Tiểu thuyết ngôn tình đang là thuốc độc cho một thế hệ!

13:15:00 06/04/2015
Khẩu ngữ kích cầu văn hóa đọc đã không còn xa lạ với người Việt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể thấy rằng văn hóa đọc được “kích cầu” theo số lượng mà quên đi chất lượng. Những cuốn sách trên kệ tại các nhà sách, nhà xuất bản đang được đổi mới liên tục nhưng liệu đó có phải là dấu hiệu đáng mừng sau những lời kêu gọi đọc sách?

Tiểu thuyết Trung Quốc tràn ngập thị trường

Có lẽ chưa bao giờ ngành xuất bản ở nước ta phát triển như hiện nay, từ thành thị đến nông thôn đều tràn ngập những cửa hàng sách. Các nhà sách mọc lên như nấm sau mưa cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và những lời kêu gọi đọc sách của các diễn giả, chính khách.

Ngoài các cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo dùng trong nhà trường thì một lượng sách lớn được bày bán chính là sách văn học. Khẳng định vai trò của văn học trong việc giáo dục, phát triển con người qua hàng trăm những nghiên cứu thì những kệ sách văn học dường như là không thể thiếu trong mỗi cửa hàng và có vẻ như lượng sách này cũng chiếm đa số.

Tiểu thuyết ngôn tình là sự lựa chọn của không ít bạn trẻ


Nếu như trước kia, ngoài những giáo viên Văn, những nhà nghiên cứu văn học thì mọi người chỉ biết tới những tác phẩm văn học nhà trường với Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Nam Cao, Vũ Trong Phụng… hay những tác phẩm kinh điển: Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Những người khốn khổ... Giờ đây, trong sự hội nhập, chúng ta được biết tới nền văn học thế giới từ kinh điển đến hiện đại, từ văn học đậm chất giáo dục đến giải trí và có lẽ nhiều nhất là các cuốn tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc

Những tác giả Tào Đình, Diệp Lạc Vô Tâm, Cố Mạn, Tân Di Ổ… với hàng chục đầu sách được bày bán tràn lan tại các hiệu sách. Những tựa đề Xin lỗi, em chỉ là con đĩ, Kiếp trước em đã chôn cất cho anh, Bên nhau trọn đời, Dư vị trà chiều, Anh trai em gái… được bày bán ở những vị trí trang trọng nhất thì dòng văn học kinh điển được khẳng định chất lượng qua bao thế kỷ trên khắp thế giới lại có vẻ như chỉ “bày cho có”.

Tại bất kỳ hiệu sách nào chúng ta đều có thể tìm được những cuốn tiểu thuyết Trung Quốc này với nội dung na ná nhau nhưng được bán với số lượng rất lớn, bày biện đẹp mắt thu hút bất cứ một vị khách nào khi bước chân qua cửa.

Tiểu thuyết ngôn tình: Chất lượng ở đâu?

Tiểu thuyết ngôn tình bắt nguồn từ sự “thương mại hóa” của nền văn học mạng tại Trung Quốc. Các “nhà văn” thực chất là những blogger, đưa những sáng tác của mình lên mạng xã hội, viết theo nhu cầu đọc của độc giả nhằm mục đích kinh tế, thương mại. Do nhu cầu hầu hết chỉ mang tính chất giải trí nên những sáng tác này tràn lan yếu tố tình dục, chi tiết mô tả hành vi tình dục hay những suy nghĩ ma quái nhằm mục đích câu khách.

Khu vực bày bán sách văn học hầu hết là truyện ngôn tình


Những cuốn sách này sau khi được dịch và phát hành tại Việt Nam thu hút một lượng lớn độc giả từ những học sinh phổ thông đến giới công chức văn phòng. Tính giải trí cao, dễ đọc, mới mẻ, tiểu thuyết Trung Quốc với khái niệm “ngôn tình”khác hoàn toàn với những cuốn sách kinh điển được biết đến trước đó.

