Nhà văn Thuận: Muốn danh thì đừng viết

05:30:00 15/12/2013

Luôn chọn con đường khó, đường chưa có ai đi để bước đi, tác phẩm của nhà văn Thuận có vẻ lạnh lùng, giễu nhại nhưng ẩn bên trong là thứ tình cảm dữ dội và day dứt, ám ảnh thân phận xa xứ.

Đầu tháng chín vừa qua, tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn của nhà văn Thuận ra mắt đã thu hút sự quan tâm của độc giả. Trong buổi giao lưu ngày 14-12 tại TP.HCM, Thuận trả lời độc giả cũng bằng giọng điệu thẳng tưng, không màu mè, xã giao.

“Cái gì dễ, tôi không làm”

. Phóng viên: Có phải mỗi nhà văn chỉ có một câu chuyện được kể đi kể lại và chị cũng vậy?

+ Nhà văn Thuận: Đúng là tác phẩm của tôi thường có nhân vật chính là phụ nữ không có chồng hoặc bị tan vỡ hạnh phúc, một mình nuôi con và sống xa xứ. Có thể tôi đã vô tình viết đi viết lại điều đó. Nhưng câu nói “Mỗi nhà văn chỉ có một tác phẩm” chỉ mang tính hình ảnh thôi. Thực ra câu chuyện gì không quan trọng, quan trọng là cách kể chuyện như thế nào.

. Trong văn của chị, người đọc thấy có tính âm nhạc, có tính nhịp điệu, chị có cố tình tạo nên điều đó?

+ Đối với tôi, tính nhịp điệu trong văn là điều quan trọng nhất. Bản thảo tôi viết ra, phải sửa đi sửa lại nhiều lần là cho nó có nhịp điệu. Nhịp điệu phản ánh hơi thở, sức khỏe của người viết. Nó cũng là cách phân chia tác phẩm của người viết. Phải phân chia tác phẩm làm sao tạo được sự cuốn hút với người đọc. Kể một câu chuyện ly kỳ cho hấp dẫn thì rất dễ, kể một câu chuyện không ly kỳ mà vẫn hấp dẫn mới khó. Và tôi đã dùng nhịp điệu, giọng điệu kể để hấp dẫn bạn đọc.

Nhà văn Thuận (phải) và nhà thơ, dịch giả Lâm Vũ Thao trong buổi giao lưu với độc giả TP.HCM chiều 14-12. Ảnh: TRÀ GIANG

. Trong một tác phẩm của chị, chị có xây dựng một nhân vật nữ rất thích đọc tiểu thuyết của Mạc Ngôn và thích xem phim Hàn Quốc. Sao chị không thử viết một tác phẩm nào đó nhẹ nhàng, lãng mạn theo kiểu như vậy để phù hợp tới số đông độc giả như nhân vật của chị?

+ Tôi mà thấy viết sến là tôi dừng lại ngay, sửa ngay. Viết để lấy nước mắt độc giả thì rất dễ. Cái gì dễ, tôi không làm. Kể một câu chuyện buồn, tôi không muốn nó quá buồn lấy nước mắt độc giả nên tôi mới đưa sự giễu nhại vào để làm cho sự việc nó tưng tửng, hài hước đi… Tôi thà có một ngàn độc giả hiểu tôi còn hơn một trăm ngàn độc giả tầm phào. Có một lần tôi ngồi hai tiếng đồng hồ trong hiệu sách lớn ở Pháp, chỉ có 3-5 người hỏi mua sách của tôi. Còn tất cả những người đến hiệu sách thì mua sạch sách trinh thám. Tôi biết viết như thế nào thì sách sẽ bán chạy chứ nhưng tôi không viết. Trước giờ, tại Pháp, chỉ có cuốn T mất tích của tôi là bán chạy nhất so với các cuốn còn lại. Tôi vào diễn đàn, thấy người ta bình luận rằng tưởng đây là sách trinh thám nên mới mua, ai dè đem về đọc chán chết. (Cười)

Khám phá bản thân trong nghiệp viết

. Các câu chuyện của chị thường phát triển theo hướng rất bất ngờ, chị thường xây dựng cốt truyện như thế nào?

+ Tôi không bao giờ xây dựng sẵn một cốt truyện sẵn rồi “đắp” câu từ vào thành một tác phẩm hoàn thiện cả. Tôi muốn thử sức tưởng tượng của mình đến đâu. Thường tôi chỉ có một ý tưởng lóe lên trong đầu và tôi viết. Trong khi viết, tôi sẽ nảy ra những ý tiếp theo. Ví dụ, tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn. Ban đầu, tôi nghe được câu chuyện một người giàu mới nổi ở Sài Gòn đã xây căn nhà năm tầng có thang máy. Người mẹ của chủ nhà đã chết vì tai nạn với thang máy. Tôi nghe tin đó và cảm thấy choáng váng. Tôi tự hỏi sự giàu có phải làm cho người ta hạnh phúc chứ sao lại gây tai nạn và làm người ta phải chết khổ sở như thế! Tôi thấy câu chuyện trên phản ánh một xã hội những người giàu mới nổi, thích phô trương và tôi quyết định viết. Từ lúc cầm bút, tôi nảy ra những ý kế tiếp và xây dựng những tình huống, nhân vật tiếp theo. Do đó, tôi thường viết rất lâu vì nếu đụng tới vấn đề hay khái niệm nào chưa rõ, tôi lại phải tra cứu, tìm hiểu. Khi tìm hiểu, có thể những ý tưởng mới lại xuất hiện kế tiếp như thế. Ý tưởng của tôi cứ như một vệt dầu, ngày càng loang rộng ra.

. Chị có hy vọng nghề viết văn đem lại cho chị hào quang?

+ Khi đã chọn nghề viết nghĩa là bạn phải bất chấp tất cả. Bất chấp nghèo. Bất chấp vô danh. Nếu muốn danh vọng và giàu có thì đi làm nghề khác.

. Vậy thì văn chương đem lại cho chị điều gì?

+ Tôi khám phá được bản thân mình trong văn chương. Bình thường, tôi nghĩ rằng tôi hay nhanh nhảu, bộp chộp nhưng khi đọc lại tác phẩm, tôi nghĩ: “Mình đã bỏ ra bốn năm để viết cái này thì hóa ra mình cũng là người kiên nhẫn đấy chứ”. Tôi hiểu bản thân hơn qua những trang viết của mình.

. Xin cảm ơn chị.

Thuận là tác giả của nhiều tác phẩm: T mất tích, Vân Vy, Chinatown, Made in Vietnam, Paris 11 tháng 8. Thuận rời Việt Nam từ năm 17 tuổi để du học tại Nga rồi đi làm, lấy bằng thạc sĩ văn học Anh cổ điển tại ĐH Paris 7 và bằng thạc sĩ văn học Nga đương đại tại ĐH Sorbonne, sau đó định cư tại Pháp.

Bản tiếng Pháp của Thang máy Sài Gòn được trao tặng Giải sáng tạo (Bourse de Creátion) năm 2013 của Trung tâm Sách quốc gia Pháp (Centre National du Livre). Thang máy Sài Gòn bản tiếng Việt ra mắt tại Việt Nam tháng 9-2013.

TRÀ GIANG thực hiện


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1