"Khởi tạo lại" văn hóa đọc

09:35:00 02/08/2015
Sau rất nhiều những cảnh báo, lo ngại về tình trạng trẻ em ngại đọc, sinh viên không có kỹ năng đọc sách; văn hóa đọc đứng trước những thách thức ngạo nghễ của truyền thông mạng... dự thảo đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030" đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) xây dựng. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở căn bản để thúc đẩy, khởi tạo lại sức sống cho văn hóa đọc trong cộng đồng.
Lớp học kỹ năng đọc sách thông minh cho trẻ em của dự án "Sách ơi mở ra".

Sau rất nhiều những cảnh báo, lo ngại về tình trạng trẻ em ngại đọc, sinh viên không có kỹ năng đọc sách; văn hóa đọc đứng trước những thách thức ngạo nghễ của truyền thông mạng... dự thảo đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030" đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) xây dựng. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở căn bản để thúc đẩy, khởi tạo lại sức sống cho văn hóa đọc trong cộng đồng.

Cần những mô hình sáng tạo

Khởi xướng chương trình sách hóa nông thôn Việt Nam, nổi tiếng với chuyến xuyên Việt bộ hành để kêu gọi xây dựng tủ sách nông thôn, ông Nguyễn Quang Thạch thở dài khi nhắc đến thực trạng trẻ em Việt ít đọc sách. Những cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn như Túp lều bác Tôm, Không gia đình, Những tấm lòng cao cả... nếu khảo sát thì chẳng mấy em trong độ tuổi phù hợp đã đọc.

Từ mô hình tủ sách dòng họ đã Nguyễn Quang Thạch khởi xướng xây dựng, bốn mô hình tủ sách nông thôn khác cũng đã được "gã cuồng" vì văn hóa đọc này tiếp tục khởi xướng, hoặc làm mẫu ở nhiều vùng nông thôn, gồm: Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Lớp em (đặt trong các lớp học), Tủ sách Giáo xứ (trong các nhà thờ công giáo), Tủ sách Hậu phương quê hương chiến sĩ (tại các gia đình vợ là giáo viên, chồng bộ đội). Có những tủ sách đã thu hút hàng trăm độc giả thường xuyên. "Ở An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình, năm học 2009- 2010 có 303 học sinh nhưng chỉ có 180 lượt học sinh được mượn sách từ thư viện. Sau bốn năm thực hiện mô hình tủ sách trong trường học, bình quân mỗi học sinh ở trường được đọc khoảng 30 cuốn sách/năm. Sách làm thay đổi tư duy, cuộc sống và giúp nhiều học sinh nông thôn tìm được hướng đi, thực hiện được mơ ước của mình", ông Nguyễn Quang Thạch chia sẻ.

Một thực tế khó tin nhưng lại được chính những người trong cuộc khẳng định, đó là văn hóa đọc đang gặp phải rào cản phát triển từ chính các bậc phụ huynh và giáo viên. TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, không hiếm trường hợp cha mẹ không cho con đọc sách vì cho rằng có đọc nhiều cũng không thể được điểm cao lúc thi cử. Những bậc phụ huynh này không hiểu rằng, một đứa trẻ ham đọc sách là một cá thể luôn chủ động trong học tập, kết quả phát triển sẽ tốt hơn nhiều so với cách học bị động. Đáng buồn hơn, rất nhiều sinh viên đại học hiện nay cũng không hề biết cách đọc sách. Họ chủ yếu chỉ đọc để phục vụ các kỳ thi chứ không tự trang bị những kỹ năng sống từ việc đọc sách một cách đúng nghĩa.

