Tín dụng đen mang tên 'cầm đồ'

07:36:00 29/12/2014
ANTT.VN – Một con phố hơn 3 cây số giữa Thủ đô với những cửa hiệu cầm đồ nhiều hơn cửa hàng kinh doanh thuần túy, một con phố dài vài trăm mét vuông giữa khu vực rất nhiều trường đại học mà cửa hiệu cầm đồ nhiều hơn nhà sách. Hoạt động tín dụng đen vẫn hoạt động công khai với lãi suất cắt cổ vẫn được người dân sử dụng như một hình thức hợp pháp.

Đường Láng- 3km và 120 tiệm cầm đồ

Hà Nội những ngày cuối năm dường như tấp nập hơn thường lệ, những con phố đông đúc người qua lại kinh doanh buôn bán theo từng mặt hàng riêng biệt. Giáp Tết cũng là thời điểm cho những cửa hàng mang cái tên rất đặc trưng “Tiệm cầm đồ” hoạt động sôi nổi hơn.

Ghi nhận tại các tuyến phố Hà Nội vốn nổi tiếng với thương hiệu cầm đồ như: đường Láng (Đống Đa), Đặng Dung (Ba Đình), Bạch Mai (Hai Bà Trưng)... thấy các tiệm cầm đồ đều tấp nập khách ra vào. Con phố dài nhất Hà thành hơn 3km, một bên đường là sông Tô Lịch nên không có nhà dân, phía đường còn lại thường được người dân nhắc đến như thiên đường của dân cá độ mùa bóng đá hay lô đề. Theo quan sát, xen kẽ những cửa hiệu sách cũ từng là truyền thống lâu đời tại con phố này là hơn 120 cửa hiệu cầm đồ lớn nhỏ mọc san sát nhau. Tại mỗi cửa hiệu, xe máy, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động... để chất đống kèm biển bán thanh lý.

Đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) có hơn 120 tiệm cầm đồ lớn nhỏ

Ông Long- chủ một cửa hiệu cầm đồ trên đường Láng (Đống Đa) cho biết:Thông thường thời điểm này hàng năm, lượng khách tới cầm đồ hoặc chuộc đồ còn đông hơn do sắp Tết âm lịch. Năm nay Tết đến muộn hơn một tháng, lượng hàng còn trong kho vẫn nhiều, các chủ cửa hàng chưa tiến hành bán đồ cầm cố.

Tương tự là tuyến đường Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội), cả tuyến phố dài vài trăm mét cũng có đến vài chục cửa hiệu phục vụ chủ yếu đối tượng là học sinh sinh viên các trường đại học xung quanh. Gặp một bạn sinh viên vừa bước ra từ một cửa hàng cầm đồ tại con phố này, bạn cho biết: “Do mình đang nợ bạn bè ít tiền mà sắp đến kỳ nghỉ Tết dương nên phải trả gấp, mình đành ra đây cầm tạm chiếc laptop (máy tính xách tay-PV) lấy tiền để trả bớt nợ. Nhưng do máy dung được một thời gian nên chủ cửa hàng chỉ đồng ý cho vay 3 triệu đồng cho chiếc laptop mua mới hơn chục triệu”.

Lãi suất trên trời

Tại các cửa hiệu cầm đồ, khách hàng có thể dễ dàng cầm cố từ chứng minh thư, bằng lái xe đến điện thoại di động, máy tính xách tay hay tài sản giá trị hơn như xe máy. Số tiền vay được do chủ hiệu tự định giá, lãi suất cũng tùy theo giá trị món hàng mà lấy lãi 2.000 đồng/ngày cho món dưới 1 triệu, hay 3.000 đồng/ngày cho số tiền hơn 1 triệu được ghi vào tích kê cùng số hiệu tài sản cầm cố mà không hề có hợp đồng hay giấy tờ pháp lý đủ điều kiện.