Nhưng có lẽ rằng, nhờ những chiêu quảng cáo, truyền thông tại các cửa hàng sách “quá tốt” cho dòng văn học giải trí này mà nó đang dần trở thành nỗi lo lắng cho không ít nhà giáo dục khi thấy số lượng sách bán được ngày càng tăng, và nguy hiểm hơn, lượng khách hàng lại đa số ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Tràn lan những nội dung viết về tình yêu đồng giới, hành vi tình dục, tư tưởng sống chết đến sự ma quái trong đời sống, những cuốn tiểu thuyết này vẫn đang được bày bán trên các kệ sách, được các em học sinh truyền tay nhau đọc. Ở lứa tuổi tiếp nhận kiến thức nền tảng cho tương lai, nhưng các em có thể bỏ hàng giờ, thậm chí cả đêm để đọc, liệu có ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức?

Thay vì tìm hiểu những tri thức mới của nhân loại, học ngoại ngữ… thì không ít học sinh đắm chìm với những ngôn ngữ mụ mị: nếu như em yêu anh, em sẽ tuyệt đối không làm một dây leo như lăng tiêu, bám vào cơ thể của anh để làm nổi bật chiều cao của mình…(Ký ức độc quyền) trong những cuốn truyện rồi lần mò tìm hiểu những gì viết trong cuốn sách, nguy hiểm hơn là mong muốn một cuộc sống đầy tiêu cưc, ma quái như nhân vật.

Sách nói chung và văn học nói riêng đều nhằm mục đích giáo dục, phát triển con người, vậy thử hỏi những cuốn tiểu thuyết ngôn tình vẫn đang được bán hàng này: chất lượng giáo dục ở đâu? Hay phải chăng đó là những cuốn “truyện sex” trá hình? Nguyên nhân của những suy nghĩ tiêu cực?

Kích cầu văn hóa đọc: Số lượng bỏ quên chất lượng

Chúng ta đã quá quen với những khẩu ngữ kêu gọi mọi người đọc sách, tìm giá trị trong những cuốn sách, giáo dục thông qua việc đọc sách… nhưng có vẻ như những lời kêu gọi chỉ có giá trị về mặt số lượng.

Số lượng các nhà sách tăng cao cùng với sự phong phú của các thể loại nhưng chất lượng sách vẫn đang chạy theo những doanh thu mang về mà quên đi giá trị thật sự của việc đọc sách. Số lượng người đọc tăng lên cùng với số sách được bán nhưng nếu chất lượng đi xuống thì điều gì sẽ xảy ra?

Khu vực bày bán những cuốn tiểu thuyết Trung Quốc tại vị trí đẹp nhất ở hầu hết các cửa hàng là sự khẳng định về số lượng được bán ra không hề nhỏ. Những cuốn sách mới liên tục được bổ sung dù nội dung không có gì thay đổi mà vẫn được không ít người mua đã trở thành mối lo ngại của các nhà giáo dục.

Có vẻ như sự “kích cầu văn hóa đọc” ở nước ta mới chủ yếu dừng lại ở vấn đề số lượng mà bỏ qua chất lượng của việc đọc. Số lượng sách trung bình được đọc tăng nhưng liệu ý nghĩa của sự giáo dục trong từng cuốn sách có tăng theo những con số được trở thành doanh thu tại các nhà xuất bản?

Để nâng cao chất lượng đọc, có lẽ điều cần thay đổi đầu tiên là sự thắt chặt trong khâu kiểm tra chất lượng sách thay vì xuất bản ồ ạt như hiện nay. Đồng ý với sự giải thích về nhu cầu giải trí của người đọc trong việc tìm kiếm sách nhưng chính những nhà xuất bản khi quyết định ra mắt sách, bày sách tại cửa hàng sẽ góp phần vào sự định hướng văn hóa đọc.

Thay vì việc chạy đua theo số lượng khi bán những cuốn tiểu thuyết ngôn tình, hãy dần định hướng người đọc tới những cuốn sách mở mang tri thức, nền văn học mang tính giáo dục cao, sách tâm lý, kinh tế, kỹ năng… Điều này không chỉ có giá trị trong việc nâng cao văn hóa đọc theo đúng ý nghĩa của nó mà còn có ý nghĩa trong việc phát triển con người.

Thúy Hằng


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1