa sách về các vùng quê, nhìn vào mắt những đứa trẻ khát sách mà mình buồn lắm.
Vì nói thực ở nông thôn, ngay như Thái Bình quê tôi, ở cấp xã thì không có một hiệu sách nào, trẻ em phải đi 15km mới ra đến huyện mà hiệu sách huyện cũng chỉ có sách giáo khoa là chủ yếu. Sách có nội dung về văn hóa xã hội, truyện cổ tích thì hầu như rất hiếm. Còn những xã ở vùng cao huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, mà chúng tôi đã triển khai sách, thì học sinh từ xã ra đến huyện phải đi 40km, điều này là không thể đối với các em khi có nhu cầu đọc sách. Chính vì vậy mà các em đói sách cũng là điều dễ hiểu”.
Anh Nguyễn Danh Huế
Có cả những ông chủ tịch UBND xã ở Thái Bình còn lên tiếng đòi “phần trăm” khi chúng tôi đưa tủ sách về xã đó đặt. Họ cho rằng chúng tôi về bán sách nên đã đòi điều kiện phải chi 20%”.
Trong quá trình đưa sách về nông thôn, có những câu chuyện buồn mà thoạt nghe không ai tin. Đó là khi nhóm trí thức trẻ của anh Huế đưa sách về xã Kim Lộc, (Can Lộc, Hà Tĩnh), quê hương của 50 vị giáo sư, tiến sĩ đang công tác trên rất nhiều các lĩnh vực, nhiều vùng miền, nhưng xã lại vô cùng nghèo.
Đường sá thì lầy lội. Hầu như những người thành đạt trong xã chưa quan tâm đến bộ mặt nông thôn ở vùng quê của mình. Và một điều rất buồn khác là học sinh, bà con trong xã vô cùng “đói” sách, mà chưa bao giờ có một vị giáo sư, tiến sĩ nào của vùng quê này đóng góp một cuốn sách cho cộng đồng.
Cho tới khi nhóm anh Huế thực hiện chương trình sách hóa nông thôn thì ở xã này mới có những tủ sách cộng đồng đầu tiên. Mặc dù địa phương luôn tự hào về việc xã mình có tới 50 giáo sư tiến sĩ, nhưng phía sau họ vẫn là những nông dân “đói” sách.
Trong quá trình đưa sách về nông thôn thì nhóm của anh Huế cũng gặp phải không ít sự bất hợp tác chính quyền địa phương. “Có cả những ông chủ tịch UBND xã ở Thái Bình còn lên tiếng đòi “phần trăm” khi chúng tôi đưa tủ sách về xã đó đặt. Họ cho rằng chúng tôi về bán sách nên đã đòi điều kiện phải chi 20%.
Nghe xong chúng tôi ai cũng buồn hẳn. Có những chuyến đưa sách về trường nhưng thầy hiệu trưởng không ủng hộ, học sinh thì khát sách, thèm được đọc lắm nhưng chẳng em nào dám mon men tới tủ sách mới được đem tới vì hiệu trưởng chưa thích tủ sách xã hội hóa như thế này”- anh Huế kể.
Mặc dù gặp không ít khó khăn từ kinh phí, đến thói quen đón nhận sách nhưng những người đang theo đuổi mục tiêu sách hóa nông thôn vẫn kiên trì thực hiện những gì họ thấy là cần thiết đối với cộng đồng để xóa vùng đói sách.