TTCT đã có cuộc trò chuyện với PGS-TS Đoàn Cầm Thi sau một năm tủ sách đi vào hoạt động.
Tôi đâu có một mình!
Hơn một năm trước, tháng 10-2012, Tủ sách văn học Việt Nam đương đại chính thức ra mắt tại Paris. Đó thật sự là một tin vui cho những người làm văn học, tuy nhiên bên cạnh vẫn có những lo ngại rằng hiệu quả của tủ sách liệu có được như kỳ vọng? Là thành viên sáng lập và điều hành tủ sách, xin chị chia sẻ về điều này.
Ngày 12-10-2012, Nhà xuất bản Riveneuve (Pháp) đã chính thức ra mắt Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại tại nhà sách Le Phénix, ngay trung tâm Paris. Ý tưởng về tủ sách đã được gợi ý bởi chuyên gia văn học Pháp và Việt Nam, nhà phê bình và dịch giả Đoàn Cầm Thi. Sau khi giới thiệu các nhà văn Việt Nam thế hệ mới ở một số nhà xuất bản khác nhau như Philippe Picquier và Le Seuil, PGS-TS Đoàn Cầm Thi nhận thấy rằng để lôi kéo được mối quan tâm của độc giả khối Pháp ngữ thì việc giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam đương đại cần phải được thực hiện một cách hệ thống hơn. Vì vậy, chị đã thuyết phục Nhà xuất bản Riveneuve thành lập một tủ sách và đã được chấp thuận. |
- Tủ sách vừa tròn 1 tuổi, chúng tôi đã có bốn đầu sách: T. mất tích, Khmer Boléro, Cơ hội của Chúa, Thang máy Sài Gòn. Riêng cuốn thứ năm, Delete, là tuyển tập chín truyện ngắn của Phong Điệp và tám tạp văn của Nguyễn Việt Hà, do giáo sư Emmanuel Poisson của Đại học Paris 7 chọn dịch, sẽ chính thức ra mắt vào đầu tháng 12 tại Paris.
Năm tới, chúng tôi sẽ xuất bản Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương, Song Song của Vũ Đình Giang, Giữa dòng chảy ngược của Nguyễn Danh Lam, Blogger của Phong Điệp, Sài Gòn chủ nhật của Đỗ Kh. và Paris 11 tháng 8 của Thuận. Đương nhiên là vất vả rồi, nhưng mỗi cuốn sách lại mang đến cho chúng tôi những niềm vui mới, hay nói như anh Nguyễn Việt Hà, chúng báo hiệu những “điềm lành”.
* Nỗ lực đưa văn học Việt Nam sang Pháp, mở ra cơ hội mới cho văn học Việt thâm nhập cộng đồng Pháp ngữ, chị có nghĩ việc này lẽ ra phải thuộc về công việc của một tổ chức, có nhân lực, tài chính - mà có thể còn phải gặp rất nhiều khó khăn mới mong đạt được hiệu quả, thì việc chị đang làm giống như người một mình bơi thuyền để vượt biển?
- Quả là công việc này không thuộc về một cá nhân nào, vì văn chương là tài sản chung của dân tộc. Trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, tất cả quốc gia đều tìm cách “xuất khẩu” văn hóa, vì họ ý thức được việc trao đổi thuần túy kinh tế hay chính trị, ngoại giao chưa đủ để hấp dẫn công chúng nước ngoài.
Những tổ chức tư nhân của các nước láng giềng chúng ta như Toyota Foundation, Korea Foundation, Daesan Foundation... đã có rất nhiều chiến lược cụ thể nhằm hỗ trợ các nhà xuất bản Pháp dịch và giới thiệu văn chương của nước họ.
Trong khi chờ đợi những nỗ lực từ trong nước, tủ sách của chúng tôi đang được sự ủng hộ rộng lớn của các tổ chức Pháp cũng như cộng đồng Pháp ngữ. Bên cạnh đó còn có một êkip dịch giả và biên tập phối hợp rất hiệu quả. Tôi đâu có một mình!
* Theo dịch giả Điền Tiểu Hoa, người đủ khả năng dịch văn học Việt Nam sang tiếng Trung chỉ khoảng 30 người, đó là một trở ngại lớn trong việc đưa văn học Việt sang đất nước này. Còn ở Pháp thì sao, thưa chị?
- Tôi sợ rằng con số này ở Pháp còn khiêm tốn hơn rất nhiều...
* Năm 2014 là một năm đặc biệt - Năm Việt Nam tại Pháp, trong đó văn học là lĩnh vực được chú trọng trong chuỗi các hoạt động sẽ diễn ra tại Pháp. Tủ sách văn học Việt Nam đương đại sẽ góp phần nào nhân sự kiện này?
- Chúng tôi hi vọng đây sẽ là một đòn bẩy quan trọng cho việc giới thiệu các tác giả Việt Nam. Nhiều hội sách đã chọn văn học Việt là chủ đề chính, như Hội chợ sách L’Hay-Les-Roses.
Các trường đại học lớn và các địa chỉ văn hóa danh tiếng như Viện Ngôn ngữ và văn minh phương Đông, Trường đại học Paris 7, Thư viện Quốc gia Pháp, Trung tâm sách quốc gia Paris, Bảo tàng Le Grand Palais, Bảo tàng Aquitaine thành phố Bordeaux, Hội chợ sách Paris... sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm giới thiệu văn hóa, trong đó văn học Việt Nam như là một điểm nhấn quan trọng.
