Văn hóa đọc: Số lượng đang bỏ quên chất lượng

06:54:00 09/04/2015
Sự đầu tư vào thị trường sách những năm gần đây đã tạo ra những lựa chọn phong phú cho độc giả. Tuy nhiên việc phát triển thị trường sách, chất lượng có đi cùng số lượng?

Tiểu thuyết ngôn tình, diễm tình tràn lan thị trường

Ngành xuất bản phát triển, sự xuất hiện của các công ty sách tư nhân trở thành động lực của một bộ phận những người sáng tác văn học. Hàng trăm đầu sách được xuất bản mỗi năm trong đó có một phần không nhỏ là các cuốn tiểu thuyết văn học trong và ngoài nước.


Ngoài những cuốn sách bổ sung kiến thức thì đại bộ phận độc giả vẫn chọn sách văn học cho mục đích giải trí. Những cuốn tiểu thuyết mang tính giải trí mô tả tình yêu, tình dục với đầy những yếu tố câu khách đã và đang chiếm đại đa số thị trường sách văn học.

Những cái tên Trần Thu Trang, Dương Thụy, Nguyễn Đình Tú…hay những tác giả của trào lưu văn học mạng Trung Quốc: Tân Di Ổ, Tào Đình, Diệp Lạc Vô Tâm… xuất hiện tràn lan tại các cửa hàng sách từ thành thị đến nông thôn. Những cuốn sách được bày tại vị trí đẹp nhất trong cửa hàng, thu hút sự chú ý của độc giả và chính mảng văn học này cũng tạo ra nguồn thu không nhỏ cho các nhà xuất bản, công ty sách.

Việc xuất hiện, bày bán tràn lan các cuốn sách có nội dung không phù hợp với từng đối tượng như hiện nay liệu có phải là mối nguy hiểm tiềm tàng trong việc giáo dục suy nghĩ, nhận thức?

Thay vì đọc những cuốn sách cung cấp kiến thức trong đời sống thì không ít bạn trẻ đắm chìm trong những cuốn tiểu thuyết diễm tình, xa rời thực tế, trở nên sống ảo trong những tưởng tượng mà cuốn sách vẽ ra. Liệu chăng, các nhà xuất bản nên chọn lựa những cuốn sách mang tính giáo dục cao thay vì chỉ phục vụ mục đích giải trí?!

Đi hội chợ mua sách cho rẻ!

Mỗi năm, các nhà xuất bản trên cả nước tổ chức đến hàng chục hội chợ sách lớn nhỏ với mục tiêu kích cầu văn hóa đọc nhưng có thể thực hiện mục tiêu này không khi mà hội chợ chỉ là nơi mua sách rẻ?

Hội chợ tổ chức như một hình thức bán sách giảm giá, sách tồn kho với số lượng lớn do sự tập trung độc giả trong những ngày diễn ra hội chợ. Nếu như tại các cửa hàng sách, độc giả chỉ được chiếu khấu từ 20-25% thì tại hội chợ có thể lên tới 50-70%, chưa kể đến những cuốn sách đồng giá 5000đ, 10.000đ…

Dù được thanh minh cho việc bán sách phù hợp với túi tiền của học sinh, sinh viên – đại bộ phận độc giả, nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự khan hiếm của những cuốn sách chất lượng trong các kỳ hội chợ.

Tràn lan những cuốn tiểu thuyết ngôn tình giảm giá, những cuốn truyện tranh hay sách giải trí thông thường được bán với giá rẻ nhằm thu hút những độc giả tham gia hội chợ. Số lượng sách bán được trong những ngày diễn ra hội chợ lớn nhưng đây không thể trở thành phương tiện của mục tiêu kích cầu văn hóa đọc.

Nâng cao văn hóa đọc phải bắt nguồn từ việc độc giả tìm đến những cuốn sách chất lượng, bổ sung kiến thức trong cuộc sống, nâng cao sự hiểu biết chứ không thể chỉ dừng lại ở việc mỗi người đọc nhiều sách hơn trong một năm.

Để làm được điều này chúng ta nên quan tâm vấn đề giá trị nội dung của sách khi được xuất bản và bày bán nhằm mục đích định hướng cho độc giả thay vì bày bán tràn lan, chỉ quan tâm tới số lượng như hiện nay.

Nâng cao văn hóa đọc: Hãy bắt đầu bằng chất lượng

Không phủ nhận sự cố gắng của các nhà xuất bản khi luôn bổ sung những cuốn sách mới, sự đầu tư về chất lượng bản in, bìa sách… nhưng điều quan tâm cốt yếu phải là nội dung.

Thay vì chỉ giới hạn trong những cuốn sách kinh điển hay các các tác giả trong nước, các nhà xuất bản đã giúp độc giả tiếp cận nhiều hơn với nền văn chương thế giới, khoa học kỹ thuật tân tiến bằng những cuốn sách dịch rất chất lượng.

Điều này cũng trở thành động lực cho một bộ phận những người sáng tác trong xã hội, đặc biệt là sáng tác văn học so với trước kia. Trên kệ sách có những tác giả 8x, 9x đã xuất bản vài cuốn tiểu thuyết là sự cố gắng viết, tìm tòi của các nhà văn trẻ nhưng không phủ nhận yếu tố phụ về điều kiện xuất bản hiện nay.

Đáp ứng thị hiếu của độc giả, những nhà xuất bản đang làm kinh tế với việc tung ra thị trường hàng chục đầu sách mang tính giải trí mỗi năm. Từ thể loại diễm tình ủy mị, đến ngôn tình Trung Quốc với đầy những tâm lý bất ổn, Đam mỹ mô tả tình yêu đồng giới… tràn ngập thị trường khiến văn học kinh điển, văn hóa, triết học… phải “nép mình” vì chẳng được ngó tới.

Để nâng cao được nhận thức của độc giả, tránh việc tìm kiếm những cuốn tiểu thuyết ngôn tình, diễm tình thì cần có sự đầu tư hơn nữa về chất lượng sách mang tính giáo dục tại các nhà xuất bản.

Thay vì việc xuất bản ồ ạt những cuốn tiểu thuyết mang tính giải trí của các nhà văn trong nước hay dịch văn học mạng của Trung Quốc, Đài Loan đang “giết” dần một thế hệ thì nên chăng tập trung vào những cuốn sách bổ sung kiến thức khoa học, sách ngoại văn, nghiên cứu văn hóa…?

Thúy Hằng


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1