Với những khoản cầm cố lớn hơn hoặc vay nóng, cần tiền trong ngày, có khách hàng còn mang cả sổ đỏ bản gốc để vay món hơn 1 tỷ đồng. Trong quá trình tìm hiểu, do lượng tiền mặt của chủ hiệu không đủ có thể liên kết với chủ hiệu khác để “giải ngân” ngay trong ngày với lãi suất được coi là “giá hời nhất Hà Nội” 1.500 đồng/triệu/ngày. Như vậy, nếu với số tiền vay 1 tỷ đồng “ra tấm ra món”, người cầm cố phải trả số lãi 45 triệu/ tháng.

Hiệu cầm đồ trưng biển lãi suất công khai 1.500/triệu/ngày

Với thủ tục nhanh chóng, chỉ cần hồ sơ gốc mà không cần công chứng của chính quyền địa phương, khách hàng sẽ có ngay khoản tiền vay trong ngày. Tính ra, lãi suất “giá hời” 45 triệu đồng/tháng cho khoản vay 1 tỷ đồng, lãi suất được ápdụng tại đây là 54,75%/năm.

Trong khi đó, tại thời điểm mà Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế cũng giảm từ mức 8% xuống còn 7% năm từ ngày 28/10/2014. Như vậy, lãi suất mà các cửa hiệu cầm đồ áp dụng gấp 7-8 lần so với vay các ngân hàng thương mại hiện nay.

Thời buổi nợ xấu là vấn đề cần lưu tâm nhất của các ngân hàng thì việc xem xét khả năng trả nợ, tính thanh khoản của tài sản đảm bảo, thủ tục giải ngân là điều quan trọng. Chính những dịch vụ với giá cắt cổ như các cửa hiệu cầm đồ đang áp dụng nhưng nhanh gọn, không cần xem xét nguồn gốc món đồ cầm cố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những tệ nạn xã hội xảy ra, trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản… mang đi cầm cố ngày càng trở thành vấn nạn trong xã hội.

Cửa hiệu cầm đồ liệu có vi phạm pháp luật?

Trên thực tế, các cửa hiệu cầm đồ hoạt động rất công khai, cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo hình thức “có cầu ắt có cung”, rất ít cửa hàng có giấy phép kinh doanh tín dụng hoặc là tổ chức có tư cách pháp nhân. Những món đồ từ giá trị thấp như điện thoại, máy tính, xe máy… đến giá trị lớn như vàng bạc, sổ đỏ nhà đất… đều có thể dung làm tài sản đảm bảo mà không hề có hợp đồng hoặc chứng thực từ cơ quan có thẩm quyền. Sau khi tiến hành giao dịch chỉ có giấy vay tiền, nhận tài sản có ký kết giữa hai bên dân sự. Tài sản càng vô chủ thì chủ hiệu càng có thể ép giá thấp, nếu không chuộc lại được khi quá hạn, chủ hiệu thanh lý tài sản với giá hời gấp 2-3 lần số tiền cho vay.

Thủ tục pháp lý để kinh doanh cầm đồ rất đơn giản

Hiện nay, theo quy định của Nghị định 59/2006/NĐ-CP, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, nghị định số 72/2009/NĐ-CP của Chính Phủ và thông tư 33/2010/TT-BCA của Bộ Công An quy định điều kiện ANTT đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thủ tục pháp lý để hành nghề kinh doanh cầm đồ rất đơn giản. Cá nhân hoặc người đại diện doanh nghiệp gửi Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh và kèm theo bản sao Chứng minh nhân dân của cá nhân hoặc người đại diện đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.

Về việc nhận ký gửi vàng bạc, theo mục 4 và 6, Điều 19, chương VI của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 3-4-2012 về hoạt động quản lý kinh doanh vàng thì thấy hầu hết cửa hàng cầm đồ đều vi phạm nghiêm trọng nghị định này: Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm việc “Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán” hay “Khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép”.

Hình thức cho vay kiểu “tín dụng đen” ngoài hệ thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã được cấp phép khiến nhiều dòng tiền chảy vào kinh doanh hoạt động “cầm đồ”. Nên chăng cần có những giải pháp triệt để ngăn chặn triệt để hoặc tổ chức bài bản để phát huy những ưu điểm của hình thức tín dụng bán lẻ của các cửa hiệu cầm đồ nhưng phải đảm bảo được nhứng an toàn tín dụng cho nhân dân?

Hoa Liên


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1