* Người ta thường chỉ nhìn thấy chị như một nhà hoạt động văn hóa sôi nổi. Nhưng chị chính là dịch giả của nhiều nhà văn Việt đương đại. Xin chị chia sẻ về công việc thầm lặng này?
- Tìm hiểu, chọn lựa và chuyển ngữ chiếm nhiều thời gian của tôi nhất, nhưng có lẽ cũng là điều cuốn hút tôi nhất. Đúng là công việc này đòi hỏi sự miệt mài, khắc kỷ, thậm chí cô đơn. Nhưng vì cốt lõi của nó là nghệ thuật nên dịch văn chương cho tôi những cảm hứng bất ngờ. Phần “chìm” này tôi gìn giữ chăm sóc như khu vườn riêng của tôi. Chỉ ở đây, tôi cho phép mình nhẩn nha.
Những tác phẩm đặc sắc không thua kém thế giới
* Tiêu chí nào chị chọn để đưa văn học Việt Nam tiếp cận với cộng đồng Pháp ngữ? Và ngược lại, tiêu chí nào chị đặt ra để chọn giới thiệu những tác phẩm, tác giả đặc sắc của văn học Pháp tới độc giả Việt Nam?
- Chúng tôi có hai tiêu chí khi chọn giới thiệu văn học Việt Nam với độc giả khối Pháp ngữ: một cái nhìn và một văn phong. Cụ thể, chúng tôi tuyển chọn các tác phẩm thể hiện thời đại hôm nay qua một lối viết chủ quan nhất, sáng tạo nhất. Tủ sách của chúng tôi luôn ủng hộ sự sáng tạo.
Còn để góp phần giới thiệu văn học Pháp với độc giả Việt, tiêu chí đầu tiên của chúng tôi là những tác giả và tác phẩm cách tân nhất của văn học Pháp như M. Duras, M. Houellebecq, P. Deville...
* Tiến trình hội nhập các nền văn học rất cần vai trò của những “sứ giả văn học” là các dịch giả, nhà văn và nhà nghiên cứu. Chị cũng đang nỗ lực làm nhiệm vụ của một “sứ giả văn học”. Song song với văn học Việt, hai tiểu thuyết của nhà văn Pháp Patrick Deville do Nhà xuất bản Trẻ và Nhã Nam vừa ấn hành đều do chị đỡ đầu. Viễn vọng được chị dịch và viết lời bạt. Còn Yersin: dịch hạch & thổ tả cũng là chị hiệu đính và viết lời bạt. Vậy từ khi nào chị cảm thấy mình có trách nhiệm quảng bá văn học Việt Nam sang Pháp và ngược lại?
- Tôi cũng không rõ nữa... Chỉ biết rằng hai công việc này luôn ám ảnh tôi và dần hòa nhập vào nhau thành “hai trong một”. Dịch và giới thiệu cùng lúc hai nền văn học, tôi từng hi vọng một lúc nào đó nhà văn Việt và nhà văn Pháp có thể đối thoại và chia sẻ với nhau. Ngày 12-12, tại Hà Nội sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ giữa hai tác giả tiên phong là Patrick Deville và Nguyễn Việt Hà. Như vậy là cây cầu văn học đang thành hình...
* Công việc nghiên cứu và giảng dạy gần như đã choán hết thời gian, tâm trí của chị. Chị dành bao nhiêu thời gian và tâm huyết của mình vào công việc của Tủ sách văn học Việt Nam đương đại?
- Tùy thời điểm. Hiện nay tủ sách là ưu tiên hàng đầu của tôi.
* Điều chị lạc quan nhất khi thực hiện Tủ sách văn học Việt Nam đương đại là gì?
- Chúng ta có những tác phẩm văn học đặc sắc không hề thua kém thế giới. Đó chính là niềm tin cho những người tham gia tủ sách. Chúng tôi chỉ sợ lực bất tòng tâm...
Xin chúc Tủ sách văn học Việt Nam đương đại sớm đưa được nhiều tác phẩm có giá trị của văn học Việt Nam tới độc giả Pháp nói riêng và cộng đồng Pháp ngữ nói chung.
Tình thế buộc chúng tôi phải khẩn cấp. Đã đến lúc phải cho công chúng Pháp biết tới thế hệ văn chương mới của Việt Nam. 3/4 dân số Việt Nam sinh sau năm 1975. Lớp văn chương thật sự lớn lên sau chiến tranh mang nhiều tham vọng. Họ đều muốn trải nghiệm qua tiểu thuyết, lâu nay bị đẩy lùi sau truyện ngắn. Nhưng gần đây thể loại này đang quay trở lại vì có lẽ nó mới là thử thách thật sự cho những người sáng tác. Vai trò của một dịch giả như tôi đơn giản chỉ là hướng độc giả Pháp ngữ vào những tác giả mới này, và như vậy cùng lúc chống cự lại những hình ảnh sáo mòn nhưng thường trực của phương Tây về Việt Nam. ĐOÀN CẦM THI |
DIỆP THẢO thực hiện