Văn hóa đọc đâu chỉ cần tiền?

08:16:00 11/08/2015
(HQ Online)- Sau một thời gian chuẩn bị, Bộ VH- TT & DL đã cơ bản hoàn thành đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 -2020, định hướng 2030” với kinh phí 230 tỷ đồng cho 5 năm đầu tiên thực hiện. Tính cần thiết của đề án không thể nào phủ nhận, nhưng quy trình khiển khai phải có những đột phá để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nhiều năm nay, văn hóa đọc đã xuống cấp trầm trọng, đó là điều dư luận không ngớt kêu ca. Ngay cả những đối tượng gắn liền với sách như giáo viên, học sinh, sinh viên cũng khá thờ ơ với sách. Chẳng phải lỗi của riêng ai, mà chính cái trào lưu chạy theo những giá trị thực dựng đã khiến xã hội xao nhãng việc đọc sách.

Bây giờ kết nối toàn cầu, ai cũng có thể dễ dàng quan sát và cảm nhận được hai hình ảnh đối lập: Trên xe điện ngầm hay ở phòng chờ xe buýt thì người nước ngoài cầm sách trên tay và chăm chú đọc. Còn ở nước ta, tại nơi vốn dành cho tầng lớp tương đối thành đạt là sân bay thì hầu hết ai cũng chỉ tán gẫu hoặc chơi game bằng điện thoại thông minh. Rõ ràng, chúng ta chưa xây dựng được thói quen đọc sách và cũng chưa có ý thức đọc sách để nâng cao kiến thức và làm đẹp tâm hồn.

Mục tiêu của đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 -2020, định hướng 2030” khá hoành tráng: Tất cả các thư viện tỉnh có trụ sở độc lập, có ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện, tất cả trường học có thư viện và 90% thư viện trường phổ thông đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 50% gia đình ở Việt Nam có tủ sách, mức hưởng thụ sách báo trên đầu người dân đạt 7 bản/ người… Vấn đề ở đây không nằm ở các con số hướng tới để thống kê mà là giá trị của việc đọc sách.

Thư viện xây to đẹp nhưng không ai vào thì làm sao? Tủ sách trang trọng nhưng chỉ để ngắm thì có sự phí phạm nào bằng? Với không khí xuất bản nhộn nhịp hiện nay, cộng với những ứng dụng công nghệ sách điện tử, số lượng ấn phẩm hoàn toàn đủ sức đáp ứng cho hầu hết những người đam mê đọc sách. Tuy nhiên, muốn thu hút quần chúng đọc sách thì nhất định phải tạo ra không gian đọc sách. Muốn vậy, phải đẩy mạnh hoạt động giới thiệu sách, phê bình tác phẩm và giao lưu tác giả. Thử hỏi, một thư viện tỉnh mỗi năm có bao nhiêu buổi hội thảo hoặc trao đổi về một cuốn sách đang gây xôn xao trên thị trường? Ý nghĩa của việc đọc sách, không phải đếm xem đã lật qua bao nhiêu trang, mà khám phá nhiều hay ít chiều sâu tư tưởng và nhân văn được gửi gắm trong cuốn sách! Nói một cách thẳng thắn, mỗi năm một viên chức chỉ cần đọc trọn vẹn và thấu hiểu đầy đủ một cuốn sách, thì tầm nhìn và suy tư đã tiến bộ rõ rệt!

Trong đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 -2020, định hướng 2030” có một khoản chi quan trọng: Dành ngân sách 60 tỷ đồng cho thư viện huyện nông thôn và miền núi. Thực tế, số sách in ra hàng năm chỉ nằm chủ yếu ở các đô thị lớn, còn vùng sâu vùng xa vẫn khan hiếm các ấn phẩm. Mặt khác, giá sách hiện nay do áp lực khấu trừ hoa hồng phát hành quá cao, nên giá thành rất đắt đỏ, không phù hợp thu nhập của người lao động. Liệu 60 tỷ đồng sẽ tạo động lực mới cho văn hóa đọc ở nông thôn chăng? Rất khó, nếu số tiền ấy chỉ dành để kiên cố hóa thư viện hay mua những loại sách không phù hợp với sở thích của bà con chân lấm tay bùn.

Một điều đáng băn khoăn là văn hóa đọc không chỉ cần tiền tỷ được chi theo từng dự án, mà cần chính sách khuyến khích chuyển động lâu dài. Vì sao có thể tổ chức hội chợ hàng tiêu dùng, mà không thể tổ chức hội chợ sách ở nông thôn? Mỗi năm một huyện có được một hội chợ sách, thì suy nghĩ của người dân sau lũy tre làng sẽ khác.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1