Nhà thơ nữ đến từ Slovakia đọc và dịch thơ Hồ Xuân Hươn. (Nguồn: vov.vn)
Tại hội thảo, các nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận, phác thảo bức tranh của nền thơ ca Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại; tác động của thơ ca đối với đời sống tâm hồn người Việt cũng như việc tạo điều kiện để thơ đến với đời hơn nữa.
Phác thảo tiến trình thơ Việt, nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết, thơ cổ Việt Nam còn lưu giữ được văn bản được tính từ thế kỷ thứ 10, thời tiền Lê, tiếp đó phát triển nổi trội ở thời Lý và thời Trần.
Tác giả thơ giai đoạn này thường là các vị thiền sư, thơ đậm phẩm chất của Phật giáo, bút pháp hàm súc, tứ thơ khái quát. Sau đó, có thể khẳng định, thời thịnh vượng của thi ca là thời vua Lê Thánh Tông, với một câu lạc bộ thơ cung đình đã có công phát triển thơ Việt.
Thời châu Âu làm cách mạng tư sản thì ở Việt Nam nở rộ một loạt thi sỹ tài năng, tiêu biểu nhất là Nguyễn Du. Ông là bậc thầy của tâm lý con người và thấu hiểu thời cuộc.
Thời Pháp xâm lược Việt Nam, một gương mặt thơ ca lớn xuất hiện từ tầng lớp sỹ phu khởi nghĩa là Cao Bá Quát; đồng thời, một loạt tài năng khác mang thi vị riêng biệt tạo nên nền thơ cổ điển Việt Nam giàu thực tiễn và nhân ái, đó là Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương...
Từ năm 1930, thơ Việt Nam khai sinh thời hiện đại với trào lưu Thơ Mới. Người mở đầu cho phong trào này là Thế Lữ. Tiếp đó là Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Anh Thơ...
Bên cạnh đó, dòng thơ cách mạng ra đời với một loạt tên tuổi mới như Tố Hữu, Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Chính Hữu.
Đến thời kháng chiến chống Mỹ có các nhà thơ Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Lâm Thị Mỹ Dạ... và nhiều nhà thơ khác.
Theo nhà thơ Vũ Duy Thông, một trong những dòng thơ nổi bật của thơ ca Việt Nam là thơ viết về chiến tranh. Thông thường, dòng thơ này chỉ có giá trị tức thời, hô hào tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của kẻ thù, kêu gọi ý chí quyết chiến quyết thắng quân xâm lược.
Tuy nhiên, thơ chiến tranh của Việt Nam đã chiến thắng được quy luật ấy, không hề bị lãng quên vì thơ hướng về các giá trị nhân văn phổ quát của nhân loại, về con người, vì khát vọng hướng về hòa bình, mong cho con người được sống trong yêu thương và hạnh phúc.
Đề cập đến tinh thần dân chủ, động lực phát triển của thơ Việt những thập niên cuối thế kỷ 20 đến thế kỷ 21, nhà thơ Tuyết Nga cho rằng, từ một nền thi ca có tính đồng nhất, thơ Việt với tinh thần dân chủ của thời đại đã tiến tới một diện mạo mới phong phú, đa dạng, nhiều sắc độ.
Tinh thần dân chủ của xã hội, của nghệ thuật hiện đại và ý thức về cái tôi riêng trong sáng tạo đã giúp các nhà thơ tự do bộc lộ tư tưởng và cá tính nghệ thuật của mình. Song, ở nơi cao nhất của tinh thần tự do, dường như thơ Việt Nam vẫn còn một nguyên tắc bất biến là đề cao giá trị nhân văn vì sự tiến bộ của cuộc sống, sự hoàn thiện của con người.
Đặt vấn đề đưa thơ đến với đời hơn nữa, nhà thơ Trần Cao Sơn nhấn mạnh, cả nghìn năm, thi ca chiếm lĩnh địa vị độc tôn, yêu thơ và tôn thờ thơ là chính đạo-thi đạo-nhân đạo.
Suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, truyền thống ấy vẫn được giữ vững và nâng tầm. Đánh giặc và làm thơ, làm thơ và đánh giặc - hai chất liệu tư tưởng ấy hòa quyện trong một bản thể nhân văn anh hùng.
Những năm gần đây, với hệ thống truyền thông mới, thơ đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi phải vươn cao hơn nữa, vì vậy, cần phải tạo môi trường xã hội để thơ ươm mầm, trổ sắc và thăng hoa./.