Trăn trở trước thực tế này, sau nhiều năm nghiên cứu, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh đã sáng lập trang web có têndocsach.org.vn. Dự án Sách ơi mở ra cùng nhiều chương trình trải nghiệm thực tế, các sự kiện tạo động lực thúc đẩy văn hóa đọc cũng đã được thực hiện. "Ở nhiều nước trên thế giới, phương pháp đọc sách đã được đưa vào các trường học như một môn học chính thức thì tại Việt Nam, điều đó vẫn là khá xa vời. Hệ quả là trẻ em thì ngại đọc, không được khuyến khích đọc, sinh viên cũng thiếu những kỹ năng cần thiết khi đọc và cảm thụ.", TS Ngọc Minh nhấn mạnh.

Khởi tạo lại thói quen đọc sách

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thư viện, Bộ VH-TT và DL, Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030là một đề án quan trọng với mục tiêu hình thành một thế hệ đọc tương lai. Hệ thống thiết chế, mạng lưới thư viện công cộng đang dần hoàn thiện, tuy nhiên, hệ thống này phát huy hiệu quả ra sao lại là một câu chuyện khác. Chưa kể, sự lấn lướt của truyền thông mạng đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của văn hóa đọc. "Bây giờ cái gì muốn biết chỉ cần tra Google là có hết. Thực tế đó khiến con người ngày càng lười đọc...", bà Vũ Dương Thúy Ngà bộc bạch.

Dự thảo đưa ra nhiều quan điểm chỉ đạo cơ bản. Trong đó, một quan điểm cơ bản được nhiều chuyên gia quan tâm là phát triển văn hóa đọc nhằm điều chỉnh các biểu hiện lệch lạc, hình thành thị hiếu lành mạnh, xu hướng đọc đúng đắn. Xét trên nhiều bình diện thì quan điểm này đã đề cập đến chính phương pháp đọc sách, điều khuyết thiếu khiến văn hóa đọc luôn chật vật. Mục tiêu chung được đưa ra từ dự thảo đề án cũng được nhiều ý kiến cho rằng đã "chạm" đến cốt lõi của sự phát triển văn hóa đọc, trong đó nhấn mạnh mục tiêu "hình thành thói quen và phát triển nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân".

Tuy nhiên, cũng nhiều chuyên gia cho rằng, nên coi đó là sự "khởi tạo" một thói quen thì đúng hơn. Người Việt vốn rất yêu thích sách báo và thói quen đọc sách vốn có ở không ít người. Cuộc sống hiện đại với quá nhiều gấp gáp vô tình trở thành căn nguyên khiến cho nhiều kho sách giá trị bị "ngủ quên", thói quen đọc sách cũng dần biến mất. Đau đáu nhân rộng các mô hình tủ sách nông thôn, ông Nguyễn Quang Thạch đề xuất, Bộ VH-TT và DL nên dịch chuyển vùng hoạt động từ thành phố, huyện lỵ đến các nhà văn hóa cấp thôn, xóm, thay vì để sách "nằm ngủ" ở khu vực đô thị, nơi vốn có nhiều gia đình đủ năng lực thường xuyên mua sách cho con cái. Mặt khác, cũng nên đưa việc có tủ sách vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa.

Bà Tú Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An kiến nghị, từ những cơ chế, thể chế và hệ thống thiết chế về thư viện đã có, các địa phương rất cần có những cơ sở pháp lý, chế tài để hiện thực hóa. Một thí dụ được đưa ra, tại nhiều cơ sở trên địa bàn Nghệ An, kinh phí khi được đưa về các huyện chủ yếu được dành cho các hoạt động văn nghệ, thể thao mà gần như bỏ quên nội dung bổ sung sách và tổ chức các hoạt động về thư viện. Nếu không tìm được giải pháp cho những bất cập cụ thể này thì e rằng, những mục tiêu, con số của đề án rồi lại sẽ trở nên xa vời.

Theo Dự thảo, Đề án hướng đến mục tiêu nâng tỷ lệ người đọc thường xuyên từ 30% (hiện nay) lên 65% vào năm 2020, giảm tỷ lệ số người hoàn toàn không đọc từ 26% (hiện nay) xuống còn 15% vào năm 2020.
THANH AN

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1